Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về luật vừa được Quốc hội thông qua
Buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật. Ảnh: Nguyễn Giang
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi kinh tế…
- 11-12-2020Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật vừa được Quốc hội thông qua
- 10-07-2020Công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 10 Luật
- 17-12-2019Công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 11 Luật
Theo đó, sáng 24/1, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự vừa được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Luật cơ cấu thành 11 điều, gồm 9 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022; đồng thời để xử lý các quan hệ pháp luật phát sinh trước thời điểm Luật này có hiệu lực, Luật quy định chuyển tiếp đối với các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và Luật Thi hành án dân sự.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung luật để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng, thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Thông tin tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Từ đó tăng cường phân quyền, bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước.
Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai thi hành kịp thời, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết luật, trong đó dự kiến sẽ có 3 văn bản quy định chi tiết đối với luật này.
Trước đó, chiều 17/1, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì Họp báo công bố 4 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Nghị quyết 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Nghị quyết số 46/2022/QH15 ngày 11/1/2022 kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Diễn đàn doanh nghiệp