Công chức 8X được Forbes vinh danh: Gặp hàng trăm người, cùng nói, cùng làm, để được nghe những đóng góp chân thật!
Phan Hoàng Lan, 29 tuổi, không giống như những công chức thường thấy. Cô không lựa chọn làm công chức để ổn định, an nhàn mà vì công việc này có thể hiện thực hoá mong muốn từ bé, gói gọn trong cụm từ “xây dựng chính sách”.
Cô gái sinh năm 1988, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, là một trong 30 người trẻ được Forbes Việt Nam vinh danh năm 2018.
Xây dựng chính sách có thể xem một công việc rất khó, ngay cả với những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm. Chị đã tiếp cận quá trình làm chính sách như thế nào?
Hầu hết các chính sách đều phải đi vào thực tế, nghĩa là phải biết được thực tế cần gì. Ví dụ với những chính sách khởi nghiệp mà tôi đang làm, tôi phải biết được cụ thể nhà đầu tư cần gì, các bạn khởi nghiệp đang bị vướng mắc ở đâu, các chính sách nào là chưa phù hợp, nếu chưa phù hợp thì là ở điểm nào.
Tôi phải gặp rất nhiều người, có lẽ phải tính bằng đơn vị trăm. Đó là các nhà đầu tư, người khởi nghiệp, luật sư, những người trung gian các bên... và thường xuyên làm việc, trao đổi với họ, từ từ xây dựng mối nối thân thiết với họ. Phải kết thân mới có thể nghe được những góp ý thẳng thắn, chân thật của họ về những điểm được, chưa được của chính sách.
Tuy nhiên, những ý kiến đó thường phải chọn lọc rất nhiều. Trước đây, tôi thường trực tiếp hỏi từ những đối tượng thụ hưởng nhưng giờ tôi làm nhiều hơn cả với luật sư, chuyên gia. Bởi họ sẽ biết cụ thể chính sách bị hổng ở điểm nào.
Ngoài ra cũng phải đề cập đến truyền thông nữa. Truyền thông đóng vai trò rất nhiều trong việc xây dựng chính sách. Ví dụ như Điều 292 Bộ Luật Hình sự cách đây 2 khiến cộng đồng startup dậy sóng, cuối cùng đã được gỡ bỏ, công rất lớn nhờ báo đài.
Như vậy, có thể nói cách tiếp cận chính sách của tôi được đơn giản đi theo thứ tự: người thụ hưởng – chuyên gia – truyền thông để tác động lên bộ, ngành và cộng đồng.
Trường hợp chính sách nào làm chị nhớ nhất?
Một trường hợp làm tôi khá nhớ là cách đây khoảng 3 – 4 năm, tôi được giao làm chính sách về định giá tài sản trí tuệ. Giá là một vấn đề hoàn toàn về kinh tế nhưng cả ban soạn thảo ngày ấy chỉ có tôi và một người nữa từng học về kinh tế. Nghĩa là để giải thích và thuyết phục cho 20 người đang làm khoa học, có quyết định đối với chính sách này, hiểu một khái niệm mới, thuần kinh tế là việc cực khó. Hồi đấy, tôi cũng mới về Bộ.
Ví dụ nhé, về giá, mọi người vẫn hay nói đó là câu chuyện của thị trường, để thị trường quyết định. Nhưng nói như vậy thực ra không chính xác. Muốn để thị trường quyết định, thị trường đó phải rất hoàn hảo. Như vậy, việc để bàn tay thị trường điều tiết sẽ không xảy ra đối với mặt hàng không có thị trường hoặc thị trường chưa hoàn hảo. Thị trường về tài sản trí tuệ Việt Nam thực tế là mới bắt đầu và thông tin giao dịch còn rất ít, do vậy, nếu khi làm chính sách, lại bắt buộc rằng phải "định giá theo thị trường" hay quy trách nhiệm đảm bảo xác thực với người tính "giá theo thị trường" của tài sản trí tuệ thì hoàn toàn khó khăn.
Để đơn giản hóa, theo trung bình, một Thông tư ra đời mất 1 năm, Nghị định khoảng 2 năm, Luật tầm 3 năm trở lên. Như vậy, để cho ra đời một văn bản pháp lý mất rất nhiều công sức nhưng chỉ một phần nhỏ, có thể là một từ, một cụm từ, một câu... bị sai, toàn bộ sẽ đổ sông đổ bể. Sửa sai là rất khó, hoặc phải chờ nhiều năm sau mới sửa được.
Như chị nói thì quá trình làm luật rất dài hơi, liệu có sợ rằng khi Luật và các văn bản Luật đi vào thực tiễn thì đã không còn "hợp thời", khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn?
Có những lúc như thế thật, nhưng startup có nhiều cách để đi. Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, do vậy, đối với nhiều người, khi hỏi họ có gặp khó khăn gì khi khởi nghiệp, họ trả lời luôn là không. Nhưng tại sao lại thế? Là bởi không đầu tư trong nước, họ sang các quốc gia khác. Tức vấn đề không hẳn sẽ tác động lên startup mà lên định hướng quốc gia, muốn có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Tất nhiên việc ra đi của startup không phải là xấu. Nếu Việt Nam chưa có đủ nền tảng pháp lý và hệ sinh thái phát triển thì ở phương diện cá nhân, không nên cản trở startup ra nước ngoài. Nhà đầu tư vào Việt Nam có thể gặp một số vấn đề trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đơn cử như vấn đề pháp lý doanh nghiệp chẳng hạn. Cơ cấu tổ chức, kế toán của doanh nghiệp Việt nhiều khi không giống với các nước. Trong khi nếu đưa startup sang Singapore, Hong Kong, startup sẽ có cấu trúc rõ ràng, đạt chuẩn quốc tế, nhờ vậy nhà đầu tư biết mình đang nằm ở đâu, quyền lợi như thế nào.
Trong khi đó, các khoản đầu tư ở giai đoạn đầu thường dao động từ 50.000 – 100.000 USD nên việc dành nhiều thời gian và công sức để thực hiện giấy phép đăng ký đầu tư, trong khi họ cũng không biết được hưởng ưu đãi gì, khiến nhà đầu tư có thể cảm thấy nản chí và muốn đưa startup ra nước ngoài.
Chị và các cộng sự có bao giờ phải tham gia "lobby" chính sách?
(Cười) Ví dụ nhé, để sửa được một điều mà chúng tôi tin rằng nó tốt cho cộng đồng khởi nghiệp, chúng tôi cần phải tìm được người viết ra đề án đấy cũng như những người liên quan. Sau đấy truyền đạt những thông tin chúng tôi có, giúp họ hiểu vướng mắc đang ở đâu, tại sao cần thay đổi, phải giải thích được cho họ hiểu các vấn đề khởi nghiệp giống như mình hiểu vậy... Có lẽ đấy là định nghĩa "lobby" của chúng tôi.
Ví dụ như sửa đổi các sắc thuế chẳn hạn. Dư luận đang quan tâm đặc biệt đến Thuế tài sản, nhưng có rất nhiều loại thuế khác quan trọng không kém nhưng chưa được đẩy lên, như Thuế dành cho nhà đầu tư khởi nghiệp.
Người làm chính sách nghĩ khởi nghiệp chỉ có vài ông thôi, có thuế hay không có thuế cũng không giải quyết được gì. Nhưng hệ thống thuế hiện nay cho nhà đầu tư chưa được rõ ràng, nhà đầu tư cá nhân gần như chưa được hưởng một loại thuế nào, nhà đầu tư doanh nghiệp cũng khó hưởng ưu đãi thuế. Luật Hỗ trợ DNNVV quy định cần ưu đãi thuế cho nhà đầu tư nhưng chỉ đề cập đến ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, như vậy là chưa có ưu đãi cho cá nhân, thiếu hẳn một mảng.
Một chi tiết như vậy thôi, có thể không nghĩa lý với người làm luật nhưng người thụ hưởng sẽ thấy cả một sự khác biệt lớn. Nhà đầu tư có thể không vào Việt Nam nữa mà mang startup ra nước ngoài. Những lỗ hổng tưởng bé nhưng tác động lên bức tranh chung rất lớn. Do vậy, cần phải giúp những người làm luật hiểu được câu chuyện thực tế.
Quá trình làm việc của chị có lần nào rơi vào tình trạng không ai lắng nghe vì "trứng đòi khôn hơn vịt" không?
Tôi có may mắn là được làm việc với một lãnh đạo có tư tưởng rất cởi mở. Quan điểm của anh là người trẻ nên được làm việc và sáng tạo. Vị lãnh đạo này tạo cho tôi rất nhiều cơ hội để thoả sức nghiên cứu cũng như tự quyền quyết định vấn đề nghiên cứu.
Cũng có điểm không tốt (cười), đó là quá nhiều việc phải làm, không thể làm hết được. Quan điểm của tôi là tập trung làm một số việc thôi, nếu làm nhiều quá cùng một lúc sẽ bị loãng, không tập trung được.
Trong lĩnh vực khởi nghiệp, có bao nhiêu công chức trẻ như chị đang làm chính sách?
Nếu chỉ nói đến cơ quan tôi, chắc chỉ có tôi và một anh nữa là Giám đốc Văn phòng của tôi là công chức thì phải. Một số người nữa ở các đơn vị trong Bộ có tham gia làm nhưng đang làm hợp đồng. Còn lại các bạn rất trẻ, nhưng chủ yếu làm thời vụ.
Lương công chức hiện tại, chị có thể tiết lộ được không?
Tôi được khoảng 5 triệu đồng/ tháng. Ngoài lương, tôi còn có thu nhập từ các dự án nghiên cứu, hợp tác quốc tế. Làm từ hồi đầu đến giờ cũng đủ sống (Cười).
Thực ra các dự án tôi nghiên cứu đều liên quan đến khởi nghiệp nên nó hỗ trợ ngược lại công việc. Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp của tôi không gặp thuận lợi như thế. Họ phải làm công việc tay trái như dạy thêm, kinh doanh, không liên quan gì đến công việc chính.
Đề án tiền lương đang được đề xuất sửa đổi nhằm giúp cho người lao động nói chung, công chức nói riêng có thể sống được bằng lương, chị có kỳ vọng gì không?
Theo tôi, thực ra lương quan trọng nhưng ngoài lương nếu chính sách về công chức viên chức không sửa đổi một cách tổng thể chúng ta vẫn khó có thể thu hút người tài.
Hiện tại có rất nhiều người giỏi, có kinh nghiệm, không tính đến yếu tố lương, mong muốn vào Nhà nước làm nhưng không được. Hệ thống công chức rất khó để vào được biên chế. Vấn đề này nếu còn là nút thắt thì kể cả tăng lương đến mấy cũng khó giữ được nhân tài.
Mặt khác, đối với những người có bề dày kinh nghiệm hay có bằng giỏi ở nước ngoài về, các quy định hiện tại cho phép có thể tuyển thẳng nhưng thực ra vẫn rất khó. Giả sử, có được tuyển thẳng thì họ lại phải đi từ dưới lên, trong khi khả năng những người này hoàn toàn có thể lãnh đạo một đơn vị. Hiện cơ chế đưa thẳng một người mới lên vị trí lãnh đạo còn khá khó khăn.
Bản thân tôi trong quá trình làm đã chứng kiến một số người làm cùng, có tài năng và tâm huyết những cũng ra đi. Họ thật sự rất có năng lực, là người giỏi, nhưng mãi họ không thể vào được biên chế. Chờ 1 -3 năm cơ hội không thấy đâu nên họ đành từ bỏ.
Lương không phải yếu tố quyết định mà là biên chế, có vẻ như biên chế với những người này như là một sự thừa nhận năng lực?
Một phần là vậy. Bên cạnh đó, nếu không có biên chế, những bạn này sẽ không được hưởng các chế độ như công chức bình thường, sau một thời gian dài làm việc. Ví dụ không thể lên chức, không được cử đi đào tạo ở nước ngoài, hay đơn giản là việc tham dự các hội thảo quốc tế cũng gặp khó khăn.
Ít nhất có 2 bạn làm với tôi đã ra đi vì vấn đề này. Những thời điểm đó, bản thân tôi cũng do dự...
Bởi vậy, tôi rất mong sẽ có một sự thay đổi toàn diện, để những người trẻ, thực tâm muốn làm việc, muốn đóng góp, có cơ hội.
Cảm ơn chị!