Công chức không xăm hình, váy ngắn: Chuyên gia nói gì?
Sở VH &TT Hà Nội vừa trình làng “Bộ quy tắc ứng xử” với khuyến cáo công chức không xăm hình, mặc váy ngắn. Các chuyên gia văn hóa nói gì?
- 24-12-2016Hà Nội sắp ban hành Bộ quy tắc ứng xử: Người đồng tình, người nghi ngại
- 17-10-2011Bộ quy tắc ứng xử nội bộ: Lời giải cho việc sàng lọc và ngăn chặn các nhân viên xấu
- 16-12-2010Áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử cho trái phiếu
Dự thảo “Bộ quy tắc ứng xử cơ quan, đơn vị hành chính, nơi công cộng TP Hà Nội” dự kiến được ban hành tháng 1/2017.
Việc xây dựng Bộ quy tắc nhằm từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực đạo đức, điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi làm việc, công cộng trên địa bàn Hà Nội, hướng đến một thành phố thanh lịch, văn minh và hội nhập quốc tế...
GS Trần Lâm Biền:Không hề xâm phạm quyền tự do cá nhân
Nhiều năm nghiên cứu về văn hóa, tôi thấy quy định như thế này là tốt. Những quy định về trang phục khi đến công sở nên lịch sự, gọn gàng không xăm hình từ xưa đến nay đã có rồi. Hà Nội đưa ra những quy định như thế này chỉ khẳng định việc thực hiện cần được nghiêm túc hơn.
GS Trần Lâm Biền: Ăn mặc hở hang làm cho người làm cùng phân tán tư tưởng
Những quy định này không hề xâm phạm đến quyền tự do cá nhân của riêng ai cả. Bây giờ đến cơ quan hành chính nào làm việc, ngay ngoài đầu cửa cũng đều có bảng nội quy quy định ra vào nơi đó.
Chuyện ăn mặc hở hang, không đúng quy định sẽ làm cho người làm cùng phân tán tư tưởng. Một khi tư tưởng đã phân tán thì công việc không thể hoàn thành, còn chưa kể những tư tưởng, suy nghĩ đó có thể lệch lạc ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường làm việc.
Ở nước ta có hình thức truyền thống sinh hoạt cộng đồng, không phải theo cá nhân - đó là cái gốc của người Việt Nam xưa - chúng ta nên giữ những phần tốt đẹp đó.
Nếu một người nào đó thích tự do, thì tốt hơn là nên ở nhà vì một khi đã đi làm, đi ra ngoài đường đều phải chấp nhận theo quy định chung.
Tuy nhiên, những quy định này nếu áp dụng được trên toàn thành phố nên nhẹ nhàng, không nên rập khuôn, cứng nhắc thì sẽ rất tốt. Khi thực hiện thì không nên "đánh trống bỏ dùi”, chỉ được một thời gian lại bỏ dở.
GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam: Áp dụng mềm dẻo
GS Ngô Đức Thịnh: Có lẽ không chỉ ngày một ngày hai có thể thay đổi được hành vi của cả một cộng đồng
Những quy định trong bộ quy tắc thực thi được thì tốt. Cần áp dụng một cách mềm dẻo, tùy từng điều kiện, trường hợp, môi trường.
Có thể với người này thì được nhưng với người khác thì không được, không nên bắt buộc, áp dụng một cách máy móc.
Những quy định về ứng xử trong xã hội thuộc về văn hóa. Văn hóa thì cần giáo dục để từ từ hình thành, văn hóa mà bắt buộc thì lại thành không thực tiễn, giáo điều.
Ứng xử là một vấn đề nằm ở nhận thức, ý thức và cả kiến thức nữa. Có lẽ không chỉ ngày một ngày hai có thể thay đổi được các hành vi, lời nói của cả một cộng đồng. Đây có thể coi là vấn đề cốt lõi, nếu làm tốt có thể thay đổi được nhiều điều.
Vietnamnet