MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công chức Trung Quốc đón Tết ảm đạm: Bị cắt trợ cấp, ‘đòi’ lại thưởng, nhưng không ai bỏ việc vì một lý do

13-01-2022 - 19:12 PM | Tài chính quốc tế

Công chức Trung Quốc đón Tết ảm đạm: Bị cắt trợ cấp, ‘đòi’ lại thưởng, nhưng không ai bỏ việc vì một lý do

Chính quyền địa phương trên toàn quốc đang cắt giảm một loạt trợ cấp và tiền thưởng của công chức như một phần nỗ lực giảm chi phí.

Chính sách "thắt lưng buộc bụng" khắc nghiệt

Đối với Timothy Tian, cũng như hàng triệu công chức Trung Quốc khác, Tết Nguyên Đán năm nay sẽ là một cái Tết khó khăn vì các công nhân viên chức phải đối mặt với chính sách "thắt lưng buộc bụng" khắc nghiệt nhất trong vòng một thập kỷ.

Ngay cả khi hạn chế về Covid-19 được nới lỏng, công nhân viên chức chính quyền thành phố Chiết Giang không thể đủ tiền đi du lịch sau khi khoản lương hàng tháng của họ bị cắt giảm khoảng 2.000 nhân dân tệ xuống còn 5.000 nhân dân tệ (khoảng 17,8 triệu VNĐ).

Tian nói: "Tổng số tiền lương bị cắt giảm là khoảng 25% và tôi không mong đợi nhận được nhiều tiền thưởng cuối năm trong hoàn cảnh này". Anh đề cập đến những cảnh báo lặp đi lặp lại của các quan chức hàng đầu Trung Quốc rằng cần thắt chặt hơn nữa đối với công chức.

Giống như hầu hết các công chức, mức lương cơ bản hàng tháng của Tian được cộng thêm một số trợ cấp và tiền thưởng. Nhưng khoản tiền này hiện đã bị cắt giảm.

Trong khi việc cắt giảm tạo ra hàng loạt những lời phàn nàn trên mạng xã hội của những công nhân viên chức đang phải vật lộn kiếm sống, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuần trước cho biết việc thắt lưng buộc bụng là cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu.

Thủ tướng lưu ý rằng Trung Quốc đã giảm thuế và phí lên tới 8,9 nghìn tỷ nhân dân tệ kể từ năm 2016. Ông cho biết quá trình này phải tiếp tục để chính phủ có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho các doanh nghiệp và kích thích nền kinh tế.

Theo thống kê mới nhất của chính phủ Trung Quốc, tổng số công chức ở nước này đạt 7,1 triệu người vào cuối năm 2015. Trong khi họ còn tương đối may mắn vì vẫn còn việc làm đảm bảo "miếng cơm manh áo" thì khoảng 50 triệu nhân viên hợp đồng làm việc cho chính phủ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Ngay cả các công chức ở một số khu vực giàu có và phát triển nhất đất nước như Thượng Hải cũng đang cảm thấy khó khăn. Một công chức ở thủ phủ kinh tế Quảng Đông cho biết anh và nhiều đồng nghiệp đã bị cắt giảm lương.

Mức lương cơ bản cho công chức không cao, ngay cả các quan chức cấp bộ cao nhất cũng chỉ nhận chưa đến 9.000 nhân dân tệ (khoảng 32 triệu VNĐ) mỗi tháng. Trong khi đó, các quan chức cấp sở, những người tạo thành "xương sống" của đội ngũ cán bộ hành chính, kiếm được khoảng 5.000 nhân dân tệ mỗi tháng.

Tuy nhiên, mức lương của họ được tăng thêm bởi một số khoản trợ cấp và tiền thưởng cuối năm. Khoản trợ cấp bao gồm trợ cấp nhà ở, đi lại, giáo dục, viễn thông, chăm sóc trẻ em và trợ cấp y tế.

Điều đau đớn nhất của các đợt cắt giảm mới là một số công chức bị yêu cầu "trả lại" khoản tiền thưởng mà họ đã nhận được.

Tian cho biết một số cơ quan chính phủ tỉnh Chiết Giang trợ cấp trước cho nhân viên tiền nhà ở của 11 tháng chỉ để đòi lại trong tháng đầu năm nay. Tháng 6/2021, thành phố Nam Xương ở miền đông tỉnh Giang tây, đã yêu cầu nhân viên cục tài nguyên nước của thành phố trả lại tiền thưởng của họ chỉ trong vòng vài ngày.

Thành phố Đức Hưng lân cận cũng đưa ra yêu cầu tương tự với các giáo viên trong thành phố, khiến khoản lương thực tế hàng năm của họ giảm xuống một nửa. Do mức lương cơ bản hàng tháng của giáo viên chỉ dao động từ 2.000 đến 4.000 nhân dân tệ, nhiều người phàn nàn rằng họ không có cách nào để trả lại tiền thưởng kịp thời.

Động lức chính phía sau

Theo phó giáo sư Alfred Wu của khoa Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, một động lực chính đằng sau chính sách thắt lưng buộc bụng chưa từng có này là tình hình tài chính của chính quyền địa phương ngày càng tồi tệ. Chính quyền địa phương đối mặt với khủng hoảng kép từ đại dịch Covid-19 và sự sụt giảm doanh thu do thị trường nhà ở phát triển chậm.

Giáo sư Wu, người từng công bố một số nghiên cứu về mức lương của công chức Trung Quốc cho biết: "Thu nhập thực tế của công chức Trung Quốc không liên quan nhiều đến năng suất và trách nhiệm của họ, nhưng liên quan nhiều đến tình hình tài chính của cơ quan và khu vực họ làm việc".

Mặc dù chính quyền trung ương cam kết sẽ chi thêm ngân sách cho các chính quyền địa phương để giúp khắc phục tình trạng thâm hụt, chỉ có duy nhất Thượng Hải trong số 31 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đạt thặng dư ngân sách tính dến tháng 11/2021.

Có tới 18 tỉnh, chủ yếu ở miền tây, miền bắc và miền trung Trung Quốc, ghi nhận mức thâm hụt lớn hơn tổng thu nhập của họ. Trong đó, Tây Tạng dẫn đầu bảng thâm hụt với 177,6 tỷ nhân dân tệ, gấp 7 lần doanh thu.

Giáo sư kinh tế Lin Caiyi thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, ước tính các khoản nợ của chính quyền địa phương ở mức 30.000 nhân dân tệ vào thời điểm tháng 10/2021, tức 21.000 nhân dân tệ/người.

Giáo sư Wu cho biết tình hình tài chính của chính quyền địa phương đã xấu đi trong những tháng gần đây vì Covid-19. Ông nói: "Khi các đợt phong toả ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, nhiều tỉnh và thành phố, dưới chính sách nghiêm ngặt của quốc gia về Zero Covid, đã phải đặt mua một lượng lớn bộ xét nghiệm để tiến hành nhiều đợt xét nghiệm toàn diện cho tất cả người dân, cùng với chi tiêu cho vắc xin, đồ bảo hộ".

Một quan chức y tế tỉnh Cam Túc đã xác nhận điều này. Ông cho biết tỉnh đã chi hàng chục triệu nhân dân tệ cho các bộ dụng cụ xét nghiệm và các thiết bị y tế khác để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát đợt tháng 10/2021.

Công chức Trung Quốc đón Tết ảm đạm: Bị cắt trợ cấp, ‘đòi’ lại thưởng, nhưng không ai bỏ việc vì một lý do - Ảnh 1.

Thí sinh xếp hàng chờ thi công chức ở Vũ Hán.

Công việc nhà nước vẫn là niềm mơ của nhiều người

Bất chấp việc cắt giảm lương, giáo sư Wu của Singapore cho biết nhân viên công chức vẫn là lựa chọn nghề nghiệp hàng đầu đối với sinh viên tốt nghiệp. Thị trường việc làm của Trung Quốc đã trải qua những thay đổi lớn trong 2 năm qua trong bối cảnh kinh tế suy thoái và các quy định được siết chặt.

"Ngày càng nhiều lao động trẻ Trung Quốc từ bỏ công việc trong các khu vực tư nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến từng rất được săn đón. Họ thích một công việc ổn định hơn trong khu vực công, nơi còn nhiều đặc quyền bao gồm giáo dục con cái, trợ cấp y tế và quan trọng nhất là địa vị xã hội đi kèm với công việc", giáo sư Wu nói.

Năm ngoái, số lượng thí sinh tham gia kỳ thi công chức lên tới 2,1 triệu người, nhiều hơn 1/3 so với mức 1,6 triệu người đăng ký năm 2020. Tian cho biết: "Với nhiều cắt giảm trong khu vực tư nhân, tôi nghĩ rằng một công việc nhà nước ổn định ở thời điểm hiện tại vẫn tốt hơn. Tôi chưa nghe nói về bất kỳ ai bỏ việc mặc dù có những lời phàn nàn về việc cắt giảm trợ cấp".

Tham khảo SCMP

Khánh Ly

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên