MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cộng đồng doanh nghiệp lên tiếng: Hệ lụy của tăng thuế

Giá nhà đất sẽ tăng, giá điện, nước, xăng dầu, giá thực phẩm cũng “phi mã”khi các loại thuế tăng lên.

Tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường... sẽ khiến giá cả đắt đỏ, người tiêu dùng Việt Nam sẽ thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp (DN) khó khăn và nhiều hệ lụy xảy ra đối với nền kinh tế, đời sống xã hội. Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận các ý kiến của cộng đồng DN về đề xuất tăng các loại thuế của Bộ Tài chính vừa đưa ra mới đây.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM:

Giá nhà sẽ tăng, người Việt chật vật an cư

Đầu vào của BĐS từ nguyên vật liệu, nhân công... đều tính thuế VAT hết, giá nhà đất, căn hộ tăng lên là điều đương nhiên. Dù BĐS là mặt hàng đặc thù đáp ứng nhu cầu ở của người dân, thuế tăng, giá nhà tăng, người dân vẫn phải mua nhưng phải bỏ thêm số tiền lớn hơn.

Tăng thuế nhưng tăng lương không tương xứng thì số tiền tiết kiệm của người dân giảm mạnh. Ví dụ hiện giờ một người có thể tiết kiệm được 5 triệu đồng/tháng nhưng nếu tăng thuế VAT, các loại thuế, phí khác thì chi tiêu họ nhiều hơn, mỗi tháng họ chỉ còn để dành được 4-4,5 triệu đồng/tháng. Khi đó, mua căn nhà với giá cao hơn khi thuế tăng thì người tiêu dùng sẽ chật vật hơn.

Hiệp hội kiến nghị giữ nguyên thuế suất thuế VAT là 10% từ nay đến năm 2021 thì phù hợp hơn. Trong các nước ASEAN thì Indonesia, Lào, Campuchia cũng áp dụng thuế suất VAT 10%, Singapore 7%, Thái Lan 5%. Đối với thị trường BĐS, đặc biệt là nhà ở sử dụng hàng ngàn sản phẩm của hơn 90 ngành sản xuất, thi công xây dựng, kinh doanh, dịch vụ. Đề xuất tăng VAT lên 12% kể từ năm 2019 theo phương án chọn của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công... tăng lên, giá bán nhà tăng lên.

Hiệp hội cũng đã có kiến nghị về đề xuất sửa đổi, bỏ quy định về chuyển quyền sử dụng đất không chịu thuế VAT để chuyển sang chịu thuế VAT với mức thuế suất thông thường 10% và sửa đổi, bỏ quy định giá tính thuế VAT đối với hoạt động kinh doanh BĐS được trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước, theo Luật VAT.


Thị trường nội địa có nguy cơ mất, thay vào đó là hàng ngoại nhập giá rẻ. Ảnh: HTD

Thị trường nội địa có nguy cơ mất, thay vào đó là hàng ngoại nhập giá rẻ. Ảnh: HTD

Ông PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM:

Nguy cơ mất thị trường nội địa vào tay hàng ngoại nhập giá rẻ

Cầu giảm buộc cung giảm, DN gặp nhiều khó khăn hơn. DN phải đội cả đống chi phí tăng giá vì tăng thuế trong khi chủ trương của Chính phủ trong năm nay là tiết giảm chi phí cho DN.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh nhiều mặt hàng rất vô lý, như đề xuất thuế này áp 10%-20% đối với trà, cà phê chế biến. Người thu nhập thấp, người nghèo, sinh viên, học sinh bị ảnh hưởng vì họ chính là người tiêu dùng đối với những sản phẩm bình dân này.

Từ năm 2018, hàng hóa nước ngoài giá rẻ sẽ tràn vào ngày càng nhiều theo lộ trình giảm thuế của các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, lo ngại DN Việt Nam sẽ mất thị trường nội địa vào tay hàng ngoại nhập giá rẻ, chi phí sản xuất ở các nước cạnh tranh hơn.

Bộ Tài chính dường như đang lúng túng trong việc tìm nguồn thu. So với các nước mức thuế VAT nhưng Bộ cần coi lại tỉ trọng thu thuế VAT trong tổng thu ngân sách Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước, đó là chưa nói đến phúc lợi xã hội sao có thể so sánh với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, theo tôi không nên tăng thuế vào thời điểm này.

Ông TRẦN VIỆT ANH, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nam Thái Sơn:

Lo hàng giá rẻ, kém chất lượng lên ngôi

Tác động đầu tiên của tăng thuế VAT là đầu vào, đầu ra của DN theo chiều hướng đều tăng, dẫn đến giá hàng hóa tăng, sức mua người tiêu dùng giảm xuống sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của DN. Thứ hai, khi giá hàng hóa tăng lên, người tiêu dùng sẽ đi tìm kiếm những nguồn sản phẩm giá thấp để họ duy trì mức sống, chi phí sinh hoạt khi thu nhập của họ không gánh chịu nổi.

Khi nhu cầu người tiêu dùng tìm tới hàng hóa giá rẻ thì hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái sẽ “lên ngôi”. Dẫn tới nhiều mặt hàng người bán sẽ không xuất hóa đơn VAT để có giá rẻ, khi đó thất thu ngân sách rất lớn. Nhà nước tính sai, tăng thu nhưng dẫn đến hệ lụy thất thu. Điều đáng nói, nó dẫn tới sân chơi không bình đẳng, ảnh hưởng lớn DN khi có những DN bán hàng được vì không xuất hóa đơn VAT, hoặc những DN mua nguyên liệu chất lượng kém, giá thấp về để sản xuất hàng giá rẻ, kém chất lượng sẽ nhiều hơn. DN làm ăn chân chính chịu thiệt, giảm doanh thu, buộc giảm việc làm, nhiều người lao động sẽ mất việc.

NGUYỄN TRẦN THẢO NGUYÊN, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thiên Nam Hòa:

Lương tăng không kịp thuế, nguy cơ doanh nghiệp mất nhân lực

Về mặt tích cực, chúng ta đang thay đổi lại và chỉnh sửa lại những sắc thuế phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước và gia tăng cán cân nguồn thu từ dân cũng như giảm thâm hụt ngân sách. Điều này hoàn toàn đã được thấy ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Tại Việt Nam, khi có một loạt thay đổi về chính sách thuế sẽ khiến người tiêu dùng, DN khó khăn trong việc thích nghi trong thời gian nhất định.

Tuy nhiên, chính sách VAT cần áp dụng cho tùy từng nhóm sản phẩm và phù hợp với tốc độ phát triển, cũng như lạm phát và chính sách lương hiện hữu của DN đối với người lao động. Nếu DN không tăng mức lương theo tỉ lệ tương đương với VAT hiện nay thì đời sống của người lao động không đảm bảo và việc cạnh tranh nhân sự sẽ khốc liệt với DN vừa và nhỏ không có tài chính tốt và chính sách đãi ngộ hấp dẫn. Việc DN nhỏ sẽ không có nguồn nhân lực làm việc sẽ gây ra việc tập trung rất nhiều ưu thế vào tay các DN lớn.

Khả năng chi tiêu trong người dân sẽ cắt giảm mạnh và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế về mặt diện rộng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam so sánh các nước trong khu vực sẽ có sự chênh lệch rõ ràng.

Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt về cơ bản hạn chế các ảnh hưởng về mặt xã hội gây ra cho người tiêu dùng, môi trường, xã hội thì nghiên cứu nhóm sản phẩm tăng phù hợp như tại Singapore, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt của bia rượu, xe hơi, thuốc lá để đảm bảo môi trường xanh, sạch, hạn chế các ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Tuy nhiên, các điều kiện kèm theo để hỗ trợ việc gia tăng này được tiến hành song song, tức trợ giá phương tiện công cộng, các tuyến và xe giao thông công cộng được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, khi tăng thuế suất đặc biệt đối với một số mặt hàng là hợp lý với quy mô đường sá hiện tại và mật độ giao thông.

Theo Quang Huy

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên