MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công lớn của Mỹ: Phát hiện "vựa nước" khổng lồ trên Mặt trăng?

23-11-2023 - 16:00 PM | Tài chính quốc tế

Phát hiện này củng cố niềm tin của nhân loại trong hành trình định cư trên Mặt trăng.

Theo thông tin đăng tải ngày 23/11 của Space.com, một phân tích mới của các nhà khoa học Mỹ về đá Mặt trăng được mang về Trái đất trong các sứ mệnh Apollo (hồi thế kỷ 20) lần đầu tiên tiết lộ sự hiện diện của hydro. 

Phát hiện này có thể giúp các phi hành gia trong tương lai khai thác nước có sẵn ngay trên bề mặt Mặt trăng để sử dụng làm nhiên liệu đẩy tên lửa và hỗ trợ sự sống.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân Mỹ (NRL), nơi từng được NASA cung cấp một phần mẫu Mặt trăng để nghiên cứu, công bố rằng họ đã phát hiện ra hydro trong mẫu đá Mặt trăng 79221. 

Tương lai định cư trên Mặt trăng: Không hề bất khả thi

Hydro được phát hiện trong đá Mặt trăng này được cho là đã hình thành và tồn tại nhờ gió Mặt trời và thậm chí cả sao chổi từng "tấn công" Mặt trăng trong quá khứ tỷ năm của nó.

Công lớn của Mỹ: Phát hiện "vựa nước" khổng lồ trên Mặt trăng? - Ảnh 1.

Theo Space Settlement Institute, diện tích bề mặt Mặt trăng là 37.962.530 km vuông. Tính trung bình, nếu đá trên toàn bộ Mặt trăng đều chứa hydro (chưa tính băng nước), thì chúng là "vựa" nước của con người trên chính Mặt trăng. Tất nhiên, để biến thành nước thì chúng ta vẫn cần phải đốt hydro với oxy, để tạo ra sản phẩm là nước.

Tác giả chính của nghiên cứu Katherine Burgess, nhà địa chất tại NRL, cho biết: "Hydro có tiềm năng trở thành nguồn tài nguyên có thể được sử dụng trực tiếp trên bề mặt Mặt trăng một khi con người xây dựng được các cơ sở lắp đặt thường xuyên hoặc lâu dài hơn ở đó. Việc xác định vị trí các nguồn tài nguyên và hiểu cách thu thập chúng trước khi lên Mặt trăng sẽ vô cùng có giá trị cho việc khám phá không gian của nhân loại".

Theo ước tính của NASA, sẽ tốn hàng nghìn đô la Mỹ để phóng... một chai nước lên Mặt trăng. Vì vậy, để cắt giảm chi phí, băng nước trên Mặt trăng có thể được sử dụng tại chỗ làm nguồn nước cho các phi hành gia.

Và trên thực tế, con người có thể chia nhỏ thành các thành phần của nó (thành hydro và oxy) nhằm làm nhiên liệu tên lửa cho các hành trình giữa Mặt trăng - Trái đất. Có lẽ một ngày nào đó nó cũng có thể được sử dụng để đưa con người lên sao Hỏa.

Công lớn của Mỹ: Phát hiện "vựa nước" khổng lồ trên Mặt trăng? - Ảnh 2.

Vào năm 2020, dữ liệu từ SOFIA (Đài quan sát thiên văn hồng ngoại tầng bình lưu) của NASA, hiện đã ngừng hoạt động, cho thấy nước trên Mặt trăng có thể xuất hiện dưới dạng băng trên bề mặt của vệ tinh tự nhiên này, thay vì ở các vũng hiếm hoi ở các vùng bị che khuất vĩnh viễn gần cực Bắc và Nam của Mặt trăng.

Điều thú vị là các phi hành gia Apollo đã thu thập đá Mặt trăng không phải từ gần cực Nam của Mặt trăng - nơi nhiều quốc gia hy vọng sẽ thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người ở đó -  mà là từ khu vực đường xích đạo của Mặt trăng. 

Do đó, những phát hiện mới của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân Mỹ "có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định và tồn tại của hydro phân tử ở các khu vực ngoài các cực Mặt trăng".

Công lớn của Mỹ: Phát hiện "vựa nước" khổng lồ trên Mặt trăng? - Ảnh 3.

Tổng thể các mẫu Mặt trăng được thu thập trong Chương trình Apollo của NASA có thể được phân thành ba loại đá chính là đá bazan, đá breccia và đá cao nguyên Mặt trăng. Apollo 11 chủ yếu thu thập đá bazan và đá breccia. 

Sứ mệnh Mặt trăng Chandrayaan-3 của Ấn Độ, nơi đặt bộ đôi tàu đổ bộ robot hiện không hoạt động gần cực Nam Mặt trăng, đã tiết lộ một yếu tố hấp dẫn khác trên bề mặt: Lưu huỳnh, với số lượng dồi dào.

Yếu tố này một ngày nào đó có thể giúp các phi hành gia phát triển pin lưu trữ và cơ sở hạ tầng khác trên Mặt trăng.

Với việc các nhà khoa học liên tục phát hiện được những thành phần vô cùng quan trọng trên Mặt trăng, tương lai định cư trên Mặt trăng của nhân loại có lẽ không còn bất khả thi và xa vời.

Nghiên cứu này được mô tả trong một bài báo trên tạp chí Communications Earth & Environment.

Nguồn: Space.com, LPI.usra.edu

Theo Trang Ly

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên