Công nghệ có thể giúp doanh nghiệp hồi phục sau dịch Covid-19 như thế nào?
Theo Kết quả điều tra và đánh giá khả năng xử lí khủng hoảng của 150 quốc gia và vùng lãnh thổ do Quỹ đầu tư mạo hiểm Deep Knowledge Ventures thực hiện, Việt Nam lọt Top 10 các quốc gia Châu Á an toàn nhất trong đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, khi xã hội bước vào giai đoạn "bình thường mới", thì bài toàn khó hơn đặt ra là làm sao phục hồi và phát triển nền kinh tế thời hậu Covid, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề trong suốt giai đoạn dịch bệnh và giãn cách xã hội. Không có vốn trường, chưa kịp chuyển đổi sản phẩm và hình thức sản xuất khi nguyên liệu đầu vào phụ thuộc nước ngoài, mô hình hoạt động thuần túy dựa vào các giao dịch offline… là những vấn đề đau đầu nhất của các doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, một điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh u ám chung của đại dịch là khối ngành kinh doanh trực tuyến. Chẳng hạn như ngành bán lẻ (chiếm 11,16% tỉ trọng GDP cả nước) tuy nhu cầu giảm nhưng doanh số bán hàng qua kênh online lại tăng đột biến. Các ngành phụ trợ như vận chuyển hàng hóa, giao hàng… cũng "sốt" cầu do người tiêu dùng hạn chế tối đa mua sắm trực tiếp. Bên cạnh đó, các giao dịch chuyển khoản trực tuyến và giao dịch qua ví điện tử cũng tăng mạnh khi người dân hạn chế sử dụng tiền mặt. Ngay cả việc quyên góp ủng hộ tới Quỹ phòng chống dịch Covid thời gian qua cũng được thực hiện phần nhiều thông qua các hình thức chuyển khoản, nhắn tin SMS hoặc qua ví điện tử.
Rõ ràng, "online hóa", hay chuyển đổi số chính là lời giải cho các doanh nghiệp để giảm thiểu tác động của đại dịch đến hoạt động và tình hình kinh doanh. Thế nhưng cần bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, chuyển đổi thế nào để tối ưu chi phí và đạt hiệu quả cao thì không nhiều doanh nghiệp có được câu trả lời.
Nắm bắt được nhu cầu rất thời sự đó, mới đây cộng đồng các nhà phát triển Google – Google Developer Group (GDG) đã tổ chức cuộc thi Vietnam Online Hackathon 2020 với chủ đề: Xây dựng ứng dụng và website phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của Doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19. Mục tiêu của cuộc thi là tìm ra những giải pháp tháo gỡ vướng mắc của chuyển đổi số, thông qua một sân chơi lập trinhg dành cho giới sinh viên CNTT.
Điểm đặc biệt khiến cho cuộc thi mang tính thực tế và khả thi, thiết thực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đó là GDG đã mời được những doanh nghiệp công nghệ và Internet hàng đầu tại Việt Nam đồng hành với cuộc thi. Đơn cử như VNG CLOUD, trực thuộc Tập đoàn VNG – một trong những startup công nghệ Internet thành công nhất từ trước tới nay và cũng là kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam, sẽ hỗ trợ các đội thi cả về nguồn lực tài chính lẫn kiến thức chuyên môn và giải pháp đám mây để chuyển đổi số thành công.
Chia sẻ tại cuộc thảo luận trực tuyến đầu tiên trong khuôn khổ Vietnam Hackathon 2020, ông Khương Trường Giang, Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp của VNG CLOUD, nhấn mạnh rằng "liều thuốc" cho doanh nghiệp sau đại dịch sẽ dựa trên ba trụ cột chính: tiết giảm chi phí, tăng doanh thu và tối ưu hóa vận hành. Cụ thể, theo ông, chuyển đổi số của doanh nghiệp bao gồm: phát triển khách hàng mới, trao quyền cho nhân viên nhiều hơn, tái cấu trúc doanh nghiệp và chuyển đổi sản phẩm/dịch vụ. Ứng với một số ngành nhất định, doanh nghiệp sẽ có lời giải đáp hữu ích cho riêng mình. Ví dụ, đối với ngành bán lẻ, phải tìm được các "digital Hotspots" (Điểm nóng) để áp dụng công nghệ như cung cấp thông tin trực quan về sản phẩm, tư vấn bán hàng, đặt hàng, hỗ trợ thanh toán, nhận phản hồi của khách hàng đều qua nền tảng MXH, mobile app, website, đẩy mạnh mô hình bán hàng đa kênh, tự động hóa Advanced robotics cho kho hàng và vận chuyển. Doanh nghiệp cũng có thể phân tích rủi ro thị trường thông qua Big Data Analysis và Machine Learning. Từ bước trước khi mua hàng cho đến khi đặt hàng xong, trải nghiệm của khách hàng hoàn toàn mới, nhanh chóng và tiện lợi, và ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn có thể kiểm soát tốt rủi ro.
Theo phân tích của các chuyên gia công nghệ, điện toán đám mây được coi là giải pháp phù hợp nhất với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam để chuyển đổi số, vì nó đồng thời giải quyết được các bài toán về vốn đầu tư, năng lực công nghệ, hạ tầng, nhân sự kỹ thuật và giải pháp kinh doanh mới.
Nếu chuyển đổi số và áp dụng mô hình online thành công, thì doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam không chỉ có thể phục hồi sau đại dịch, mà thậm chí còn có thể tăng trưởng kinh doanh và thu hẹp khoảng cách với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.