Công nghệ thực tế ảo trong ngành thời trang: Ai sở hữu, người đó dẫn đầu thị trường
Coco Chanel, Christian Dior và Yves Saint Laurent thuyết phục cả châu Âu và những người Mỹ mới giàu mua trang phục của mình bằng những thiết kế độc đáo, những nét vẽ thể hiện các thiết kế đẹp đẽ trên bảng đen với phấn trắng.
Tuy nhiên, các đế chế thời trang mới không thể lặp lại điều đó, điều họ cần là những trải nghiệm độc đáo có được nhờ những nền tảng công nghệ thực tế ảo của thế kỷ 21 – nơi người dùng sẽ được đặt trong những không gian dễ hình dung và tưởng tượng hơn nhiều so với bảng đen, phấn trắng.
Hãy tưởng tượng, bạn bước vào một cửa hàng, hệ thống đèn báo dẫn thẳng bạn tới một căn phòng khá riêng tư. Tại đó, xuất hiện trong gương là hình ảnh giả lập của bạn với vô số các thiết kế gợi ý dựa theo lịch sử mua bán của bạn. Bạn giao lưu với hệ thống tư vấn bằng những câu thoại giống như đang nói chuyện với SIRI. Bạn quyết định mua hàng và bước thẳng ra khỏi cửa hàng mà chẳng cần phải chờ đợi xếp hàng.
Một tin nhắn được gửi thẳng vào điện thoại thông báo số tiền bạn vừa bị khấu trừ trong tài khoản cho những món đồ vừa mua. Nghe có vẻ giống như trong một bộ Sci-fi nhưng những điều này đang dần trở thành hiện thực, hoặc chí ít đang phần nào đó trở thành sự thực.
Không dừng lại ở đó, một số nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang đang ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào công việc may đo và cho thấy những thành tựu ưu việt. Acustom Apparel là một trong những ví dụ.
Công ty này sử dụng một hệ thống quét công nghệ số để thu thập dữ liệu của khoảng 200.000 điểm trên cơ thể của khách hàng. Sau đó, ứng dụng sẽ giả lập cơ thể của khách hàng để tạo ra một hình mẫu cơ thể giả lập 3D, để từ đó có thể cho ra đời các thiết kế.
Đi xa hơn nữa, công ty mang tới khách hàng cơ hội tự đưa mình vào quá trình thiết kế với việc cho khách hàng lựa chọn màu sắc, phong cách, số lượng túi trên thiết kế. Các thông tin này sẽ được lưu trữ để phục vụ khách hàng.
Thực tế ảo: Cơ hội branding tuyệt vời
360° Film: Kate Moss & Scent Of A Dream | Charlotte Tilbury
Hoàn toàn có thể nói điều này, khi cả ngành công nghiệp thời trang hồ hởi đón nhận công nghệ thực tế ảo . Kate Moss xuất hiện trong một video thực tế ảo, ra mắt nước hoa của Charlotte Tilbury. Theo đại diện của hãng, với video này, người dùng/khách hàng có thể lựa chọn khiêu vũ trên chòm sao Đai Lưng Lạp Hộ hoặc là hẹn hò với Kate Moss.
Trong khi đó, một danh sách dài các thương hiệu đang nhìn thấy tiềm năng mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tương tác thú vị với công nghệ này. Các hãng Tommy Hilfiger, Rebecca Minkoff và Balenciaga mời các khách hàng của mình trải nghiệm cảm giác của khách mời "front row" với những chiếc kính mang tới trải nghiệm thực tế ảo.
Tuy nhiên, các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới hiện nay vẫn chưa triển khai công nghệ thực tế ảo vào bán hàng. Thay vào đó, công nghệ thực tế ảo với các thương hiệu thời trang hiện nay vẫn đang giữ vai trò như một công cụ quảng bá thay vì được sử dụng để mang tới cho khách hàng những sản phẩm có độ chuyên biệt hóa cao.
Một ví dụ điển hình cho trường hợp này là trường hợp của 7 For All Mankind. Hãng mới đây đã thực hiện một chiến dịch nói về lịch sử thương hiệu tuyệt vời với công nghệ thực tế ảo, giúp cải thiện đáng kể độ trung thành thương hiệu của khách hàng (brand loyalty).
Cơ hội lớn của thương mại điện tử thời trang
Cách đây khoảng trên dưới 10 năm, tạp chí Forbes khi thực hiện một bài viết về trang thương mại điện tử thời trang Net A Porter đã bắt đầu với câu chuyện một biên tập viên lựa chọn mua đồ qua trang này. Điều đáng nói là mặc dù hiện nay là một trong những trang bán hàng thời trang hàng đầu thế giới (bên cạnh Farfetch) nhưng cả hai đều chưa đưa công nghệ thực tế ảo vào ứng dụng.
Việc lựa chọn đồ vẫn dựa trên các size mặc định mà Net A Porter đưa ra thay vì một cơ thể được giả lập theo số đo của khách hàng. Người dùng sẽ không thể thấy được chính xác việc một thiết kế khi lên cơ thể của mình – hoặc giống mình – sẽ trông thế nào. Và đây là một trong những điều có ảnh hưởng thực sự tới quá trình cũng như có thể mang tới khách hàng những trải nghiệm mua sắm không tốt.
Có lẽ hiện nay, Net A Porter, Farfetch vẫn là những cái tên dẫn đầu thế giới về thương mại điện tử thời trang. Nhưng trong tương lai nếu quá trình mua sắm ở phần đầu bài viết được chúng tôi nhắc tới được số hóa qua một ứng dụng, cho phép khách hàng có thể lựa chọn mua sắm đồ ở bất kỳ đâu, có lẽ Net A Porter, Farfetch sẽ không còn là những ông lớn thực sự nữa.
Hay để đơn giản hơn, bạn hãy tưởng tượng viễn cảnh sau, bạn vội vã đi thẳng từ văn phòng ra sân bay để bay ra Hà Nội tham dự một cuộc họp quan trọng sau 3-4 tiếng nữa. Bạn chỉ kịp mở điện thoại, log in vào tài khoản của mình, thông báo nhu cầu. Số đo của bạn trong lịch sử và nhu cầu sau đó được diễn giải thành rất nhiều các lựa chọn, được hiển thị với công nghệ thực tế ảo.
Bạn đưa ra quyết định chọn mua và địa điểm nhận hàng ở Hà Nội. Bạn xuống sân bay, nhận đồ và bước vào phòng họp với phong thái không thể chuyên nghiệp hơn nhờ có các tư vấn từ các stylist của ứng dụng.
Có lẽ, việc ăn mặc đang trở nên đơn giản hơn và cũng thú vị hơn nhờ công nghệ này! Vấn đề chỉ là bao giờ điều này mới được ứng dụng vào hiện thực?
Trí Thức trẻ