MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công nghiệp điện tử: Thua trắng trên sân nhà

Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, lĩnh vực điện tử sẽ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Thế nhưng trước thực tế các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang ngày càng áp đảo như hiện nay, liệu ngành công nghiệp điện tử nội địa có khả năng tồn tại?

Xuất khẩu lớn nhờ FDI

Trước năm 1996 ngành điện tử Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu, nhưng vài năm trở lại đây nhóm ngành này luôn nằm trong tốp những ngành xuất khẩu chủ lực và thường đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, năm 2013 ngành điện tử đã vượt qua may mặc trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 32,2 tỷ USD, tăng 57% so với năm 2012. Qua năm 2014, kim ngạch xuất khẩu điện tử cán mốc 35 tỷ USD. Năm 2015 chỉ tính riêng nhóm ngành điện thoại và linh kiện, kim ngạch xuất khẩu đã đưa về hơn 30 tỷ USD. Còn các mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 15,6 tỷ USD. Trong 8 tháng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành này tiếp tục tăng.

Để DN Việt không đứng ngoài rìa cuộc chơi, DN trong và ngoài nước cần bắt tay nhau thông qua việc DN FDI chuyển giao công nghệ cho DN Việt Nam. Bên cạnh đó cần tăng cường hợp tác trong đào tạo nhân lực và có đội ngũ nghiên cứu để phát triển ngành điện tử. Đây là việc rất khó khăn, bởi sự chênh lệch trình độ giữa DN nội và DN FDI đang có khoảng cách rất lớn. Khó nhưng vẫn phải quyết tâm làm nếu muốn tồn tại.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

Tuy nhiên, điều đáng nói, chiếm đến 95% kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành điện tử là khu vực DN FDI. Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên hiệp quốc, trong số 100 DN điện tử lớn của Việt Nam có tới 99 là DN FDI. DN Việt Nam duy nhất lọt top này là 1 DNNN và đứng vị trí thứ 100. Về quy mô cũng chênh lệch rất lớn: DN trong nước trung bình 24 nhân công so với con số gần 630 nhân công ở các DN FDI, chiếm khoảng 4% tổng số việc làm trong ngành này. Theo lãnh đạo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù ngành điện tử là một biểu tượng cho sự hội nhập, các DN nội địa Việt Nam lại gần như đứng ngoài chuỗi cung ứng. Các DN nội có lẽ chỉ cung cấp được thùng carton, bao bì, đóng gói.

Nhắc đến nhà đầu tư nước ngoài trong nhóm ngành điện tử, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang trở thành một trong những tâm điểm của sự chú ý với sự xuất hiện và đổ vốn mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam của 2 tên tuổi lớn là Samsung và LG. Nửa cuối tháng 9 vừa qua, Công ty LG Innotek Co., Ltd. đã nhận giấy chứng nhận đầu tư với vốn đầu tư 550 triệu USD vào thành phố Hải Phòng. Đây là dự án lớn thứ 3 Tập đoàn LG đầu tư vào Hải Phòng.

Dự án đầu tiên là khu tổ hợp sản xuất các thiết bị điện tử gia dụng, với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, được khánh thành vào tháng 3-2015 trên diện tích 80ha thuộc khu công nghiệp Tràng Duệ. Dự án thứ 2 là vào giữa tháng 4 vừa qua, Công ty LG Display đã khởi công xây dựng tổ hợp nhà máy chuyên sản xuất màn hình OLED công nghệ cao có vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Đồng hương của LG là Samsung đã có những khoản đầu tư khủng vào thị trường Việt Nam. Tính đến cuối năm 2015, tổng vốn đầu tư từ Samsung vào Việt Nam lên tới 14,8 tỷ USD. Ngoài những ông lớn Hàn Quốc này, còn phải kể đến hàng loạt tên khác như Canon, Sanyo, Panasonic, Intel…

Đánh giá về xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam của các ông lớn công nghệ, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết sản xuất điện tử với chi phí cận biên thấp thường tập trung ở những quốc gia có lợi thế về chi phí lao động thấp. Đây cũng là một trong những lý do khiến Việt Nam đang trở thành “công xưởng thế giới”, theo nhận định của Bloomberg.

DN nội yếu thế

Trước đây Việt Nam cũng có những thương hiệu điện tử từng gây được tiếng vang trên thị trường, với 2 đại gia Viettronic, Hanel, đại diện tiêu biểu của 2 miền đất nước là Hà Nội và TPHCM. 2 DN này từng là con cưng và là niềm hy vọng của ngành điện tử trong nước. Đặc biệt, Hanel và Viettronics Tân Bình đều liên doanh với đối tác nước ngoài để sản xuất tivi. Hanel liên doanh với Orion của Hàn Quốc, Viettronics Tân Bình liên doanh với Sony và JVC của Nhật. Tuy nhiên, trước sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, cả 2 DN này đều thất bại.

Không thể trực tiếp sản xuất, DN Việt Nam cũng không đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu điện tử lớn đang có nhà máy tại Việt Nam. Theo Samsung Việt Nam, trong số 190 DN vệ tinh đang cung cấp linh kiện, phụ kiện cho Samsung, tỷ lệ DN Việt Nam dưới 10%, chủ yếu cung ứng in ấn và bao bì, phần hưởng giá trị gia tăng thấp nhất, không tiếp thu được công nghệ cao, không có sức lan tỏa tới nền kinh tế.

PGS. Nguyễn Thanh Thu, Đại học Kinh tế TPHCM

Orion Hanel nộp đơn xin phá sản vào năm 2008. Đây cũng là thời điểm ngành bán lẻ ngoại bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam và sản phẩm tivi nhập khẩu cũng ồ ạt vào theo. Những cái bắt tay chóng vánh làm tan giấc mơ chuyển giao công nghệ. Bởi thời điểm đó mục đích của phía Việt Nam là được chuyển giao công nghệ, nhưng người Nhật lại không quan tâm, họ chủ yếu mở nhà máy lắp ráp để tránh chính sách thuế nhập khẩu.

Hanel tồn tại đến nay nhờ nỗ lực thành lập Nhà máy Hanel xốp nhựa, chuyên sản xuất các sản phẩm linh phụ kiện ngành điện tử và giúp Hanel nội địa hóa, giảm giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, Hanel chấp nhận trở thành nhà sản xuất máy tính thiết bị gốc cho Intel Việt Nam. Hiện tại, Hanel đang nổi lên là một DN đầu tư đa ngành với nhiều lĩnh vực như bất động sản, viễn thông, giáo dục…

Trong khi đó, Viettronic Tân Bình sau chia tay 2 liên doanh đã quay trở lại sản xuất, lắp ráp đầu karaoke và một số sản phẩm điện tử khác, trong đó đầu karaoke mang thương hiệu TVB được một bộ phận người tiêu dùng khá ưa chuộng. Tuy không mất hoàn toàn thương hiệu nhưng theo thời gian, vị trí “con cưng” một thời trong ngành điện tử đã thay đổi mạnh mẽ. Ngay tại thị trường nội địa, ngành điện tử cũng đang chứng kiến độ phủ sóng mạnh mẽ của các thương hiệu ngoại, nhiều thương hiệu nội đang phải dạt về vùng nông thôn nhằm chiếm giữ “căn cứ địa cuối cùng”.

Không thể cạnh tranh, cũng không thể hợp tác như trước đây, vậy DN điện tử Việt Nam có thể làm gì. Liệu có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Canon… hay không. Về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), cho biết hầu hết DN trong công nghiệp phụ trợ ngành điện tử là DN FDI trong chuỗi cung ứng sẵn có của các nhà sản xuất thiết bị cuối cùng. Rất ít DN Việt Nam cung cấp được linh kiện và dịch vụ cho DN FDI tại Việt Nam. “Công nghiệp điện tử Việt Nam hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà sản xuất gốc. Chính vì vậy, giá trị gia tăng nội địa của công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn thấp khi so sánh với các nước khác trên thế giới” - bà Hương nhận định.

Dây chuyền sản xuất của Samsung Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất của Samsung Việt Nam.

Thúc đẩy CNHT

Theo Canon Việt Nam, số lượng nhà cung ứng 100% Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên tổng số 120 nhà cung ứng của Canon. Họ chỉ cung cấp những sản phẩm rất đơn giản. Riêng Samsung, năm 2016 số lượng DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng linh kiện cho tập đoàn Hàn Quốc này đã tăng gấp 3 so với năm 2015, lên 190 nhà cung ứng. Trong đó có 12 nhà cung ứng cấp 1 (chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí, ép khuôn, bao bì), còn lại 178 nhà cung ứng cấp 2 (chiếm phần lớn là in, bao bì). Cụ thể, số DN Việt trong chuỗi cung ứng của Samsung tại miền Bắc 6 DN cấp 1, 155 DN cấp 2; tại TPHCM 6 DN cấp 1 và 23 DN cấp 2. Trong đó, một số nhà cung cấp bao bì, đóng gói cấp 1 có mức tăng trưởng tốt (59%) chỉ sau 1 năm hợp tác với Samsung. Tuy vậy, việc làm nhà cung ứng cho Samsung không hề đơn giản.

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP, kèm theo danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, gồm 6 nhóm sản phẩm trong các ngành: Dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi này phủ rộng từ khâu nghiên cứu, phát triển cho tới khâu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất sản phẩm.

Nhằm hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 21/2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2016), hướng dẫn về ưu đãi thuế thu nhập DN đối với các dự án sản xuất sản phẩm CNHT. Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư 01/2016/TT-NHNN hướng dẫn cho vay phát triển CNHT. Đối tượng được vay vốn là các tổ chức, cá nhân đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp được ưu tiên hỗ trợ phát triển theo quy định.

TPHCM cũng có những chính sách thúc đẩy DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Theo Sở Công Thương TP, từ tháng 10-2015 khi Quyết định 50/2015 về chương trình kích cầu đầu tư được ban hành, đến nay đã có 26 dự án của DN tiếp cận với chương trình thông qua đầu mối là Trung tâm Phát triển CNHT thuộc sở này. Sở Công Thương đã lựa chọn được 7 dự án trình UBND TP và đã có 3 dự án được ký duyệt theo chương trình kích cầu.

Theo Quyết định 50, nhiều sản phẩm CNHT thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí; điện tử, công nghệ thông tin; chế biến tinh, lương thực thực phẩm; hóa dược, cao su) và 2 ngành truyền thống là dệt may và giày da đều được hưởng ưu đãi 100% lãi vay đầu tư. Đối tượng chủ yếu đầu tư sản xuất các sản phẩm nằm trong danh mục ưu đãi phần lớn là DNNVV.

Nâng cao năng lựcchen chân vào chuỗi giá trị

Quang Minh (thực hiện)

Mặt hàng điện thoại và linh kiện điện tử xuất khẩu của Samsung hiện chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Sự đóng góp của 2 tổ hợp sản xuất thiết bị di động của Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh được nhìn nhận sẽ ra sao khi hãng này vừa thu hồi, ngừng sản xuất với dòng sản phẩm Samsung Galaxy Note 7 lắp ráp ở Việt Nam. ĐTTC đã trao đổi với ông NGUYỄN MẠI (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội DN FDI, xung quanh vấn đề này và tác động với ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam.

PHÓNG VIÊN: - Ông nhìn nhận ra sao về sự cố sản phẩm của Samsung đối với Việt Nam?

Ông NGUYỄN MẠI: - Samsung là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn của Việt Nam với rất nhiều mặt hàng, sản phẩm và linh kiện điện tử, điện thoại thông minh. Việc hãng này phải thu hồi 2,5 triệu chiếc điện thoại Galaxy Note 7 có thể khiến Samsung thiệt hại khoảng 1,75 tỷ USD. Trong khi đó, Samsung dự kiến đạt tổng doanh thu tại 2 nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên 34,7 tỷ USD trong năm 2016. Như vậy, có thể thấy, ảnh hưởng của việc thu hồi Galaxy Note 7 đối với DN là có nhưng không nhiều, chỉ khoảng 0,5-1%. Tỷ lệ này cũng có thể coi là thấp để nói về mức độ ảnh hưởng lớn với người lao động, DN cung ứng nguyên liệu... của Việt Nam với Samsung.

- Vậy, tác động với các DN cung ứng linh kiện cho Samsung là gì, nhất là với DN Việt Nam?

- 2 nhà máy Samsung ở khu vực phía Bắc có 87 DN cung cấp nguyên liệu cho họ, trong đó, chỉ có 10 DN của Việt Nam, còn lại là DN FDI. Thực tế DN FDI đã gắn kết với Samsung từ mấy chục năm, cho nên với những sự cố như thế này không bị nhiều ảnh hưởng. Còn những DN Việt Nam cung ứng nguyên liệu cho Samsung cũng không có ảnh hưởng vì họ chỉ là những nhà cung ứng nguyên liệu rất nhỏ, như nhựa, bao bì... Với sự cố này, có thể Samsung chỉ bớt lãi và chịu tác động khi giá cổ phiếu bị giảm. Trong khi đó nhà máy Samsung ở TPHCM chủ yếu làm máy lạnh, máy điều hòa... Sản phẩm không phải là công nghệ cao như điện thoại nên không ảnh hưởng đến các nhà cung cấp linh kiện cho họ.

- Vậy, dường như khi Samsung vào, DN Việt Nam đã không có nhiều phát triển để chen chân vào chuỗi giá trị của họ, thưa ông?

- Tất nhiên, cũng có những DN hưởng lợi từ việc đầu tư của Samsung như Viettel chẳng hạn. Nhưng đúng là rất ít DN tham gia chuỗi giá trị của họ. Bởi lẽ khả năng thích ứng của DN Việt Nam với sản xuất của Samsung rất khó, khi cứ khoảng 3-4 tháng họ lại tung ra sản phẩm mới, trong khi DN chúng ta chưa đủ năng lực về công nghệ để tham gia.

- Vậy, theo ông, làm thế nào để DN Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng của Samsung?

Chúng ta có thể tham gia được vào chuỗi của DN FDI, nhưng cái chính là chọn cái gì để làm, phát triển. Điển hình như quá trình hợp tác với Honda, sau một thời gian dài hiện cũng đã có tới 80-90% nhà cung cấp và đã có sản phẩm xe máy Made in Vietnam. Vấn đề là cần tập trung ngành CNHT nào thích ứng với DN Việt Nam để lựa chọn hỗ trợ phù hợp.

- DN Việt Nam vẫn ở trình độ thấp so với họ. Nếu như Samsung đầu tư vào TPHCM năm 2015 họ có 190 DN làm CNHT. Sở dĩ số lượng DN tham gia chuỗi cung ứng này đông vì máy móc, thiết bị của dây chuyền sản xuất tại TPHCM không phải thay đổi nhiều và phù hợp với trình độ của DN nội địa Việt Nam. Còn với những sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh, sản phẩm liên tục thay đổi, DN chúng ta khó có thể đầu tư, thay đổi công nghệ theo họ được. Điều đó cho thấy không phải DN FDI không muốn tìm DN CNHT ở Việt Nam, mà chính do DN Việt Nam hiện nay ở trình độ thấp.

- Làm gì để DN FDI có thể đồng hành, chia sẻ với DN Việt Nam, thưa ông?

- Những điều kiện để sàng lọc DN của nhà đầu tư nước ngoài rất khắt khe, nhưng công bằng. Thí dụ, lãnh đạo Samsung đề cập 18 tiêu chí (chất lượng, thời gian giao hàng, giá cả…) nếu đáp ứng có thể được lựa chọn. Song để đáp ứng không dễ dàng đối với hầu hết DN Việt hiện nay.

Đó là những yêu cầu về linh kiện chính xác được Samsung yêu cầu đến tỷ lệ phần ngàn, trong khi hầu hết DN Việt Nam chỉ đảm bảo chính xác đến phần trăm. Do đó, DN Việt Nam chủ yếu tham gia khâu lắp ráp, khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất trong cơ cấu chuỗi giá trị. Thực tế, để DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị của DN nước ngoài phải có sự hỗ trợ của DN FDI.

Ngoài ra, với các DNNVV của Việt Nam, vấn đề không phải là muốn gì, mà là nên lựa chọn lĩnh vực thích hợp để tích lũy dần đến khi có điều kiện thì phát triển. Chỉ có nâng cao năng lực của mình DN mới có thể tham gia được vào chuỗi giá trị của những thương hiệu lớn như Samsung.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Thái Hà

Sài Gòn Đầu tư tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên