Công nghiệp ô tô sau 2018: Doanh nghiệp nào nói được làm được?
Tương lai sau năm 2018 của thị trường ô tô Việt Nam còn đầy sức hấp dẫn. Tuy nhiên, đây là một thị trường có mức độ cạnh tranh cao đang bị thống lĩnh bởi các thương hiệu ngoại. Nếu không có những nỗ lực vượt bậc của một vài doanh nghiệp nội địa “đầu tàu” thì những toan tính cho công nghiệp ô tô Việt sẽ khó thành.
- 26-04-2018Đại gia ô tô Việt Nam nộp ngân sách gần 15.000 tỉ đồng
- 26-04-2018Hơn 40 triệu xe mô tô, xe gắn máy đã được cấp biển số sẽ không phải dán nhãn năng lượng
- 26-04-2018Miễn 2 sắc thuế ô tô: Ai hưởng lợi?
Nói về tương lai công nghiệp ô tô Việt sau năm 2018, chuyên gia Nguyễn Thị Xuân Thuý (Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công thương - VIOIT) đề cập đến điểm sáng cơ sở hạ tầng với việc hoàn thiện nhiều tuyến cao tốc liên tỉnh và triển vọng của cao tốc Bắc - Nam. Hơn nữa, Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, tỷ lệ dân số ở tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng.
Hiện thực hóa ô tô Việt
Xét về dung lượng thị trường ô tô, bà Thuý cho rằng Việt Nam sắp bước vào giai đoạn ô tô hóa (motorization). Trong 5 năm trở lại đây, thị trường có mức tăng trưởng nhanh ở mức 24%. Về tiềm năng xuất khẩu, riêng hồi năm 2017 đã xuất khẩu phụ tùng linh kiện ô tô đạt 4,4 tỷ USD. Cơ hội xuất khẩu sẽ còn gia tăng với những đối tác tiềm năng từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) điển hình như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)…
Trong đó, với AEC, vấn đề sau 2018 là sự cạnh tranh giữa xe lắp ráp trong nước với xe nhập khẩu. Với EVFTA là lộ trình cắt giảm thuế hoàn toàn khá dài, 5-7 năm đối với EU, 7-10 năm đối với Việt Nam. Còn với CPTPP là lộ trình cắt giảm thuế hoàn toàn khá dài, 7 - 10 năm, đối tác chủ yếu là Nhật Bản, Úc, Canada.
Vị chuyên gia của VIOIT cũng chỉ ra ba xu hướng sử dụng công nghệ Cách mạng công nghiệp 4.0 trong công nghiệp ô tô tại Việt Nam trong tương lai. Thứ nhất là cải tiến quy trình hiện có nhằm tạo ra sự thay đổi toàn diện về cách thức sản xuất chế tạo ô tô và quy trình tạo ra giá trị trong ngành công nghiệp ô tô (ô tô điện, tạo ra phụ tùng linh kiện ô tô bằng công ngệ in 3D…). Thứ hai là tăng tính tự chủ của ô tô (ô tô tự hành). Thứ ba là tăng tính tự chủ và độc lập của các công đoạn sản xuất để ứng phó với sự phức tạp ngày càng gia tăng của ngành.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Thị Xuân Thuý, sẽ cần có thời gian để hiện thực hóa những xu hướng này. Nhưng các doanh nghiệp (DN) nội địa đầu ngành phải có sự chuẩn bị. Điều này đòi hỏi những thay đổi về quản lý quy trình, mô hình kinh doanh, kiến trúc hạ tầng IT, chuỗi giá trị. Mặc dù vậy, không phủ định những phương thức quản lý quy trình truyền thống, bởi đây chính là nền tảng để đảm bảo cho sự thành công của việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào công nghiệp ô tô.
Trước những triển vọng và dự báo như vậy, công nghiệp ô tô Việt đang rất cần những DN nội địa có tiềm lực mạnh mà Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) là điển hình về một DN nội “đầu tàu” trong ngành ô tô nói được và làm được. Qua nghiên cứu chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam từ nhiều năm trước đó, DN này đã đề ra chiến lược phát triển bền vững dựa trên sản xuất kinh doanh ô tô trong bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN vào năm 2018.
Nói được làm được
Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô với diện tích hơn 650 ha do Thaco đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), đến nay, sau 15 năm, đã đưa vào hoạt động hơn 400 ha. Trong đó, phân khu các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô có diện tích 130 ha, với 5 nhà máy: Thaco Tải, Thaco Bus, Thaco Kia, Thaco Premium Auto và Thaco Mazda với các dây chuyền sản xuất được đầu tư quy mô theo hướng tự động hóa và quản trị theo hướng số hóa trên tinh thần cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, họ còn có phân khu các nhà máy công nghiệp hỗ trợ có diện tích gần 90 ha, với 15 nhà máy được đầu tư dây chuyền bán tự động, có công nghệ phù hợp và cũng đang được tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ và mở rộng phát triển thêm các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng mới nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và giảm giá thành.
Ở Chu Lai, phía Thaco còn đầu tư vào Khu công nghiệp Cảng và hậu cần cảng có diện tích 173 ha, chiều dài cầu cảng gần 500m và các dịch vụ vận tải biển, vận tải đường bộ và kho bãi. Tất cả đã giải quyết các khó khăn bất cập về giao nhận vận chuyển và chi phí logistics khi đầu tư tại Chu Lai và miền Trung. Mặt khác, họ còn thành lập trường cao đẳng nhằm đào tạo các hệ Trung cấp, cao đẳng và kỹ sư thực hành nhằm giải quyết bài toán khó khăn về nhân lực tại địa phương.
Hồi năm 2017, Thaco cũng đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ và phân phối xe tải Fuso với Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) & Daimler (Đức) và ký hợp đồng phân phối xe du lịch thương hiệu BMW/ MINI COOPER/ BMW Motorrad với Tập đoàn BMW của Đức. Qua đó, đã đưa Thaco trở thành DN duy nhất sản xuất, lắp ráp và phân phối đầy đủ các chủng loại ô tô gồm: Xe tải, xe bus và xe du lịch với đầy đủ phân khúc từ trung cấp đến cao cấp theo các thương hiệu. Đối với xe du lịch có 4 thương hiệu là: Kia, Mazda, Peugeot, BMW và xe thương mại có 3 thương hiệu: Thaco Bus, Mitsubishi Fuso, Foton.
Điều hãnh diện ở DN nội địa này là họ đã và đang dẫn đầu thị trường ô tô Việt Nam liên tiếp từ năm 2014 đến nay. Và quan trọng là việc phát triển hệ thống phân phối và bán lẻ luôn được chú trọng, đến nay Thaco đã có 158 điểm bán hàng trên toàn quốc.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, cho biết chiến lược của Thaco là sản xuất kinh doanh đầy đủ chủng loại: Xe du lịch, xe bus, xe tải và xe chuyên dụng, có tất cả phân khúc theo thương hiệu: trung cấp, cao cấp, hạng sang (bao gồm xe du lịch: Kia, Madaz, Peugeot, BMW và xe thương mại: Thaco Bus, Mitsubishi Fuso, Kia tải, Foton/Forland và thương hiệu máy nông nghiệp Thaco và LS với đầy đủ các tải trọng, kích cỡ: nhỏ, trung và lớn theo chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh khép kín.
Nhìn vào những gì mà “đầu tàu” của ngành công nghiệp ô tô Việt đang làm, tạo động lực phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn khác, điều mong mỏi vẫn là cần có chính sách bảo vệ thị trường phù hợp với cam kết hội nhập.
Hơn thế nữa, để tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường ô tô Việt, Chính phủ cần định hướng các sản phẩm chiến lược đầu cuối có tỷ lệ nội địa hoá cao, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Sản phẩm đầu cuối này cần đạt một sản lượng đủ lớn để kéo theo sự phát triển của các nhà sản xuất hỗ trợ ở trong nước.
Tiền phong