MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công nhân khu công nghiệp sẽ mua được nhà?

02-07-2016 - 09:20 AM | Bất động sản

Mặc dù đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng hầu hết công nhân (CN) các KCN chưa thể có cho mình một mái nhà. Họ phải sống trong những căn nhà trọ chật chội, ẩm thấp. Thực trạng này có thể sẽ được thay đổi với kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố sáng hôm qua (1.7).

4,2 triệu người lao động có nhu cầu về nhà ở vào năm 2020

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thắm đều là CN, đang thuê trọ tại thôn Hậu Dưỡng (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội). Chị cho biết, thu nhập của chị là 4 triệu đồng/tháng, cộng cả thu nhập của chồng được 8-9 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, vợ chồng chị mất 800.000 đồng tiền thuê nhà và điện nước.

Hiện hai vợ chồng đã có cháu gái 3 tuổi, nhưng do nếu để cháu ở cùng với bố mẹ thì rất tốn kém, mất khoảng 3-4 triệu đồng tiền gửi ở trường mẫu giáo, hơn nữa, chị không muốn con phải sống trong phòng trọ chật chội, nên chị gửi con về quê. Làm đồng nào, cuối tháng hết đồng đấy, nên mặc dù làm CN đã lâu, nhưng anh chị không tiết kiệm được đồng nào, vì vậy, ước mơ có được ngôi nhà tại Hà Nội này quá xa vời, anh chị không bao giờ dám nghĩ đến.

Vợ chồng chị Thắm chỉ là một trong số rất nhiều CN KCN đang phải sống trong những nhà trọ chật chội. Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hiện nay, tại các KCN, mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động (CNLĐ) có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Đa số CN ngoại tỉnh làm việc tại các KCN trên cả nước đều phải thuê nhà trọ của người dân với giá thuê từ 300.000-400.000 đồng/người/tháng.

Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường cũng như hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo. Hầu hết các khu nhà trọ này đều thiếu các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu (nhà trẻ, trường học, trạm y tế, khu vui chơi, giải trí, khu luyện tập thể thao, thư viện…).

Ông Trịnh Trường Sơn - Hàm Phó Cục trưởng, Trưởng phòng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết, theo quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt, đến năm 2020, tổng số CNLĐ tại các KCN đạt khoảng 7,2 triệu người; số CNLĐ tại các KCN cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu mét vuông nhà ở.

Cần cơ chế, chính sách

Trước thực trạng trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã ký kết Biên bản thỏa thuận về Dự án Nghiên cứu cải thiện điều kiện sống cho CN các KCN tại Việt Nam. Sau quá trình nghiên cứu, vào ngày 1.7, hai bên đã tổ chức báo cáo kết quả. Để cải thiện môi trường sống của CN KCN, báo cáo đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có tiêu chí lựa chọn vị trí xây dựng nhà ở CN mà nội dung quan trọng là đảm bảo người dân có thể đi bộ (300-500m) tới KCN và khu dân cư, dịch vụ lân cận. Ngoài ra, báo cáo cho rằng cần coi loại hình nhà trọ thấp tầng (của nhà đầu tư quy mô nhỏ, hộ gia đình) là một nguồn cung nhà ở chính thức…

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu CN có đủ khả năng để mua nhà với mức thu nhập thấp? ThS Vũ Quốc Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết, báo cáo chỉ ra muốn thu hút CN vào ở thì nhà được xây dựng phải phù hợp với khả năng chi trả của người lao động (NLĐ). “Thời gian qua, thu nhập của CN đã có cải thiện đáng kể.

Nhưng, để mua được nhà, thuê nhà, CN cần có sự tích lũy lớn chứ không phải tính mức lương hằng tháng là thấp hay cao. Nghiên cứu của JICA dựa trên tổng thu nhập trong thời gian dài của NLĐ để xác định chi phí xây nhà chứ không phải dựa trên thu nhập hằng tháng” - ông Huy nói.

Một vấn đề nhiều người người quan tâm là chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực này. Theo ông Kenichi Hashimoto - Trưởng đoàn Đoàn nghiên cứu JICA - Chính phủ cần ban hành cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và KCN trong phát triển nhà ở xã hội cho CN, quy trình lựa chọn vị trí dự án, trách nhiệm của doanh nghiệp KCN; ban hành các quy định, hướng dẫn về kiến trúc, tiêu chuẩn nhà ở; thành lập các cơ quan kiểm soát chất lượng công trình nhà ở CN….

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, rất ít nhà đầu tư “rót vốn” vào lĩnh vực này do khả năng sinh lời thấp. Ông Nguyễn Văn Đạt - Tổng Giám đốc TCty Phát triển đầu tư khu đô thị Việt Nam - cho rằng, Nhà nước không cần trực tiếp đầu tư xây nhà cho CN, mà chỉ cần có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm việc này. “Nhà nước nên có chính sách cho vay ưu đãi với lãi suất thấp cho người có nhu cầu mua nhà thực sự (số tiền khoảng 200 triệu đồng). Người có nhu cầu mua được nhà thì nhà đầu tư sẽ phát triển được thị trường của mình” - ông cho hay.

Ông Đặng Ngọc Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - đề xuất, do rất khó thu hút được các nhà đầu tư lớn vào các dự án nhà ở cho CN KCN, vì vậy, chính quyền cần lập cơ quan điều phối, xây dựng quy hoạch chung, từ đó có các dự án thành phần để “hút” các nhà đầu tư tư nhân, người dân…tham gia.

Báo cáo “Nghiên cứu cải thiện môi trường sống cho CN các KCN” nhấn mạnh những nội dung chính: Khung pháp lý hiện hành về đảm bảo môi trường sống cho NLĐ tại các KCN; hiện trạng, các yếu tố ảnh hưởng và các tồn tại trong việc đảm bảo môi trường sống của CN KCN; đề xuất mô hình phát triển môi trường sống phù hợp với NLĐ, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và xây dựng dự án nhà ở CN KCN thí điểm tại tỉnh Hưng Yên. Dự án nhà ở này rộng 18,23ha tại xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; dự kiến tổng chi phí xây dựng toàn bộ khu nhà là 1.311 tỉ đồng.

Theo Quế Chi

Lao Động

Trở lên trên