Công nhân lay lắt qua mùa dịch COVID-19
“May mà mình còn có việc làm, dù có bị giảm lương, còn hơn là thất nghiệp ngồi nhà, biết lấy gì sống” – nữ công nhân mới tròn 20 tuổi nói nhẹ tênh.
- 20-04-2020“Giãn cách xã hội không có nghĩa là không làm việc”
- 17-04-2020Công nhân đeo khẩu trang căng sức làm việc trên công trường đường vành đai 2
- 01-04-2020Lao động làm việc ở nước ngoài mất việc do dịch COVID-19 được hỗ trợ ra sao?
Sợ đói hơn sợ dịch
Trong cái nắng chang chang đầu hè, chúng tôi tìm đến dãy nhà trọ nằm sâu con hẻm 54 (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TPHCM). Mấy chục căn nhà trọ xây sơ sài bằng gạch nung, mái tôn cũ kỹ, phai màu. Kéo cánh cửa tôn thủng lỗ chỗ, chị Trần Thị Nam (40 tuổi, quê Cần Thơ) ngại ngần: “Khổ quá, tôi đang tính tìm việc gì làm thêm mà thời buổi khó khăn, không ai thuê mướn”.
Căn phòng trọ chị Nam thuê có giá tầm 1,2 triệu đồng/tháng. Diện tích chưa tới 20m2 này là chỗ ở 7 con người. Gia đình đông là thế, nhưng kinh tế giờ chỉ có mình chồng chị Nam gồng gánh. “Ông xã làm công nhân, lương gần chục triệu/tháng, chi phí cho tất cả mọi người trong nhà này. Trước con gái, con rể còn có việc làm phụ thêm, nay công ty giảm việc, giảm lương nên không có đồng nào…” - chị Nam nói và khoe cháu ngoại hơn 2 tháng, ngủ ngon lành trong căn phòng “ngày nóng, đêm lạnh”.
Trò chuyện với Lê Thị Hương (20 tuổi, quê Bình Định) công nhân may công ty QMI, chị Hương bảo rằng mình còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp vì chưa mất việc. Nhiều bạn bè của chị phải về quê do công ty sa thải vì không đủ khả năng chi trả lương thợ. “Em sợ lây COVID-19 nhưng cái đói còn khiến em sợ hơn cả bệnh dịch. Buổi tối, em còn nhận giao hàng để kiếm thêm chút thu nhập” - cô gái trẻ thật thà.
Lương công nhân của Hương tầm 4,5 triệu đồng/ tháng. Sau khi trả tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống, cô còn dành dụm được 2 triệu đồng. Số tiền này Hương cho biết gửi về quê cho con đi học. “Ước mong của em là được tăng ca, có nhiều người thuê mướn làm việc, bởi nếu không mình sẽ không có thu nhập” - Hương tâm sự.
Căn phòng trọ chật hẹp khu vực bến Phú Định (Q.8, TPHCM) nơi chị Vũ Thị Thảo, 47 tuổi, quê Nghệ An tá túc, chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ. Chị My cho biết, mất việc gần cả tháng nay. “Bao nhiêu tiền dành dụm, tôi chi tiêu gần hết trong thời gian này. Hơn chục năm xa quê, vào Sài Gòn mưu sinh, tôi cứ nghĩ rằng chỉ cần mình có sức khỏe, chịu khó làm việc thì lo gì không có cái ăn. Ai ngờ, giờ có sức khỏe mà không ai thuê mướn, cái đói cận kề” - chị My rớm nước mắt.
Lay lắt qua ngày
Hớn hở khi ôm trên tay 10 ký gạo do mạnh thường quân tặng, ông Trần Văn Bảy (55 tuổi, quê An Giang) nghẹn ngào: “Giờ ít việc, lương giảm hơn nửa nên tôi không dám tiêu xài gì. Có những hôm, cả nhà phải ra đồng mò cua, bắt chuột sống qua ngày, tiết kiệm đồng nào hay đồng đó. Nay có số gạo này, 20 ngày tới cả nhà có cơm ngon ăn rồi. Mừng lắm cô à!”.
Chờ đợi nhận những phần nhu yếu phẩm miễn phí từ siêu thị 0 đồng ở chùa Vĩnh Nghiêm, chị Trần Thị Nguyệt (36 tuổi, ngụ hẻm Ông Địa, Q.Tân Bình, TPHCM) bộc bạch: “Tôi làm tạp vụ cho một công ty ở Q.3, công ty khó khăn, mình bị nghỉ việc đầu tiên. Làm bán thời gian nên không có hợp đồng, bảo hiểm nên khi bị đẩy ra đường là “bít lối”, không có khoản thu nhập, trợ cấp nào. May chủ nhà trọ thương, miễn phí 3 tháng tiền nhà, còn ăn uống thì tôi xin ở các điểm từ thiện. Tuy rất khó khăn nhưng Sài Gòn còn nhiều người tốt lắm, vì vậy mà những người khó khăn như chúng tôi cũng thấy an ủi phần nào”.
Theo Sở LĐTBXH TPHCM, thành phố có khoảng 32.527 hộ nghèo và cận nghèo với 127.000 nhân khẩu; 37.000 hộ người có công; 132.000 người hưởng chế độ bảo trợ xã hội và 101.000 lao động bị mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. TPHCM có chính sách hỗ trợ riêng cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19. Để được hưởng hỗ trợ, người lao động có đơn đề nghị gửi chủ sử dụng lao động, có xác nhận của bảo hiểm xã hội. Sau đó doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến Ban quản lý KCX-KCN hoặc UBND quận, huyện nếu doanh nghiệp nằm ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp. Sau 15 ngày, nếu hồ sơ đủ điều kiện sẽ được trợ cấp theo quy định.
Đối với lao động tự do thì có thể liên lạc với chủ nhà trọ, tổ trưởng tổ dân phố để được lập danh sách và nhận hỗ trợ. Dự kiến những người mất việc, ngừng việc sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng 4, 5, 6.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM cho biết, Sở đã trình UBND TP đề xuất trước ngày 30/4 hộ nghèo, cận nghèo, hộ người có công, nhóm bảo trợ xã hội sẽ nhận được tiền hỗ trợ. Còn với người bị mất việc, ngừng việc do dịch, nếu TP phê duyệt, Sở phấn đấu chậm nhất ngày 30/4 sẽ chi tiền hỗ trợ nhóm này.
Tiền phong