MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Công thần" nào đã giúp VN-Index đủ sức san bằng hoàn toàn mức giảm của phiên đầu tuần?

"Công thần" nào đã giúp VN-Index đủ sức san bằng hoàn toàn mức giảm của phiên đầu tuần?

Đặc biệt, VCB trong phiên hôm qua 6/12 vừa là "tội đồ" khi đóng góp tới 2,41 điểm vào đà giảm của chỉ số đã bất ngờ quay lại tăng điểm, lập tức trở thành "công thần" lớn nhất trong phiên hôm nay với mức đóng góp 2,72 điểm tăng cho VN-Index.

Sau phiên đầu tuần rực lửa, thị trường chứng khoán mở cửa phiên 7/12 với tâm lý tích cực của nhà đầu tư. Điều này một phần hưởng ứng từ xu hướng chung toàn cầu cụ thể là diễn biến lạc quan tại thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua khi chỉ số DJ hồi phục 646 điểm, bên cạnh đó là sự bứt phá đến từ chỉ số của các thị trường châu Á. 

Theo đó, chỉ số VN-Index duy trì sắc xanh trong toàn bộ phiên giao dịch, sau những rung lắc tại phiên sáng thì đã mạnh mẽ bứt phá trong phiên chiều để kết phiên tại mức điểm cao nhất là 1.445,77 điểm, tương ứng tăng 33,19 điểm. Như vậy, chỉ số chính của chứng khoán Việt một lần nữa bứt phá để "sàn bằng" toàn bộ những gì đã mất trong phiên kề trước 6/12. Số mã tăng trên HoSE cũng lên tới 396 mã, trong đó 210 mã tăng trên 2%, áp đảo hoàn toàn so với 67 mã giảm, tín hiệu đầy tích cực sau một phiên có tới cả trăm mã giảm sàn. 

Công thần nào đã giúp VN-Index đủ sức san bằng hoàn toàn mức giảm của phiên đầu tuần? - Ảnh 1.

Xét về mức độ đóng góp, rổ VN30 hôm nay kết phiên với toàn bộ cổ phiếu đồng thuận tăng giá củng cố vững chắc cho từng nhịp tăng của chỉ số chính. Trong đó, sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành đầu tàu dẫn dắt, đưa chỉ số dễ dàng giành lại điểm số vừa đánh rơi.

Đặc biệt, VCB trong phiên hôm qua 6/12 vừa là "tội đồ" khi đóng góp tới 2,41 điểm vào đà giảm của chỉ số đã bất ngờ quay lại tăng điểm, lập tức trở thành "công thần" lớn nhất trong phiên hôm nay với mức đóng góp 2,72 điểm tăng cho VN-Index. Kết phiên, thị giá VCB tăng 2,9% lên mức 98.200 đồng/cổ phiếu. 

Cùng trong nhóm ngân hàng còn có BID đóng góp 1,73 điểm tăng, TCB đóng góp 0,92 điểm tăng, CTG đóng góp 0,75 điểm tăng, MBB đóng góp 0,64 điểm tăng,... Điều này phần lớn là sự ảnh hưởng nhờ mức vốn hóa lớn, còn mức tăng tốt nhất trong nhóm cổ phiếu nhà băng phải kể đến là STB hay PGB khi tăng mạnh xấp xỉ ngưỡng 4%.

Công thần nào đã giúp VN-Index đủ sức san bằng hoàn toàn mức giảm của phiên đầu tuần? - Ảnh 2.

Hai ông lớn ngành khí và thép là GAS và HPG cũng có phiên tăng điểm tích cực, qua đó lần lượt đóng góp 2,25 điểm và 2,16 điểm cho đà tăng của thị trường chung. Trong đó, HPG sau phiên sáng giao dịch không mấy sôi động đã mạnh mẽ bứt phá và là một trong những cổ phiếu tăng tốt nhất trong phiên chiều với 4,04%. Đồng thời, thanh khoản cũng đạt mức cao nhất toàn thị trường với giá trị xấp xỉ 568 tỷ đồng. GAS cũng kết phiên tại mức 96.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng biên độ tăng 4,9%

Ngoài ra, một số cổ phiếu góp sức kéo chỉ số thị trường nhiều nhất trong phiên còn có một số bluechips bất động sản như VHM tăng 2,4% qua đó đóng góp 2,16 điểm tăng cho VN-Index, NVL tăng 1,4% qua đó đóng góp 0,62 điểm tăng cho VN-Index, VIC tăng 1% qua đó đóng góp 1,09 điểm tăng cho VN-Index. 

Cũng cần nói tới việc thị trường mặc dù bứt phá trong phiên chiều với nhiều mã bất ngờ tăng mạnh song thanh khoản lại kém sôi động hơn phiên sáng trước đó, qua đó kéo mức giá trị giao dịch toàn phiên giảm xuống còn khoảng hơn 26.000 tỷ đồng. Nguyên nhân một phần do áp lực bán đã phần nào giảm bớt, lượng cổ phiếu bán tháo đã được hấp thụ hoàn toàn, margin sau những phiên vừa qua đã được hạ nhiệt phần nào.

Ở chiều ngược lại, những cổ phiếu phần nào kìm hãm đà tăng của VN-Index có thể kể tới là một số cổ phiếu vừa và nhỏ với mức vốn hóa khiêm tốn hơn hẳn như IDI, TSC, TCD, STK, CRE, HTN. Mặc dù VN-Index hồi phục song nhóm cổ phiếu đầu cơ này vẫn tiếp tục điều chỉnh mạnh, cho thấy dòng tiền chưa có ý định trở lại nhóm này. Tính chung, rổ cổ phiếu midcaps và penny còn tới khoảng 60% lượng mã chưa có sự hồi phục sau những phiên điều chỉnh mạnh vừa qua.

Dòng tiền sau bán tháo sẽ tìm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn mang tính chất phòng thủ, ít rủi ro hơn

Trao đổi với phóng viên sau phiên thị trường giảm mạnh 6/12, ông Đỗ Trung Thành, Trưởng phòng Phân tích Doanh nghiệp, CTCK Dầu khí (PSI) đánh giá nhịp điều chỉnh trong giai đoạn cuối năm sẽ không có sự sụt giảm quá lớn mà chủ yếu là việc dòng tiền luân chuyển sang nhóm các cổ phiếu bluechips có yếu tố cơ bản hấp dẫn như: Ngân hàng, Dầu khí, Điện, Hàng tiêu dùng, Dược phẩm, Logistics, Công nghệ - Viễn thông.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cho biết tại những nhịp chỉnh sâu của thị trường, thông thường dòng vốn sẽ tìm đến những cổ phiếu có mức định giá thấp hơn. Như vậy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như thép hay ngân hàng đã điều chỉnh mạnh thời gian qua sẽ có khả năng cao nhất là đích đến. Ngoài ra, rủi ro từ tính chất đầu cơ tại một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong thời gian trước sẽ càng tăng tính hấp dẫn của các cổ phiếu vốn hóa lớn hơn, an toàn hơn, mang tính chất trú ẩn nhiều hơn.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên