Công thức chung giúp các nữ tỷ phú hàng đầu Trung Quốc đi lên từ người làm công: Từ 0 lên 1 luôn khó hơn từ 1 đến 100
Dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng là việc khó khăn nhất.
- 02-11-2020Cuộc đời khác xa với người anh tỷ phú của Brian Cuban: Định nghĩa "thành công" của mỗi người là khác nhau, đâu chỉ đơn giản là nhiều tiền
- 01-11-2020Chuyện chưa kể về Mary Anne McLeod Trump: Từ cô gái nhập cư nghèo với giấc mơ đổi đời trở thành thân mẫu người đàn ông quyền lực bậc nhất nước Mỹ
- 28-10-2020Nữ tỷ phú trẻ nhất Trung Quốc: 26 tuổi nắm trong tay gần 24 tỷ USD, đổi đời sau 1 đêm nhờ lấy chồng là đại gia công nghệ
Bằng việc tìm hiểu về quá trình dựng nghiệp của top 10 nữ tỷ phú tự thân Trung Quốc, ta có thể rút ra được vài bài học để áp dụng vào con đường lập nghiệp của mình.
Quyết tâm đổi nghề
Đứng đầu bảng xếp hạng các nữ tỷ phú Trung Quốc năm 2020 là Chung Tuệ Quyên. Bà tốt nghiệp đại học năm 1982, sau đó trở thành giáo viên dạy hóa ở phổ thông.
Trong những năm đó, giáo viên có bằng đại học là những người rất được xã hội coi trọng, nguồn thu nhập và những đãi ngộ của nghề cũng rất cao. Nhưng Chung Tuệ Quyên không hề hài lòng. Năm 1996, bà xin thôi việc và gia nhập Hausen Pharmaceuticals của chồng, trở thành chủ tịch và tổng giám đốc của công ty.
Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng, có gì đặc biệt khi trở thành chủ tịch tại công ty của chồng mình?
Chung Tuệ Quyên
Dưới sự lãnh đạo của bà, Hausen Pharmaceuticals đã trở thành con ngựa ô dẫn đầu trong ngành dược phẩm. Thuốc kháng sinh mà công ty cho ra mắt năm 1997 đã đạt doanh số 30 triệu NDT/năm.
Chung Tuệ Quyên không đơn giản chỉ là một người phụ nữ đứng phía sau chồng mình. Bà song hành, cùng chồng điều hành công ty. Hiện tại, giá trị tài sản mà cặp đôi này đang nắm giữ đã vượt qua con số 100 tỷ NDT.
Lại nhìn đến người ở vị trí thứ 2 - Ngô Á Quân. Ban đầu bà là kỹ thuật viên cơ khí trong nhà máy, sau đó lại làm phóng viên 6 năm. Cuối cùng, nhờ tài ăn nói được rèn luyện trong thời gian làm phóng viên, bà bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực bất động sản.
Hiện tại, giá trị tài sản của bà và tập đoàn bất động sản Long Hồ đã gần chạm mức 100 tỷ.
Ngô Á Quân
Ngoài ra, còn có vị trí thứ 6 là Phạm Hồng Vệ, từng là nhân viên kế toán. Bà đã từ bỏ công việc của mình để ra tự lập kinh doanh.
Làn sóng đổi mới những năm 1980 đã mang đến vô vàn cơ hội cho mọi người. Tỷ phú và người thường chỉ các nhau một chữ "dám". Rủi ro thường đi kèm với lợi nhuận. Người dám tung hoành có thể sẽ không kiếm được tiền, nhưng người ổn định thì sẽ mãi như vậy.
Phạm Hồng Vệ
Từ người làm thuê thành tỷ phú
Chu Quần Phi - người đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng - đã lột xác từ một cô gái làm thuê, thuộc tầng lớp dưới cùng của xã hội, trở thành một nữ tỷ phú giàu có với tổng tài sản trị giá hơn 50 tỷ NDT.
Hoàn cảnh gia đình của bà rất khó khăn. Mẹ bà qua đời khi bà mới 5 tuổi, người cha gặp vấn đề về thị lực, mất sức lao động, thu nhập còn không đủ ăn.
Chu Quần Phi đến Thâm Quyến năm 15 tuổi. Bà cố tìm một chỗ làm gần Đại học Thâm Quyến, ban ngày vừa đi làm thêm bên ngoài, đêm lại xin trực đêm ở trong đại học để có cơ hội được đọc sách. Sau 7 năm như vậy, bà đã tự thi được một chứng chỉ kế toán, khai báo viên và cả bằng lái xe.
Năm 20 tuổi, xưởng gia công thủy tinh mà Chu Quần Phi đang làm việc được mở rộng. Thế nhưng, công việc đang dở dang thì phải dừng lại do ông chủ chuẩn bị rút vốn. Lúc đó, nhìn thấy cơ hội, bà liền xin ông chủ cho được thử sức. "Tiền lương cho ông quyết định. Nếu tôi thất bại, tôi sẽ làm cả đời để đền ông", bà nói.
Sau khi thuyết phục được ông chủ, Chu Quần Phi liền ứng dụng những kiến thức mình tích lũy bao năm qua, lại học hỏi thêm và kiểm soát được từng quy trình. Chẳng bao lâu, xưởng của bà trở thành nơi năng suất nhất công ty.
Chu Quần Phi
Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu xuất hiện. Ông chủ cho rất nhiều người thân thích đến nhà máy làm việc. Đây toàn là những người không biết cách làm việc, cũng không chịu nghe lời lãnh đạo xưởng. Do đó, năng suất của nhà máy ngày càng sa sút.
Chu Quần Phi tức giận xin từ chức, ra ngoài kinh doanh riêng. Bà và 8 người khác thuê một căn nhà với 3 phòng ngủ và 1 phòng khách, đồng thời mua một số thiết bị. Bà khởi nghiệp với số vốn 20.000 tệ.
Lập nghiệp vô cùng gian khó. Không ít lần Chu Quần Phi đến chào hàng bị người ta mắng mỏ, coi thường. Cũng không ít lần bên cung cấp nguyên liệu chậm giao hàng nên bà không thể nào kịp tiến độ, bị khách hàng chỉ trích. Dù vậy, bà không ngừng tiến lên. Sau này, cũng thu được không ít trái ngọt. Motorola, TCL, Apple đều đã từng cộng tác với bà.
Từ một nữ nhân công, giờ bà đã trở thành nữ hoàng của mặt kính điện thoại trên quy mô toàn cầu, với tổng tài sản trị giá hơn 50 tỷ.
Ở vị trí thứ 4 là Vương Lai Xuân - Chủ tịch của Luxshare Precision - với khối tài sản 58 tỷ NDT.
Vương Lai Xuân tốt nghiệp trung học xong về nhà làm nông. Năm 1988, khi 21 tuổi, bà đến Thâm Quyến và làm trong dây truyền Foxconn.
Vương Lai Xuân (áo xanh, giữa) chụp ảnh cùng Tim Cook.
Môi trường làm việc trong nhà máy rất khó khăn, nhất là vào mùa hè nắng nóng. Trong nhà máy rất đông đúc nhưng chỉ có duy nhất vài chiếc quạt để hạ nhiệt. Đôi khi nhà máy còn mất điện vào ban ngày, ban đêm bị ép tăng ca để đảm bảo năng suất.
Có 149 người làm cùng Vương Lai Xuân, đại đa số đều đã từ bỏ. Bà là một trong số rất ít người còn trụ lại. Người phụ nữ này dần được thăng chức, trở thành trưởng bộ phận cấp cao nhất. Không chỉ có vậy, bà còn nhận được sự công nhận của các nhà lãnh đạo Foxconn.
Sau khi Vương Lai Xuân rời đi và bắt đầu quá trình kinh doanh, Foxconn cũng là đối tác đầu tiên của bà. Nhận được sự hỗ trở của Foxconn, Luxshare Precision đã tham gia vào chuỗi sản xuất các thiết bị điện tử của Apple, cụ thể như cáp sạc Lighting năm 2014, sạc không dây năm 2015, và thế hệ dây đeo Apple Watch mới vào năm 2016. Vào năm 2018, Luxshare Precision đã trực tiếp cung cấp các thiết bị kết nối cho Iphone 8.
Đầu tư sáng suốt
Chiếm vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng là Lỗ Trung Phương. Tên của bà không được nhiều người biết tới. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục Trung Công - chuyên tổ chức đào tạo, sát hạch người lao động - lại rất nổi tiếng.
Song hành với bà chính là người con trai Lý Vĩnh Tân tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh. Sau khi từ chối rất nhiều lời mời tuyển dụng từ các công ty lớn. Lý Vĩnh Tân đã bắt đầu gia nhập vào đội quân khởi nghiệp. Sau thất bại đầu tiên, dưới sự dẫn dắt cũng như tài trợ của mẹ mình, anh đã tham gia vào lĩnh vực giáo dục.
Lỗ Trung Phương
Cho nên, Lỗ Trung Phương giống một nhà đầu tư hơn là một người khởi nghiệp. Tài sản quý giá nhất của bà chính là con trai.
Xếp thứ 6 là Tằng Phương Cần. Bà là một nữ doanh nhân có mối liên hệ với Apple, xuất phát điểm rất cao.
Tằng Phương Cần từng đi du học Mỹ trong thập niên 80. Bà bắt đầu sự nghiệp của mình tại Thung lũng Silicon. Sau khi có những thành công bước đầu, bà trở về và làm tổng giám đốc của công ty Lamex Precision của Mỹ tại Trung Quốc. Đây là bước đầu cho sự nghiệp huy hoàng của bà.
Năm 2006, bà lập ra Leadson Electronics với khách hàng ban đầu là Nokia. Sau đó, bà mở rộng kinh doanh và tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple.
Tằng Phương Cần
Chúng ta có thể học được gì?
Mỗi người đều có một con đường của riêng mình. Nhưng tựu chung lại có vài kinh nghiệm như sau:
- Phải mạo hiểm mới có thể thành công.
- Trên đời chưa bao giờ có chuyện cứ nằm im là sẽ thành công. Muốn thành công, bắt buộc phải mạo hiểm, chấp nhận rủi ro.
- Đổi mới bản thân, tạo cơ hội cho mình, chính là từ bỏ công việc ổn định, từ bỏ cuộc sống dễ chịu, từ bỏ định hướng tương lai sẵn có.
- Chỉ mong chờ thì may mắn sẽ không bao giờ đến. Người tạo cơ hội cho mình là chính mình chứ không phải là ai khác.
- Chi phí rủi ro tăng theo độ tuổi. Bạn chấp nhận rủi ro càng sớm, rủi ro bạn chịu càng thấp.
- Làm 1 trước, sau đó mới làm N thứ còn lại.
- Nhiều người nói rằng bạn không thể giàu chỉ nhờ làm việc. Nhưng một công việc bán thời gian có thể chính là điểm bứt phá để bạn có thể làm giàu.
- Để thành công, thường có một công thức: siêng năng chăm chỉ + tích lũy kinh nghiệm + tiếp cận được các nguồn lực + dựa vào sức mình. Rồi sau đó, càng làm càng lớn.
- Nhiều người làm nhân viên, chỉ nhìn vào số tiền lương rồi sau đó làm nhân viên cả một đời. Một số người làm nhân viên, nhưng trong quá trình làm lại tìm tòi học hỏi, nghiên cứu quá trình hoạt động của công ty, tích lũy kinh nghiệm, sau đó tự mình ra làm chủ.
- Vừa học vừa làm.
- Rất ít người bắt đầu kinh doanh khi mọi thứ đã sẵn sàng. Nếu chờ đợi mọi thứ đã đủ đầy, lên kế hoạch thật chi tiết rồi mới hành động, thì chẳng bao giờ ta có thể tiến hành. Vì chúng ta không bao giờ biết thế nào mới là đủ.
- Nhiều kiến thức bạn chỉ có thể học khi đã làm việc. Nếu không có kinh nghiệm làm nền tảng, rất nhiều kiến thức sẽ trở nên vô dụng.
(Theo Zhihu)