MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công thức đơn giản mà Jeff Bezos sử dụng để biến Amazon thành đế chế như ngày nay

23-10-2017 - 16:44 PM | Tài chính quốc tế

Không muốn bỏ lỡ cơ hội, ông nhanh chóng lập ra một danh sách gồm 20 sản phẩm có thể bán online, và cuối cùng quyết định bán sách vì chi phí thấp và nhu cầu rộng lớn.

Jeff Bezos đã gần 30 tuổi, và lúc đó đang là thời kỳ đầu của cuộc cách mạng internet. Lúc đó thế giới web vẫn còn manh nha, nhưng điều thu hút sự chú ý của Bezos là mức độ sử dụng tăng với tỉ lệ 2.300%/năm.

Amazon có khởi đầu khiêm tốn, nhưng ngày nay cửa hàng sách này đã hoàn toàn thay đổi. Kể từ khi ra đời vào năm 1994, họ đã đi một bước dài để thống lĩnh không chỉ ngành bán lẻ mà còn ở các lĩnh vực khác nữa.

Rõ ràng để có được thành công hôm nay, Bezos đã làm nhiều điều để những lợi thế ở cấp độ bề mặt trở thành hiện thực. Mọi công ty đều muốn áp dụng phương pháp của ông, nhưng không phải ai cũng có bộ khung nền tảng cho việc ra quyết định để làm điều đó.

Amazon có thể là một tập đoàn khổng lồ, nhưng các công cụ cốt lõi của họ khá đơn giản và hoàn toàn có thể áp dụng được. Dưới đây là những gì chúng ta có thể học hỏi được từ Bezos.

1. Phân biệt tác động cao và tác động thấp

Như Jeff Bezos giải thích với các cổ đông của Amazon trong một bức thư vào năm 2015, có 2 loại quyết định. Loại 1 là những quyết định quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến chiến lược, trong khi Loại 2 là những lựa chọn ít quan trọng hơn có thể dễ dàng đảo ngược được nếu cần.

Ở Amazon, họ dành mọi quyết định Loại 2 cho các đội và các cá nhân, trong khi những người nắm giữ vị trí quản lý cấp cao tập trung vào các quyết định Loại 1.

Đây là một hệ thống đơn giản nhưng hiệu quả để tập trung sự chú ý vào những nơi cần thiết nhất, vì thậm chí ngay cả trong cuộc sống, ta rất dễ nhầm lẫn điều gì là quan trọng với điều gì đang hiện hữu.

Nhìn chung ta nên dành nhiều thời gian cho các quyết định Loại 1. Các quyết định Loại 2 nên giao phó bớt cho người khác hoặc nên được gộp với các lựa chọn ít quan trọng hơn sau này.

2. Không phải lúc nào cũng sử dụng hệ thống ủy nhiệm

Với công nghệ, sẽ có tự động hóa nhiều hơn. Với nhiều dữ liệu hơn, hiệu suất sẽ tăng lên.

Các công ty như Amazon có khả năng tiếp cận với các nguồn lực cực lớn, có khả năng giảm tải theo nhiều cách. Họ có thể tiến hành các cuộc khảo sát và kiểm nghiệm để thu thập rất nhiều dữ liệu và sử dụng chúng để xây dựng các hệ thống có khả năng tự động đưa ra các quyết định.

Nhiều lúc hệ thống này rất hiệu quả. Nhưng như Bezos đã nói:

"Quy trình tốt sẽ phục vụ bạn để bạn có thể phục vụ khách hàng. Nhưng nếu bạn không chú ý, quy trình sẽ trở thành cái chi phối. Điều này có thể rất dễ xảy ra ở các tổ chức lớn. Quy trình trở thành đại diện cho kết quả bạn muốn. Bạn ngừng chú ý đến kết quả và chỉ chăm chăm làm theo đúng quy trình… Quy trình không phải là điểm chủ chốt. Bạn luôn phải đặt ra câu hỏi, chúng ta sở hữu quy trình hay quy trình sở hữu chúng ta?".

Căn cứ vào các biến số trong bất kỳ hoàn cảnh nào, có thể sẽ rất nguy hiểm khi nghĩ rằng một sự tương đồng sẽ có tác dụng với bạn y như với người khác. Những quyết định sáng suốt có được lợi thế vì chúng xuất phát từ ý thức về các chi tiết.

Với hầu hết các quyết định Loại 2, các đối tượng ủy nhiệm khá hữu dụng, nhưng khi nói đến nhưng quyết định Loại 1, sẽ tốt hơn nếu suy xét từ các yếu tố nền tảng, và xem xét từng hoàn cảnh cụ thể.

3. Đưa ra các ý tưởng ở mức 70% sau đó lặp lại

Đối với hầu hết các quyết định, sau một điểm nhất định, thông tin và thời gian sẽ mang lại lợi ích giảm dần. Quy luật này không áp dụng trong mọi trường hợp, nhưng nhìn chung, sự cải thiện sẽ trở nên dư thừa sau một khoảng thời gian.

Sẽ sáng suốt hơn rất nhiều nếu chúng ta biết buông bỏ trước điểm tới hạn, và sau đó lặp lại, rồi cải thiện dựa trên những phản hồi.

Xác định được ranh giới này không chỉ giúp ta luôn chủ động, mà còn đảm bảo ta không bị trói buộc với các lựa chọn của mình. Bất kỳ quyết định quan trọng nào cũng liên quan đến tương lai, và chúng ta cần tính đến những thay đổi. Cố gắng đưa ra những lựa chọn tĩnh và hoàn hảo trong một thế giới đầy biến động là công thức dẫn đến thảm họa.

Đối với Bezos và Amazon, ranh giới là 70% của thông tin lý tưởng lĩnh hội được. Sau đó, họ tập trung vào việc cải biến cẩn thận. Mô hình này cho phép họ tiến nhanh, nhưng cũng đảm bảo là không có sự thỏa hiệp nào về chất lượng của quyết định đó.

Điều này lý giải tại sao họ lại có thể thâm nhập vào nhiều ngành với nền tảng vững chắc đến vậy. Thời gian quyết định ít hơn nghĩa là có nhiều quyết định hơn. Số lượng cuối cùng sẽ dẫn đến chất lượng.

Những điều bạn cần biết

Các quyết định sẽ định hình mọi khía cạnh cuộc sống của chúng ta, và chất lượng của các quyết định này sẽ định đoạt những thăng trầm trong cuộc sống. Có được các khuôn khổ ra quyết định sẽ giúp ta đương đầu với mọi trở ngại.

Amazon là một trong những tập đoàn thành công nhất trong thời đại của chúng ta. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả này, nhưng yếu tố chủ chốt cho thành công của họ rõ ràng là quy trình ra quyết định.

Ta rất dễ bỏ qua ý tưởng có một khuôn khổ để đưa ra những lựa chọn. Trực giác của chúng ta được tạo ra để dành cho việc đó, nhưng bạn nên nhớ rằng trực giác có nhiều lỗ hổng. Và quy trình ra quyết định tốt không chỉ loại bỏ những lỗ hổng đó, mà còn lọc ra được những tín hiệu lạc quan từ những âm thanh nhiễu loạn.

Theo Đinh Vân

Trí thức trẻ

Trở lên trên