Công thức luôn đúng để bạn vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống: Tự kiểm - Thay đổi - Từ bỏ
Kẻ yếu thích đổ lỗi. Người mạnh ắt biết tự soi mình.
- 27-10-2020Con gái út của tập đoàn Samsung: Học cực giỏi, tốt nghiệp đại học danh tiếng nhưng cuộc đời tóm gọn bằng 2 chữ "Bi kịch"
- 27-10-20208 phẩm chất khiến một người đàn ông trở nên chín chắn, lịch lãm và quyến rũ trong mắt kẻ đối diện
- 27-10-2020Những người vừa bận rộn vừa tự kỷ luật, rốt cuộc đã kiếm được bao nhiêu tiền? Câu trả lời khiến bạn choáng váng!
Ở thành phố Amsterdam có một ngôi đền thờ Phật giáo. Trong đền, có một bia đá khắc dòng chữ: "Dù gì cũng đã thành sự thật, mọi thứ cũng chỉ có thể đến thế mà thôi." Vỏn vẹn vài con chữ nhưng lại thể hiện được một thái độ sống phóng khoáng và tự do.
Thái độ quyết định số phận.
Chuyện đã qua thì không thể thay đổi. Thứ duy nhất có thể thay đổi chính là thái độ của chúng ta khi đối mặt với đời.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Mỗi khi gặp chuyện, điều đầu tiên bạn cần làm là tự nhìn lại mình thay vì trách móc than vãn. Tăng Quốc Hoa là em trai của Tăng Quốc Phiên. Xét trong mấy anh em, Quốc Hoa là người có tư chất tốt nhất. Nhưng ông lại là người luôn thích đổ lỗi mỗi khi gặp khó khăn.
Ông ỷ mình có tài nên tự tin kiểu gì mình cũng sẽ đỗ đầu bảng. Nhưng đến cuối cùng, ông còn xếp sau cả người mà ông không bao giờ ngờ tới. Quốc Hoa vô cùng thất vọng. Ông quay ra oán ông trời bất công. Ông hận người chấm không biết thưởng thức tài nghệ của mình. Ông trách vợ sao quá hiền nên không quản được ông, vì thế ông mới không chuyên tâm học hành. Khi thất bại, Quốc Hoa không những không tự ý thức được vấn đề của mình mà còn đổ hết trách nhiệm lên đầu người khác.
Kẻ yếu thích đổ lỗi. Người mạnh ắt biết tự soi mình.
Con đường khoa cử của Tăng Quốc Phiên còn trắc trở hơn cả em trai mình. Bài thi của ông còn từng bị đem ra phê bình để làm gương cảnh cáo cho các sĩ tử khác. Mặc dù gặp phải chuyện như vậy, ông không những không nhụt chí mà còn không ngừng tự kiểm điểm lại bản thân. Ông nhận ra câu từ của mình quá dè dặt nên thiếu đi sự phóng khoáng. Ông luôn nỗ lực khắc phục vấn đề này. Sau đó, ông đã thi đỗ tú tài rồi đến tiến sỹ và cuối cùng được chọn vào viện Hàn lâm.
Thời nhà Đường có nho sinh Triệu Nhuy thi mãi mà không đỗ. Sau nhiều lần thất bại, ông quyết định ẩn cư chốn sơn lâm. Ông cần phải trấn tĩnh để tự nhìn lại bản thân. Ông đi sâu vào nghiên cứu thuật số và cho ra đời một tác phẩm kinh điển gây tiếng vang lớn thời bấy giờ. Vì vậy, hoàng đế đã chủ động mời ông ra làm quan.
Nhà triết học Hi Lạp cổ Sokrates từng nói: "Đời người sẽ thật là vô nghĩa khi ta chưa từng tự soi lại mình." Tự kiểm điểm không có nghĩa là tự phủ định, tự hạ thấp. Ngược lại, tự kiểm điểm là tự chịu trách nhiệm với bản thân. Đây là một thái độ sống cầu tiến và tích cực.
Khi gặp chuyện, điều bạn cần làm chính là tự nhìn lại mình. Chỉ có như vậy, bạn mới nhìn ra được ưu điểm và khuyết điểm của bản thân. Người biết tự soi lại mình mới không ngừng tiến bộ, mới có thể vươn tới thành công.
Đừng than vãn, hãy thay đổi!
Thỉnh thoảng, ta vẫn hay trách đời trách người để giải tỏa tâm trạng. Nhưng suốt ngày ta chỉ thích chê bai, dè bỉu mà không chịu thay đổi. Đây không được coi là hành vi của một kẻ khôn ngoan. Than vãn không thể thay đổi được sự thật. Đối với chuyện đã xảy ra, chúng ta chỉ có thể chấp nhận và sống tiếp mà thôi.
Ở nước Mỹ xa xôi, có một cô gái tên là Selma. Cô theo chồng mình đến đóng quân ở sa mạc. Tại đây, cô chỉ có thể ở trong những túp lều sắt giữa sa mạc dưới nắng nóng gay gắt. Ngay cả khi đã đứng dưới bóng xương rồng, cô cũng chẳng cảm thấy đỡ nóng bức hơn là bao. Cô gần như bị cô lập do bất đồng ngôn ngữ. Sống trong một môi trường khắc nghiệt như vậy thật dễ làm cho người ta suy sụp. Selma chỉ còn biết viết thư cho bố mẹ để bộc bạch nỗi khổ của mình. Dù cho bố mẹ chỉ gửi lại cho cô mấy chữ, nhưng câu nói ấy đã làm thay đổi cả cuộc đời cô:
"Hai con người cùng nhìn ra bên ngoài từ trong khung cửa sắt ngục tù. Một người chỉ nhìn thấy bùn đen dưới đất, một người lại nhìn thấy cả những vì sao sáng trên cao."
Cùng ở trong một hoàn cảnh, mỗi người dùng một lăng kính khác nhau để nhìn đời. Vì thế, cảnh sắc mà họ nhìn thấy cũng rất khác nhau. Sau khi đọc xong, Selma vừa thấy giận mà cũng tự thấy xấu hổ với mình. Từ ấy, cô quyết tâm đi tìm ngôi sao của mình trong sa mạc.
Selma học ngôn ngữ để hòa nhập với cuộc sống của người bản địa. Cô phát hiện con người nơi đây rất cởi mở và hiếu khách. Cô còn đi sâu nghiên cứu cây xương rồng và các loại động thực vật thú vị nơi đây. Cô thích quan sát bình minh và hoàng hôn hay cả những ảo ảnh trên sa mạc.
Sa mạc vẫn là sa mạc của trước kia, không có bất kỳ thay đổi nào cả. Chỉ là khi chọn một góc nhìn khác, Selma không chỉ tìm thấy vì sao cho riêng mình mà còn thay đổi được cả một số phận. Mọi thứ tốt hay xấu đều phụ thuộc vào thái độ của chúng ta. Đại thi hào Nguyễn Du từng viết hai câu thơ:
"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ."
Jack Ma từng nói: "Người chiến thắng là người biết sống mà không oán thán."
Oán trách có chăng cũng chỉ giúp ta giải tỏa tâm trạng nhất thời. Nhưng nó lại chẳng thể đem lại bất cứ sự chuyển biến nào trong thực tế. Vì vậy, khi đối mặt với đời, hãy đi tìm giải pháp thay vì trách móc. Hãy chủ động thích nghi thay vì đau khổ.
Khi phiền não, hãy buông bỏ!
Nhà văn Oscar Wilde từng nói: "Vì bản thân, tôi cần phải buông bỏ một số chuyện. Tôi không thể vì một người mà đêm đêm trằn trọc, tự mình làm khổ mình."
Đôi khi ta hãy than vãn sao có nhiều chuyện phiền phức tìm đến mình như vậy? Mà do chẳng biết là vì chúng ta đã quá để tâm nên mới phải nhận lấy nhiều tổn thương. Chúng ta vốn dĩ chẳng cần phải tính toán hay trăn trở quá nhiều. Tha thứ cho người cũng chỉ là để chúng ta nhẹ lòng hơn.
Vì bất đồng quan điểm mà Tô Thức nhiều lần bị chính bạn mình là Chương Đôn hãm hại. Tô Thức bị lưu đày đến những nơi xa xôi hẻo lánh. Có những lúc trước mỗi chuyến đi, ông đều tự làm sẵn quan tài cho mình. Có thể nói, ông phải đi đến bước đường hôm nay đều do một tay Chương Đôn làm ra. Loại người đã nhẫn tâm đẩy bạn vào cảnh ly tán khổ đau thật đáng để người khác hận thấu xương.
Năm tháng trôi qua, thế sự xoay vần, Tô Thức được hoàng đế ân xá. Ông được triệu về kinh và trọng dụng như xưa. Lúc này, Chương Đôn rất lo sợ bị trả thù. Y liền để con trai mình viết thư cầu xin Tô Thức nương tay. Nhưng Tô Thức chỉ hồi đáp rằng: Chuyện đã qua rồi thì nhắc lại làm chi. Ông còn an ủi và dặn dò bạn cũ phải giữ gìn sức khỏe.
Con người không có cách nào chi phối số phận. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể quyết định thái độ của mình khi đối mặt với cuộc sống. Hãy thật bình tĩnh đón nhận mọi tai họa mà số phận chuẩn bị giáng xuống.
Bạn đừng cứ mãi đau đáu về quá khứ. Hãy thay đổi để thích nghi thay vì cứ so kè và trách móc. Cuộc đời có đến 8 hay 9 phần không như ý. Nhưng không có nghĩa là chúng ta cứ phải sống trong đau khổ.
Có người từng nói: "Chuyện không thể trốn tránh hãy vui vẻ đối mặt. Thiên đường cũng chẳng sánh bằng một tâm hồn bình yên. Chuyện không như ý thì hãy nhẹ nhàng chấp nhận."
Ngày hôm qua không giống như mong muốn. Ngày mai không chắc sẽ diễn ra như những gì bạn kỳ vọng. Nhưng điều đó không có nghĩa là ngày hôm nay của chúng ta thật tồi tệ. Hãy tĩnh tâm sống ở hiện tại thay vì cứ khắc khoải về quá khứ hay lo lắng về tương lai. Hãy nhớ chúng ta buông bỏ đôi khi không phải vì tha thứ mà là vì để bảo vệ sự bình yên nơi trái tim.
Chúng ta sẽ không thể quyết định được mình sẽ gặp ai hay phải đối mặt với chuyện gì. Nhưng chúng ta vẫn luôn nắm trong tay quyền quyết định thái độ của mình khi đứng trước dòng đời. Chỉ khi ta ngừng than vãn để nhìn lại mình, chúng ta mới có thể tiến bộ lên từng ngày. Chỉ khi ta thôi trách móc mà chấp nhận thay đổi, ta mới thoát khỏi những vòng lặp trớ trêu của số phận. Đời là bể khổ nên hãy tự cứu lấy mình trước tiên. Bất chấp đời sẽ đối xử với ta ra sao, bạn vẫn có quyền mỉm cười khi đối diện với tất cả.
Pháp luật và Bạn đọc