Công thức tạo hàng hóa chất lượng cho chứng khoán Việt Nam
“Chúng ta cần phát triển những doanh nghiệp midcap để thành bluechip như những gì đã diễn ra trong những năm qua".
Một giám đốc phân tích bàn về câu chuyện tạo hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Những công ty giá trị tỷ USD lớn dần theo năm tháng
Chứng khoán Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đẩy số lượng những công ty giá trị tỷ USD trên thị trường ngày càng gia tăng. Song trong số đó, số đơn vị “đứng ngay ở vạch đích” không hề nhỏ khi những định chế tài chính hay tổng công ty có lợi thế về lượng cổ phần, tài sản nhà nước hoặc mô hình liên doanh với các đối tác nước ngoài.
Trong khi đó, số doanh nghiệp phát triển theo năm tháng trở thành công ty vốn hóa tỷ USD USD, thậm chí tạo lập hệ sinh thái quy mô tiệm cận 10 tỷ USD trên thị trường không nhiều.
Những trường hợp công ty tăng giá trị vốn hóa thêm hàng chục nghìn tỷ đồng, gấp nhiều lần thời điểm niêm yết có thể kể đến như FPT, Chứng khoán SSI, Tập đoàn hóa chất Đức Giang, Cơ điện lạnh REE, Gemadept. Những công ty này có xuất phát điểm khác nhau, có thể bắt đầu với vị thế nhỏ hơn trong ngành nhưng hiện đều là những doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực của họ.
Chẳng hạn với REE, một trong hai đơn vị đầu tiên niêm yết trên sàn HoSE, giá trị vốn hóa công ty tăng từ 451 tỷ đồng từ tháng 7/2000 lên gần 25.600 tỷ đồng đầu tháng 4/2024. Ông lớn ngành logistic Gemadept (HoSE: GMD) cũng đạt được sự tăng trưởng tương tự. Với quy mô lớn hơn, giá trị vốn hóa của FPT ghi nhận tại ngày 5/4/2024 gấp 6 lần thời điểm công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn - năm 2006.
Lên sàn tại thời điểm chứng khoán đang trong giai đoạn thăng hoa đón sóng Việt Nam gia nhập WTO, hiện vốn hóa của Tập đoàn FPT ghi nhận tăng vọt.
Bên cạnh tập đoàn mẹ, ghi nhận vào tuần đầu tháng 4/2024, nhiều đơn vị khác họ “F” trên sàn chứng khoán có quy mô vốn hóa lớn như FPT Telecom (28.073 tỷ đồng), FPT Retail (Công ty liên kết của Tập đoàn FPT, 20.164 tỷ đồng).
Đà tăng trưởng nhanh của các công ty trở thành những tổ chức đầu ngành không chỉ tạo giá trị cho giới chủ, cổ đông nắm giữ cổ phần mà còn tạo lập nguồn hàng hóa chất lượng cho những nhà đầu tư ngoại khi rót tiền đầu tư vào Việt Nam.
Thực tế đã chứng minh những doanh nghiệp trên luôn thu hút dòng tiền của các tổ chức nước ngoài. FPT cho biết luôn trong tình trạng kín “room” ngoại, và duy trì ngay trong giai đoạn khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam như hiện nay.
Công thức hình thành những tổ chức giá tỷ USD, hệ sinh thái hàng trăm nghìn tỷ đồng
Nếu quan sát những trường hợp trên, một điểm thú vị là việc xuất hiện đặc điểm tương đồng ở nhiều tổ chức, có thể đúc rút được thành những công thức.
Thứ nhất là mô hình kinh doanh ổn định tạo lượng tiền mặt khổng lồ. Việc các tổ chức duy trì tăng trưởng lợi nhuận tạo lượng tiền mặt lớn để công ty trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn cho các cổ đông trong những năm qua và nguồn lực tái đầu tư phát triển mô hình kinh doanh.
Thứ hai, nguồn lực tài chính vững vàng dựa trên lợi nhuận giữ lại giúp các đơn vị có cấu trúc tài chính lành mạnh để phát triển theo cả chiều sâu và chiều ngang khi cần “vươn vòi bạch tuộc” sang các lĩnh vực hoặc thị trường khác. Những thương vụ M&A liên tục được các hệ sinh thái trên thực hiện.
Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước như Đức Giang, SSI, REE hay Gemadept, FPT liên tục thực hiện mua bán sáp nhập những tổ chức trên khắp thế giới để mở rộng mô hình kinh doanh như tại Nhật, Mỹ, Nam Mỹ.
Mặc dù tăng trưởng nhanh, nhưng ban lãnh đạo của các công ty có khẩu vị thận trọng trong chiến lược kinh doanh. Ví dụ, nếu quan sát kỹ cho thấy các tổ chức lớn thường đặt kế hoạch kinh doanh khiêm tốn nhưng luôn hoàn thành và vượt với tỷ lệ cao.
Cuối cùng, đó là sự chuyển tiếp thế hệ để duy trì đà tăng trưởng. Đội ngũ lãnh đạo kế cận nhiệt huyết, nhạy bén đang dần thể hiện được vai trò dẫn dắt.
Cùng với chiến lược phát triển, đây chính là điểm tựa để nhà đầu tư kỳ vọng những đoàn tàu sẽ tiếp tục đi xa hơn và quan trọng hơn là việc nối dài thêm những toa, công thức từ midcap trở thành bluechip từ tập đoàn mẹ sẽ được nhân rộng để tạo nguồn hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đây là tia sáng khi thị trường chứng khoán Việt Nam cần nhiều hơn hàng hóa chất lượng khi câu chuyện nâng hạng từ cận biên lên mới nổi sắp được khai mở.
VTC