Công trình biểu tượng TPHCM có 'áo mới': Bến thuyền là điểm đến, chi tiết nhỏ nức lòng dân
Công viên bến Bạch Đằng trở thành điểm đến lý tưởng cho người dân thành phố. Gần đó, tượng đài Trần Hưng Đạo được trùng tu và lư hương đã về lại vị trí cũ.
Trong vài năm qua, nhiều công trình trọng điểm ở khu vực trung tâm TP.HCM như tượng đài Trần Hưng Đaọ, công viên bến Bạch Đằng , nhà thờ Đức Bà ... đã được đầu tư cải tạo, có nơi đã "lột xác" trở thành điểm đến hấp dẫn. Năm 2021, UBND UBND quận 1 đã báo cáo với UBND TP. HCM về phương án tu sửa, tôn tạo tượng Trần Hưng Đạo. Trải qua nhiều tháng trùng tu, hiện nay, tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo và công viên Mê Linh chính thức được đi vào hoạt động phục vụ nhu cầu thăm viếng, vui chơi giải trí cho người dân.
Xây dựng trước trước năm 1975, trải qua nhiều thập kỷ, tượng đài Trần Hưng Đạo đã có dấu hiệu xuống cấp. Sau khi được tu sửa, phần thân tượng đã được trát lại vữa mới, bơm xử lý các vết nứt bê tông, quét chống thấm, phù điêu và sơn bảo vệ.
Đồng thời, khu vực công viên Mê Linh rộng 5.704 m2 cũng được trùng tu. Qua quá trình cải tạo, nền công viên được thay toàn bộ bằng đá granite tự nhiên, 900m2 hồ nước đã được tháo dỡ lớp ốp lát cũ, xử lý chống thấm và lát lại đá granite tự nhiên. Ngoài ra, các loại cây bụi như lan rẻ quạt, lài ta, dứa vàng, lan chi, mai vạn phúc,... cũng được trồng quanh công viên.
Chiếc lư hương sau 3 năm di dời nay đã được an vị về chỗ cũ, nhiều người dân bày tỏ vui mừng, đồng tình. Anh Đức - thương nhân chợ Bến Thành cho biết: “Mỗi khi đi ngang công trường Mê Linh, tôi thường ghé vào thắp nén nhang cho vị Đức thánh Trần Hưng Đạo để tỏ lòng biết ơn”.
Nằm trong chuỗi công trình được đầu tư nhằm chỉnh trang lại khu vực trung tâm còn có công viên bến Bạch Đằng. Hiện tại, dự án đã hoàn thành cải tạo hơn 8.700m2 từ cột cờ Thủ Ngữ đến cầu tàu số 2. Toàn bộ công viên được lát lại đá, thảm cỏ được trồng nhằm tạo lối đi, lắp lan can ở các cầu tàu và bờ sông.
Công viên bến Bạch Đằng được nhiều bạn trẻ lựa chọn là điểm lý tưởng để vui chơi, ngắm cảnh,... vào mỗi dịp cuối tuần.
Nhà thờ Đức Bà (Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn) được xây dựng cách đây hơn 140 năm. Trải qua năm tháng, nhiều hạng mục xuống cấp, nơi này bắt đầu được trùng tu từ năm 2018.
Đến nay, giàn giáo hai bên nhà thờ hướng đường Hàn Thuyên và Nguyễn Văn Bình đã được tháo dỡ. Phần kiến trúc của nhà thờ dường như không thay đổi nhiều, chỉ có phần mái ngói được "thay áo mới" do trước khi trùng tu đã bị hư hỏng nghiêm trọng.
Hiện tại, công trình vẫn còn gần một nửa chưa hoàn thiện khi khu vực hướng ra đường Phạm Ngọc Thạch vẫn còn lắp kín khung sắt. Dự kiến đến cuối 2025, công trình sẽ hoàn thành.
Nằm ngay kế bên nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố có tuổi đời hơn 100 năm và được trùng tu vào năm 2014. Để có được “lớp áo” vàng nhạt như của hiện tại, nơi đây đã trải qua hơn 2 lần thay đổi.
Là điểm đến quen thuộc ở trung tâm TP.HCM, hồ Con Rùa có tên chính thức là Công trường Quốc tế (Q.3, TP. HCM) cũng nằm trong kế hoạch cải tạo, với mức kinh phí dự kiến khoảng 50 tỷ đồng.
Hiện tại, chất lượng đường đi dạo ở hồ Con Rùa đã xuống cấp nên việc cải tạo, chỉnh trang hồ sẽ được tiến hành sớm trong tương lai. Dự án cải tạo gồm 2 phần: cải tạo phần lõi trung tâm, hồ nước và cải tạo nâng cấp vỉa hè các tuyến đường xung quanh hồ Con Rùa như Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân, Võ Văn Tần… Dự kiến hồ Con Rùa sẽ được quy hoạch thành phố đi bộ “hạng sang” với vỉa hè được lát đá granite, tăng cường thêm cây xanh và hệ thống công nghệ ánh sáng khác biệt.
Trí Thức Trẻ