Công trình vi phạm tại Văn Miếu vẫn tồn tại bất chấp dư luận
Dù đã có chỉ đạo từ UBND Thành phố Hà Nội về việc các đơn vị liên quan phải giải quyết dứt điểm các công trình vi phạm tại Hồ Văn thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám trước ngày 10/10 nhưng cho đến nay, công trình vi phạm vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt".
- 02-02-2016Ai “tiếp tay” cho công trình vi phạm?
- 15-09-2014Sẽ không cắt điện, nước công trình vi phạm xây dựng?
- 16-05-2013Cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm số 53-55 phố Nhân Hòa
Trước đó, ngày 13/9 một số người dân lén lút chở vật liệu xây dựng vào gò Kim Châu-Hồ Văn thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám để xây dựng không phép điện thờ. Dù đã bị nhắc nhở nhưng tới đêm 13/9 một số người dân còn tổ chức hô thần nhập tượng, nhảy đồng tại đây.
Ngay khi nhận được báo cáo từ Sở VHTT, UBND thành phố Hà Nội đã giao Chủ tịch UBND quận Đống Đa chủ trì, phối hợp với Sở VHTT, Công an TP Hà Nội, Sở Xây dựng, Ban Tôn giáo thành phố xây dựng và thực hiện ngay phương án đảm bảo công tác an ninh, trật tự, giải quyết triệt để tình trạng xâm hại di tích, giải tỏa, chấm dứt hoạt động xây dựng trái quy định tại khu vực gò Kim Châu trong tháng 10/2016.
Khu vực vào Hồ Văn sau đó bị niêm phong, đóng cửa để giải quyết dứt điểm trước ngày 10/10/2016. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, sau hạn thực hiện đã quá 1 ngày, công trình xây dựng trái phép tại khu vực Hồ Văn vẫn tồn tại, chưa được trả lại nguyên trạng cho di tích.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, do lý do khách quan nên việc xử lý sai phạm tại đây bị chậm 2 ngày so với dự kiến. Theo ông Kiêu, UBND Phường Quốc Tử Giám đã thuê đơn vị thực hiện, xong đơn vị này chưa bố trí được lực lượng triển khai trong ngày 10/10. Vì vậy, ngày 12/10, các đơn vị sẽ triển khai xử lý.
"Ngày mai 12/10, UBND Phường Quốc Tử Giám phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý phá bỏ những công trình xâm phạm Hồ Văn thuộc khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nếu như người vi phạm không tự ý tháo dỡ", ông Kiêu cho biết.
Khu vực Hồ Văn cửa đóng then cài với thông báo cắt điện cắt nước nhưng nhiều người vẫn bắc thang vào một cách thoải mái
Theo ông Kiêu, lịch sử để lại khiến cho quá trình quản lý Hồ Văn gặp khó khăn. “Khu vực này bị chia cắt với Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám bởi con đường Quốc Tử Giám nên việc quản lý hết sức khó khăn. Nhiều người dân thoải mái đi vào di tích bằng cách bắc thang từ nhà xuống. Chưa kể, trong quá trình quản lý, khu vực Hồ Văn từng thuộc nhiều đơn vị khác quản lý như Công ty công viên cây xanh Hà Nội. Năm 2006, Hồ Văn mới được giao về Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Hiện nay, Trung tâm đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để giữ gìn, phát huy giá trị của khu vực Hồ Văn, trong đó, phải kết nối với di tích Văn Miếu, Quốc Tử Giám", ông Kiêu chia sẻ.
Khu vực Hồ Văn (Hồ Minh Đường) và dân gian thường gọi là hồ Giám nằm phía Nam, trước mặt Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Hiện nay diện tích hồ là 12.297 m2, giữa hồ có gò Kim Châu, trên gò dựng Phán Thủy đường (là nơi diễn ra các buổi bình văn thơ của nho sĩ kinh thành xưa). Theo ý đồ kiến trúc, đây vốn là "tiểu minh đường" của Văn Miếu, là một bộ phận khăng khít của toàn bộ công trình kiến trúc chung Văn Miếu, Quốc Tử Giám.
Vietnamnet