Công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế bán tháo và có thể xem xét “bắt đáy”
Theo số liệu Bloomberg, định giá P/E của VN-Index sau phiên giao dịch này 28/1 chỉ còn 16,6 lần, khá thấp so với mức P/E gần 20 cách đây 2 tuần và đỉnh P/E 22.x vào cuối quý 1/2018.
TTCK Việt Nam vừa trải qua những ngày giao dịch khá tồi tệ khi liên tiếp giảm sâu, "thổi bay" toàn bộ thành quả từ đầu năm. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 73,23 điểm (-6,67%) và đóng cửa tại 1.023,94 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay.
Với mức giảm lên tới 6,67%, VN-Index không chỉ xác lập kỷ lục giảm tại Việt Nam mà còn trở thành chỉ số chứng khoán "tệ" nhất Châu Á trong phiên 28/1. Phiên giao dịch này cũng khiến vốn hóa TTCK Việt Nam bị "thổi bay" 366.114 tỷ đồng (khoảng 15,8 tỷ USD).
Việc thị trường giảm sâu liên tiếp đã đưa định giá VN-Index trở nên hấp dẫn hơn. Theo số liệu Bloomberg, định giá P/E của VN-Index sau phiên giao dịch này 28/1 chỉ còn 16,6 lần, khá thấp so với mức P/E gần 20 cách đây 2 tuần và đỉnh P/E 22.x vào cuối quý 1/2018. Trong báo cáo mới được công bố, không ít CTCK đã đưa ra nhận định về việc nhà đầu tư nên hạn chế bán tháo và thậm chí có thể "bắt đáy".
P/E VN-Index đã trở nên hấp dẫn hơn
Theo Chứng khoán SHS, dựa trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index hiện đang trong sóng điều chỉnh 4 với mục tiêu theo kịch bản tiêu chuẩn là quanh ngưỡng 1.040 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng 3). Tuy nhiên, tình huống phiên 28/1 là tiêu cực hơn với ngưỡng hỗ trợ tiếp theo quanh 990 điểm (fibonacci retracement 50% sóng 3).
SHS đánh giá lượng dư bán giá sàn vẫn khá lớn nên có khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm, ít nhất trong là vào đầu phiên sáng 29/1. Nhưng sau đó, thị trường sẽ dần tạo lập được đáy của sóng điều chỉnh 4 như diễn biến tạo lập đáy sóng điều chỉnh 2 diễn ra vào cuối tháng 7/2020 sau khi BN416 tại Đà Nẵng được phát hiện và đưa tin vào trưa phiên giao dịch 27/7.
SHS cho rằng những nhà đầu tư đã bắt đáy một phần tỷ trọng danh mục quanh ngưỡng 1.040 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng 3) nên quan sát thị trường và có thể canh giải ngân thêm một phần danh mục nữa nếu có nhịp chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ 990 điểm (fibonacci retracement 50% sóng 3).
Trong khi đó, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường hiện đang rơi vào trạng thái hoảng loạn trước những thông tin tiêu cực và áp lực giải chấp vẫn đang hiện hữu. Với tình trạng dư bán sàn nhiều vào cuối phiên, động thái giải chấp sẽ tiếp tục vào phiên giao dịch tiếp theo (29/1). Do vậy áp lực giảm điểm vẫn còn nhưng dòng tiền có thể sẽ có động thái tích cực "bắt đáy" khi VN-Index tiếp tục giảm sâu.
VDSC khuyến nghị nhà đầu tư tạm thời nên tránh bán tháo ở vùng giá thấp trong phiên giao dịch 29/1 nếu trạng thái danh mục chưa quá rủi ro, đồng thời có thể xem xét "bắt đáy" tại một số cổ phiếu Bluechips hoặc cổ phiếu có cơ bản tốt và đã lùi về vùng hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn. VDSC dự báo VN-Index có thể hồi phục trở lại sau khi chạm ngưỡng 988 điểm.
Chung quan điểm, CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho rằng VN-Index sẽ có thêm nhịp lao dốc trong phiên cuối tuần và thử thách vùng hỗ trợ trung hạn tại 960-980 trước khi có thể cho phản ứng hồi phục. KBSV khuyến nghị nhà đầu tư duy trì vị thế trung hạn, nâng dần tỷ trọng của các vị thế ngắn hạn khi chỉ số lùi xuống vùng hỗ trợ đã đề cập.
CTCK MBS cho rằng về mặt kỹ thuật, phiên giảm mạnh 28/1 như cú "đạp bồi" xác nhận thị trường rơi ra khỏi vùng tích lũy trong hơn một tuần vừa qua. Tuy vậy, khả năng thị trường cũng sẽ có những phiên hồi kỹ thuật trong các phiên sắp tới, nếu lực cầu bắt đáy vẫn được duy trì ở mức cao thì cơ hội hồi phục sẽ đến sớm, ngược lại dòng tiền "thờ ơ" thì nhà đầu tư nên chuẩn bị kịch bản thận trọng hơn.