Công ty chứng khoán vốn ngoại hoạt động ra sao?
Với nguồn vốn giá rẻ từ các công ty mẹ, các CTCK ngoại đưa ra các chính sách margin và phí giao dịch hấp dẫn khiến cuộc đua thị phần ngày trở nên gay gắt hơn. Bên cạnh đó, các các công ty cũng có cuộc đua về đầu tư cơ sở công nghệ, nâng cấp hạ tầng.
Năm 2013, Maybank KimEng (MBKE) trở thành CTCK ngoại đầu tiên tại Việt Nam có 100% vốn ngoại. Tiếp sau đó là Chứng khoán Shinhan sau khi Shinhan Investment Corporation (Hàn Quốc) sở hữu 100% vốn Chứng khoán Nam An (NASC) vào năm 2015, Mirae Asset Việt Nam (MASC) cũng chuyển đổi sang mô hình 100% vốn nước ngoài vào năm 2015 khi công ty mẹ Mirae Asset Wealth Management (HK) Limited mua nốt 51% cổ phần của CTCK này từ 2 cổ đông lớn khác.
Nhiều công ty chứng khoán 100% vốn ngoại khác cũng xuất hiên như Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), Chứng khoán Goutai Junan Việt Nam (IVS)...
Ngay sau khi xuất hiện hay chuyển đổi sang mô hình 100% vốn ngoại, các CTCK này bắt đầu tái cơ cấu và điểm đầu tiên đó là tăng vốn nhằm gia tăng nguồn lực để tham gia hầu hết vào các mảng kinh doanh như môi giới, tự doanh, phái sinh....
Làn sóng tăng vốn của các CTCK ngoại diễn ra vào thời điểm 2017 - 2021. Điền hình như Mirae Asset từ mức vốn điều lệ chỉ 700 tỷ đồng (2017) thì hiện đã tăng lên 5.456 tỷ đồng. KBSV cũng tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 1.675 tỷ đồng. Vốn điều lệ của KIS hiện nay cũng là 3.761 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức chỉ 263 tỷ đồng hồi năm 2013. MBKE cũng tăng vốn từ chỉ 300 tỷ đồng (năm 2013) và hiện lên 1.745 tỷ đồng.
Với nguồn vốn giá rẻ từ các công ty mẹ, các CTCK ngoại đưa ra các chính sách margin và phí giao dịch hấp dẫn khiến cuộc đua thị phần ngày trở nên gay gắt hơn. Bên cạnh đó, các các công ty cũng có cuộc đua về đầu tư cơ sở công nghệ, nâng cấp hạ tầng.
Quý II/2018, MASC trở thành công ty chứng khoán 100% vốn ngoại đầu tiên lọt top 10 thị phần môi giới sàn HoSE. Tương tự, các cái tên như Chứng khoán KIS hay KBSV cũng dần góp mặt trong danh sách này. Đây có thể coi là bước đầu thành công của nhóm CTCK vốn ngoại.
CTCK vốn ngoại còn nhiều việc để làm
Dù có một số lợi thế nhất định nhưng khối CTCK ngoại lại gặp một số bất lợi đó là khó có thể am hiểu thị trường Việt Nam bằng các CTCK nội. Hơn nữa, nhiều CTCK nội với thị phần vượt trội hơn phần còn lại. Trong top đầu về thị phần môi giới luôn là những cái tên lâu đời trong nước như Chứng khoán SSI (HoSE: SSI), Chứng khoán TP HCM (HSC: HoSE: HCM), Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) và mới đây là VPS.
Về kết quả kinh doanh tính trên số tuyệt đối hay hiệu quả sử dụng vốn, vẫn có khoảng cách khá lớn giữa 2 nhóm CTCK.
Trước khi trở thành 100% vốn ngoại, MASC kinh doanh không mấy nổi bật. CTCK này có lợi nhuận khoảng dưới 10 tỷ đồng, thậm chí có năm còn thua lỗ như thời điểm 2013 hay 2014. Tuy nhiên, khoảng thời gian từ 2017 đến 2020, lợi nhuận sau thuế liên tục duy trì ở mức trên 100 tỷ đồng. Dù vậy, kết quả kinh doanh của MASC đang có sự chững lại khi quý II/2021, đơn vị này ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 3% so với cùng kỳ dù thị trường chứng khoán quý II vẫn tăng trưởng rất mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản.
Tương tự là trường hợp của KIS khi lợi nhuận liên tục trồi sụt nhưng trong 2 năm trở lại đây bắt đầu ổn định hơn với trên 100 tỷ đồng mỗi năm.
Lợi nhuận sau thuế các năm của các CTCK kinh doanh có lãi trong năm 2020. Đơn vị: tỷ đồng.
Trong khi đó, còn nhiều đơn vị vốn ngoại khác kinh doanh không thực sự nổi trội. Yuanta, Shinhan, FUNAN... chỉ lãi sau thuế khoảng vài chục tỷ đồng bất chấp 2020 là năm bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thậm chí, chứng khoán SJC, RHB Việt Nam hay Pinetree còn thua lỗ bất chấp sự tích cực cả về chất và lượng của thị trường chứng khoán.
Lợi nhuận sau thuế các năm của các CTCK kinh doanh thua lỗ trong năm 2020. Đơn vị: tỷ đồng. |
Khi mới ra nhập thị trường Việt Nam, các CTCK ngoại đều tự tin vì có sự hậu thuẫn lớn của các tập đoàn tài chính lớn. Tuy nhiên, dường như bộ máy mới của nhiều ông chủ nước ngoài chưa thể hiện được khả năng tạo ra hiệu quả. Điển hình như trường hợp của Chứng khoán Golden Bridge Việt Nam đã bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động do quá thời hạn đình chỉ hoạt động mà công ty không khắc phục được tình trạng và có lỗ gộp đạt mức trên 50% vốn điều lệ.
Người Đồng Hành