Công ty có tới 189 phụ nữ mang thai, bà chủ được ví như "Bồ tát sống": Cảnh sát vào cuộc, 12 người bị bắt
Các sản phụ sau khi được tuyển dụng sẽ không phải đi làm, không cần tới công ty nhưng vẫn được nhận về một khoản tiền.
- 16-04-2024Mẹ bầu Chu Thanh Huyền kể khổ khi mang thai: Tăng 10 cân, mặt phá nét, đi bộ mà mệt như chạy cả cây số, tủi thân vì điều gì?
- 14-04-2024Từng giấu việc mang thai, 9h tối mới ra đường, Á hậu này giờ làm mẹ cực khéo: Tiết lộ 3 quy tắc dạy con an toàn được khen
- 02-04-2024Giữa lúc bị khui chuyện hẹn hò và đang mang thai, Hoàng Thuỳ Linh từng nói gì về việc kết hôn?
Vào cuối năm 2022, Cục bảo vệ sức khỏe thành phố Đại Dã, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc khi kiểm tra đã phát hiện một công ty có dữ liệu nhân sự rất đáng ngờ. Họ có 221 nhân viên, trong đó 189 người là phụ nữ đang mang thai.
Công ty trong căn phòng 10 mét vuông
Vào tháng 4 năm 2023, Công an thành phố đã mở cuộc điều tra công ty. Theo địa chỉ đăng ký của công ty trên hồ sơ, lực lượng chức năng đã tìm đến tận trụ sở chính. Nhìn từ bên ngoài khó có thể tưởng tượng đây là một công ty có hơn 200 nhân viên. Toàn bộ “công ty” nằm trong căn phòng chỉ khoảng 10 mét vuông và không có ai làm việc bên trong.
Để làm rõ sự việc, cảnh sát tìm đến những người nhân viên của công ty. Một trong số họ là Kỷ Hoa. Cô nói với cảnh sát rằng mình chưa bao giờ làm việc trong công ty và thậm chí còn không biết rằng có một công ty như vậy tồn tại. Nhưng có người đã đăng ký bảo hiểm đặc biệt cho cô và hoàn trả cho cô 4.000 NDT (khoảng 14 triệu đồng) chi phí y tế trong quá trình sinh nở.
Theo hồi ức của Kỷ Hoa, sau khi sinh đứa con đầu lòng, cô không thể tìm được việc làm, sau đó lại mang thai đứa con thứ hai. Cô cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến việc sinh con sẽ tốn một khoản chi phí lớn. Nhưng vào khoảng tháng 10/2020, một “vận may” đã đến với cô. Trên đường đi khám thai về, cô gặp người đàn ông là lão Dương.
Sau khi biết cô có thai, lão Dương nói với cô rằng để khuyến khích sinh con, nhà nước đã đưa ra chính sách giúp đỡ phụ nữ mang thai đóng bảo hiểm miễn phí, sau khi cô sinh đứa bé sẽ được nhận tiền. Lão Dương là người lớn tuổi và có tiếng tại địa phương, do đó Kỷ Hoa không hề nghi ngờ lời nói của hắn.
Dưới sự giới thiệu của lão Dương, cô gặp một người phụ nữ tên Kiều Vi Vi, chủ sở hữu của Công ty Nhân sự Hòa Thuận. Người này hỏi Kỷ Hoa thông tin chi tiết rồi giúp cô đăng ký bảo hiểm. Khi Kỷ Hoa sinh con, Kiều Vi Vi chạy tới chạy lui ở bệnh viện để hỗ trợ, sau đó đưa cho cô khoản tiền 4.000 NDT.
Việc làm của Kiểu Vi Vi khiến cô trở thành "Bồ tát sống" trong mắt phụ nữ mang thai như Kỷ Hoa. Vì nhận được sự giúp đỡ, những sản phụ này đã mất cảnh giác. Họ thậm chí chưa từng nghĩ tới “tại sao có chuyện tốt đến như vậy? Nếu không phải đi làm và đóng bảo hiểm cho mình thì công ty này kiếm tiền bằng cách nào?”
Điều mà Kỷ Hoa không biết là cô có thể kiếm được nhiều hơn, và đây mới là mục đích thực sự của Kiều Vi Vi khi giúp đỡ cô.
Vén màn sự thật
Sau khi cảnh sát điều tra sâu, họ phát hiện ra rằng hầu hết phụ nữ mang thai được Công ty Hòa Thuận đóng bảo hiểm đều là phụ nữ đến từ các vùng nông thôn và trình độ học vấn nhìn chung thấp. Mặc dù trên danh nghĩa họ là nhân viên của công ty nhưng họ vẫn chưa ký bất kỳ hợp đồng lao động nào.
Điểm chung là họ đều được công ty đóng bảo hiểm... và "bị sa thải" sau 8 tháng sinh con. Trong thời gian này, tất cả họ đều được công ty nộp đơn xin trợ cấp thai sản trị giá 18.000 NDT (khoảng 63 triệu đồng).
Khoản trợ cấp thai sản mà Kiểu Vi Vi nhận về tổng cộng hơn 2 triệu NDT (khoảng 7 tỷ đồng). Phần lớn số tiền này không được trao cho bà bầu. Giống như Kỷ Hoa, các “nhân viên” của công ty Hòa Thuận chỉ nhận được 4.000 NDT. Số tiền còn lại rơi vào túi riêng của Kiều Vi Vi.
Cảnh sát đã nhanh chóng bắt giữ đối tượng. Theo lời khai, cô từng làm việc trong lĩnh vực nhân sự và nắm rõ các chính sách, thủ tục liên quan. Sau khi tìm hiểu về chính sách trợ cấp thai sản, người này đã nảy ra ý tưởng thành lập công ty để kiếm lợi từ chính sách dành cho các bà bầu.
Để tránh bị tố giác, Kiều Vi Vi lựa chọn những người phụ nữ ở nông thôn, không được học hành nhiều và ký thỏa thuận bảo mật. Sau khi ký thỏa thuận, họ không những không dám làm trái ý của Kiều Vi Vi mà còn lo lắng về việc bị cô ta yêu cầu bồi thường ngược lại.
Lão Dương khai rằng cháu gái của ông đang mang thai, nhờ đó ông biết tới Kiều Vi Vi. Ông cho rằng các sản phụ không đi làm mà có thể được hoàn trả chi phí y tế là một điều tốt. Vì vậy, ông giới thiệu nhiều người đến với Kiều Vi Vi hơn. Cô ta hứa sẽ trả “hoa hồng” cho ông nếu giới thiệu được một phụ nữ mang thai.
Tuy nhiên, công ty này mới thành lập được hai năm, một mình Kiều Vi Vi khó có thể đạt đến quy mô như vậy. Rõ ràng có một băng nhóm đứng đằng sau. Cuối cùng, sau thời gian điều tra, Kiều Vi Vi cùng 11 người trung gian, trong đó có lão Dương bị cảnh sát bắt giữ. Vụ án gây xôn xao dư luận Trung Quốc vì hành vi lừa đảo quá tinh vi và tàn nhẫn.
Đời sống & pháp luật