MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty đa cấp Everrichs Global “ỉm khiếu nại” để rút tiền ký quỹ?

02-06-2016 - 13:04 PM | Doanh nghiệp

Ngày 2/6/2016 là ngày Công ty CP Everrichs Global được rút tiền ký quỹ nếu không có khiếu nại. Vậy công ty này đã hoàn thành hết các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp?

Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội đã nhận được thông báo của Công ty CP Everrichs Global (trụ sở cũ tại số 45 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đơn đề nghị xin giải tỏa tiền ký quỹ của công ty tại ngân hàng.

Ngày 22/4/2016, Sở Công Thương Hà Nội đã ra thông báo về tình trạng của công ty để người tham gia bán hàng đa cấp biết đến làm các thủ tục liên quan đến quyền lợi của mình nếu Công ty CP Everrichs Global chưa thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đến hết ngày 2/6, nếu Sở Công Thương Hà Nội không nhận được thông báo của người tham gia bán hàng đa cấp về việc này, Everrichs Global được coi là đã hoàn thành các nghĩa vụ, được giải tỏa tiền ký quỹ theo quy định.

Từ lá đơn kiến nghị đến công văn trả lời của Everrichs Global

Sau 2 ngày Sở Công Thương Hà Nội đăng thông báo, ngày 26/4/2016, báo nhận được đơn của bà D.T.H.N (người được bà Doãn Thị Hoa, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Thị Thành, Chu Thị Tâm) ủy quyền kiến nghị và yêu cầu Công ty CP Everrichs Global phải thực hiện các quyền lợi cho các bà với tư cách là các nhà phân phối của công ty.

Trong nội dung đơn, các bà đã nêu một loạt khó khăn trong quá trình thanh lý hợp đồng và cho biết đã nộp đầy đủ tất cả “giấy tờ gốc như hợp đồng nhà phân phối, phiếu thu tiền mặt, giấy nhận tiền, phiếu nợ sản phẩm…” và được hứa hẹn sẽ trả quyền lợi nhưng không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Phóng viên đã liên hệ với ông Lưu Văn Khánh – Chủ tịch HĐQT của Everrichs Global để làm rõ nội dung phản ánh của bà N.

Ngày 28/5/2016 vừa qua, (sau gần 1 tháng) ông Lưu Văn Khánh mới có công văn trả lời đề ngày 9/5/2016.

Trong công văn trả lời, có nêu:“Về thông tin các nhà phân phối nêu trên đều nộp đơn xin thanh lý hợp đồng và được ban lãnh đạo công ty cho phép lấy lại tiền là không chính xác.

Cụ thể phòng pháp chế của công ty nhận được các đơn thanh lý hợp đồng tại các thời điểm sau: Doãn thị Hoa nhận đơn ngày 20/05/2015, Nguyễn Thu Trang nhận đơn ngày 21/05/2016, Nguyễn Thị Thành nhận đơn ngày 05/03/2015, Chu Thị Tâm nhận đơn ngày 22/05/2015.

Căn cứ vào thời gian nhận đơn đều thể hiện các hợp đồng trên đã quá thời hạn thanh lý từ rất lâu. (Các hợp đồng ký tháng 11 và 12/2014) Mặt khác các đơn trên chỉ được giám đốc Miền Bắc của công ty lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Trinh ký tiếp nhận và xử lý.

Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Trinh không phải là người có quyền quyết định thanh lý hợp đồng của nhà phân phối. Do vậy việc nhà phân phối phản ánh trong đơn được ban lãnh đạo công ty cho phép thanh lý là thông tin sai lệch”.

Công văn còn nhấn mạnh :“Căn cứ Nghị Định 42/2014/NĐ-CP về việc quản lý và hướng dẫn hoạt động bán hàng đa cấp.

Thời hạn cho phép để được giải quyết việc thanh lý hợp đồng và mua lại sản phẩm hàng hóa tối đa là 30 ngày kể từ ngày tham gia ký kết hợp đồng và mua sản phẩm, đối với các nhà phân phối nêu trên đều đã quá thời hạn được phép thanh lý hợp đồng và trả lại sản phẩm...”

Everrichs Global “mập mờ” trong việc giải quyết thanh lý hợp đồng?

Qua đơn phản ánh của bà N và công văn “giải trình” của ông Lưu Văn Khánh đã có rất nhiều điểm mà dư luận đang đặc biệt quan tâm.

Bởi khoản 1 Điều 25 Nghị Định 42/2014/NĐ-CP quy định việc chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp có nêu:

“ Người tham gia bán hàng đa cấp có quyền chấm dứt hợp đồng tham gia bằng việc gửi thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp trước khi chấm dứt hợp đồng tối thiểu là 10 ngày làm việc".

Trong khi đó, trong công văn trả lời, ông Khánh chỉ nêu chung chung căn cứ theo Nghị Định 42/2014/NĐ-CP mà không chỉ ra được điều khoản nào quy định “Thời hạn cho phép để được giải quyết việc thanh lý hợp đồng và mua lại sản phẩm hàng hóa tối đa là 30 ngày kể từ ngày tham gia ký kết hợp đồng và mua sản phẩm” và thực tế cho thấy không có dòng nào trong Nghị định quy định như vậy.

Rõ ràng, cách hành xử và giải thích của lãnh đạo Công ty CP Everrichs Global đang vi phạm pháp luật và lý do “quá thời hạn thanh lý hợp đồng” là không có cơ sở.

Tại khoản 5 Điều 26 Nghị Định 42/2014/NĐ-CP quy định mua lại hàng hóa từ người tham gia bán hàng đa cấp nêu rõ:

“Sau khi hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp chấm dứt, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mua lại hàng hóa đã bán cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này".

Có nghĩa là doanh nghiệp phải có trách nhiệm mua lại hàng hóa đã bán cho người tham gia, còn việc mua lại với giá trị còn lại như thế nào thì tùy từng trường hợp cụ thể để thống nhất việc mua lại.

Tuy nhiên bà N cho biết, tất cả 4 người chỉ nộp tiền mà chưa một lần lấy sản phẩm, trong đơn cũng nêu rõ việc Everrich Global còn “ nợ sản phẩm”.

Dư luận đặt câu hỏi phải chăng Everrich Global đã thu hút đầu tư tài chính trái phép núp bóng bán hàng đa cấp? Đồng thời dùng chiêu “lách Nghị Định” để từ chối việc hoàn lại tiền cho người dân?

Theo nguồn tin riêng của PV thì Everrichs Global đã “bất ngờ” chi trả lại cho chị N số tiền 110 triệu đồng (tổng tiền đã nộp là 260.700.000đ) trong khi đó, công ty vẫn chưa mời chị lên làm thanh lý hợp đồng.

Dư luận đặt câu hỏi, tại sao suốt một thời gian dài khi người dân yêu cầu hoàn trả tiền thì không được Everichs Global chấp nhận?

Tại sao đến thời điểm này lại bất ngờ trả một phần tiền? Phải chăng Everichs Global muốn “ỉm” việc khiếu nại để được rút tiền ký quỹ khi mà thời hạn xử lý đã đến gần?

Báo đề nghị Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu Công ty CP Everrichs Global giải trình và giải quyết dứt điểm các tồn đọng trước khi cho rút tiền ký quỹ.

Các lãnh đạo công ty này sử dụng chiêu “bình mới rượu cũ” như thế nào,và mối liên hệ giữa công ty CP Everrichs Global với Công ty CP Everrichs đang hoạt động tại 148 Hoàng Quốc Việt là gì, chúng tối sẽ thông tin đến độc giả trong kỳ tiếp theo.

Theo Trúc Linh

Diễn đàn Doanh nghiệp

Trở lên trên