MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty đầu tư 1.000 tỉ giải cứu nhà máy sô đa ở Quảng Nam "kêu cứu"

Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Thương mại Tân Tiến có đơn gửi tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng "kêu cứu".

Ngày 19-7, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh kiểm tra, giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Thương mại Tân Tiến.

Trước đó, Công ty Tân Tiến có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS và Cục THADS tỉnh Quảng Nam.

Công ty đầu tư 1.000 tỉ giải cứu nhà máy sô đa ở Quảng Nam

Công ty đầu tư 1.000 tỉ giải cứu nhà máy sô đa ở Quảng Nam

Nhà máy Sô đa Chu Lai

Trong công văn, Công ty Tân Tiến cho biết DN này là cổ đông chiếm 50% cổ phần tại Công ty CP Sản xuất Sô đa Chu Lai, đồng thời là nhà đầu tư, hợp tác với Công ty Sô đa Chu Lai để vận hành, sản xuất và kinh doanh Nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Công ty Sô đa Chu Lai được cấp phép, vay tiền ngân hàng để xây dựng nhà máy từ năm 2010, nhưng không thể hoạt động được do chưa đủ điều kiện về môi trường, không đảm bảo về kỹ thuật, trang thiết bị máy móc thiếu, không đồng bộ và không có nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất.

Tháng 2-2018, Nhà máy Sô đa Chu Lai không hoạt động, Công ty Sô đa Chu Lai không có nguồn trả nợ, gây thất thoát tiền vốn vay nên ngân hàng đã khởi kiện Công ty Sô đa Chu Lai để thu hồi khoản nợ hơn 2.200 tỉ đồng. Sau đó, các bên đã thống nhất tại quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 01/2018/QĐST-KDTM, ngày 9-2-2018 của TAND tỉnh Quảng Nam.

Công ty đầu tư 1.000 tỉ giải cứu nhà máy sô đa ở Quảng Nam

Nhà máy Sô đa Chu Lai gặp khó vì hàng hóa là nguyên liệu sản xuất bị kê biên

Sau khi có quyết định trên, ngân hàng và Công ty Sô đa Chu Lai mời Công ty Tân Tiến tham gia tiếp tục xây dựng, vận hành nhà máy.

Từ tháng 4-2018, Công ty Tân Tiến đã đầu tư vào nhà máy hơn 1.000 tỉ đồng để sửa chữa nâng cấp trang thiết bị, xây dựng thêm nhiều công trình. Tháng 8-2021, khi nhà máy vận hành thử nghiệm đạt, Công ty Sô đa Chu Lai đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Tân Tiến để tiếp tục đầu tư vào nhà máy.

Tháng 6-2022, các bên tiếp tục thống nhất trên cơ sở tự nguyện thi hành án và đã ra "Biên bản Thỏa thuận thi hành án". Theo thỏa thuận, Công ty Tân Tiến được quyền triển khai hoạt động, quản lý nhà máy 21 năm, đồng thời được bàn giao đầy đủ trang thiết bị, nguyên liệu sản xuất và có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, khi nhà máy đi vào vận hành thì gặp vướng mắc do toàn bộ hàng hóa là nguyên liệu sản xuất có giá trị trên 231,8 tỉ đồng đã bị Cục THADS tỉnh Quảng Nam kê biên trước đó (tháng 3-2022).

Sau nhiều lần họp bàn tháo gỡ giữa các bên, gồm người phải thi hành án, người được thi hành án và người có quyền lợi nghĩa vụ cũng như các bên liên quan, đều thống nhất yêu cầu Cục THADS tỉnh Quảng Nam sớm kê biên và giao nhà máy cho Công ty Tân Tiến duy trì, vận hành sản xuất.

Tuy nhiên, Công ty Tân Tiến cho biết đã nhiều lần đốc thúc Cục THADS tỉnh Quảng Nam nhưng chấp hành viên không thực hiện.

Vì vậy, Công ty Tân Tiến đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Tư pháp và Tổng Cục THADS chỉ đạo Chấp hành viên và Cục THADS tỉnh Quảng Nam thực hiện việc kê biên toàn bộ tài sản của Nhà máy Sô đa Chu Lai để đảm bảo quyền và lợi ích của công ty.

Theo Trần Thường

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên