MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty lớn nhất ngành nông nghiệp C.P Việt Nam mua 5,4 triệu cổ phiếu FMC (Fimex) từ Tập đoàn PAN

13-10-2021 - 09:15 AM | Doanh nghiệp

Công ty lớn nhất ngành nông nghiệp C.P Việt Nam mua 5,4 triệu cổ phiếu FMC (Fimex) từ Tập đoàn PAN

Đây là khẳng định của Chủ tịch Fimex, ông Hồ Quốc Lực với giới truyền thông.

Ngày 12/10, CTCP Tập đoàn Pan (PAN) đã bán ra 5,4 triệu cổ phiếu CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex – FMC), tương ứng 9,17% vốn điều lệ như đăng ký trước đó. Đây là giao dịch chuyển nhượng cho đối tác, được thực hiện theo phương thức thoả thuận. Nhiều cổ đông nội bộ của FMC cũng bán ra.

Giao dịch thành công sẽ giảm tỷ lệ sở hữu của PAN tại Fimex từ 51,12% xuống còn 41,95%. Tuy vậy PAN vẫn nắm quyền chi phối của Fimex do một công ty con khác là Aquatex Bến Tre (ABT) cũng đang sở hữu 13,75% cổ phần.

Chủ tịch Fimex, ông Hồ Quốc Lực chia sẻ truyền thông rằng bên nhận chuyển nhượng cổ phần Fimex là CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam. 

Công ty lớn nhất ngành nông nghiệp C.P Việt Nam mua 5,4 triệu cổ phiếu FMC (Fimex) từ Tập đoàn PAN - Ảnh 1.

C.P Việt Nam là công ty trực thuộc CP Pokphan (CPP), hiện đang niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán Hong Kong. Tuy nhiên, công ty mẹ CP Pokphand Foods (CPF) tại Thái Lan hiện đang muốn huỷ niêm yết CPP nhằm thực hiện các kế hoạch dài hạn. 

CPF cho biết "việc huỷ niêm yết sẽ cho phép CPFI và CPP đưa ra các quyết định chiến lược tập trung vào tăng trưởng và lợi ích dài hạn, không bị áp lực bởi kỳ vọng thị trường và giá cổ phiếu phát sinh từ việc CPP là một công ty đại chúng".

Bản thân C.P Việt Nam là công ty nông nghiệp lớn nhất Việt Nam và cũng thuộc hàng những công ty FDI có lợi nhuận tốt nhất trong những năm qua. Năm 2020, C.P Việt Nam thậm chí có lãi gần 1 tỷ USD.

Trong nửa đầu năm nay, doanh thu của C.P Việt Nam xấp xỉ 1,86 tỷ USD. Về cơ cấu, mảng thức ăn chăn nuôi đóng góp 28,1% trên tổng doanh thu; mảng chăn nuôi và thực phẩm đóng góp 71,9%. 

Sản lượng bán thức ăn chăn nuôi tăng 8,3% đạt 0,85 triệu tấn; doanh thu tăng 20,6% lên 525 triệu USD. Tỷ trọng thức ăn cho heo, gia cầm, thuỷ sản lần lượt chiếm 33,8%, 17,3% và 47,3%. Bênh cạnh thức ăn cho heo phục hồi nhờ nhu cầu, thức ăn thuỷ sản tăng trưởng vững chắc do nông dân nuôi tôm nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Mặt khác, đại dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu về thức ăn gia cầm.

Tổng hợp mảng chăn nuôi và thực phẩm ghi nhận doanh thu 1,341 tỷ USD, tăng 8,1%. Chăn nuôi heo đóng góp tỷ trọng chính trong cơ cấu của CP Việt Nam với giá bán trung bình 74.300 đồng, giảm 4,5% so với nửa đầu năm 2020.

Quay trở lại với Fimex, doanh thu 9 tháng đầu năm của công ty đạt 155 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Giống như nhiều doanh nghiệp, Fimex cũng chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch COVID-19 tại khu vực phía Nam, áp dụng 3 tại chỗ và sản xuất thu hẹp khiến công xuất giảm xuống chưa đầy 40%. 

Hứa Vân

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên