Công ty mẹ lãi kỷ lục hơn 9.500 tỷ nhưng lợi nhuận hợp nhất của SCIC về thấp nhất 10 năm do khoản lỗ của Vietnam Airlines
Tính đến 31/12/2021, danh mục của SCIC có 145 doanh nghiệp với vốn hóa thị trường của danh mục đạt trên 200.000 tỷ đồng (khoảng trên 8,6 tỷ USD).
- 04-04-20224 đề xuất mới của SCIC với Chính phủ về đầu tư và cơ chế đặc thù cho "sếu đầu đàn" Nhà nước
- 19-01-2022Tâm điểm đầu tư của SCIC năm 2022: Cổ phiếu ngân hàng và hạ tầng
- 28-12-2021SCIC dồn dập bán vốn cuối năm nhưng 3 thương vụ giới đầu tư mong chờ nhất lại "lỡ hẹn"
Theo BCTC hợp nhất, năm 2021, tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đạt 7.714 tỷ đồng doanh thu, giảm 2,5% so với năm 2020. Trong đó phần lớn doanh thu đến từ doanh thu cổ tức và lợi nhuận được chia đạt 4.341 tỷ đồng, doanh thu bán vốn đạt 1.933 tỷ đồng, doanh thu từ lãi tiền gửi, lãi trái phiếu đạt 1.430 tỷ đồng và doanh thu cho thuế BĐS và khác đạt 9,6 tỷ đồng.
Do được hoàn lại dự phòng giảm giá đầu tư 3.351 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của SCIC đạt 10.119 tỷ đồng, tăng gần 50% năm 2020. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của SCIC cũng đạt 9.589 tỷ đồng, tăng 46,6%. Tuy nhiên do khoản lỗ từ công ty liên liên kết 5.959 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế năm 2021 của SCIC chỉ đạt 3.628 tỷ đồng, giảm 45% so với năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay.
Trong khi đó, trên báo cáo tài chính riêng công ty mẹ, SCIC đạt 9.572 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - là mức kỷ lục từ trước đến nay, nhỉnh hơn một chút so với mức 9.523 tỷ của năm 2018.
SCIC hiện nay có 1 công ty con là công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (100%) và 7 công ty liên kết CTCP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (47,63%); CTCP Cảng quốc tế Lào – Việt (27,03%); CTCP Đầu tư SCIC – Bảo Việt (50%); CTCP Tháp Truyền hình Việt Nam (33%); CTCP Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam (30%); CTCP Thuốc ung thư Benovas (29%); Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (31,14%).
Trong đó, tháng 9/2021 SCIC đã đầu tư 6.895 tỷ đồng để mua cổ phần tăng vốn điều lệ tại Vietnam Airlines. Đến thời điểm lập báo cáo hợp nhất, Vietnam Airlines chưa cung cấp cho SCIC báo cáo tài chính hợp nhất cho năm 2021 nên SCIC đã sử dụng số liệu của quý 3/2021 của Vietnam Airlines.
Tại thời điểm cuối quý 3/2021, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines chỉ còn 1.475 tỷ đồng - tương ứng giá trị thuần mà SCIC ghi nhận theo tỷ lệ sở hữu là 457 tỷ đồng. Trong quý 4, Vietnam Airlines lỗ thêm hơn 1.100 tỷ dẫn đến vốn chủ chỉ còn 507 tỷ đồng đồng nghĩa SCIC sẽ phải ghi nhận giảm thêm hơn 300 tỷ lợi nhuận.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 của Vietnam Airlines thì lũy kế cả năm 2021, hãng hàng không này lỗ sau thuế 13.338 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 12.966 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của SCIC đạt 57.691 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2020. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm phần lớn lên đến 44.650 tỷ đồng, chiếm 77,4% cơ cấu tài sản và các khoản đầu tư tài chính dài hạn là 12.399 tỷ đồng, chiếm 21,5%. Lợi nhuận chưa phân phối của SCIC âm 4.499 tỷ đồng trong khi đến cuối năm 2020 vẫn dương 1.482 tỷ đồng.
Về công tác tiếp nhận và quản trị vốn, tính đến 31/12/2021, danh mục của SCIC có 145 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 46.542 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 147.649 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường của danh mục đạt trên 200.000 tỷ đồng (khoảng trên 8,6 tỷ USD).
Về công tác bán vốn, đến 31/12/2021, SCIC đã thực hiện công bố thông tin bán vốn tại 10 doanh nghiệp, trong đó đấu giá thành công tại 06 doanh nghiệp. Tại buổi làm việc với Đoàn chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Chủ tịch HĐTV SCIC Nguyễn Chí Thành cho biết, trong hơn 16 năm vừa qua, SCIC đã tiếp nhận và thoái vốn thành công tại hơn 1000 doanh nghiệp và sẽ tiếp tục thoái vốn trong thời gian tới.
Về công tác đầu tư, trong năm 2021, SCIC đã tập trung chuẩn bị cho việc triển khai chiến lược đầu tư, kinh doanh vốn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. SCIC đã rà soát, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ một số vướng mắc về hoạt động đầu tư như: Thẩm quyền ra quyết định đầu tư của Hội đồng thành viên; Cách thức theo dõi, đánh giá đối với các khoản đầu tư để thực hiện nhiệm vụ chính trị-xã hội; Kiến nghị nguyên tắc đánh giá hiệu quả hoạt động theo tổng thể danh mục đầu tư; Tăng vốn điều lệ của SCIC để chuẩn bị nguồn lực đầu tư theo định hướng chiến lược đang trình Thủ tướng Chính phủ…
Trong năm 2021, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư vào các doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả trong danh mục hiện hữu (qua hình thức tăng vốn điều lệ doanh nghiệp bằng nguồn lợi nhuận giữ lại), SCIC cũng đẩy mạnh nghiên cứu, tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới như: Xây dựng Cơ chế để Quỹ khoa học công nghệ của SCIC có thể tài trợ cho hoạt động khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ và đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Dự án Thành lập quỹ đầu tư với Mirae Asset; Dự án đường cao tốc khu vực phía Nam; Nghiên cứu đầu tư mua cổ phần tăng vốn điều lệ của một số Ngân hàng thương mại… Trong năm 2022, SCIC tiếp tục triển khai nghiên cứu các dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng trọng điểm như Cảng Cái Mép Hạ (hợp tác với VIMC), một số dự án đường cao tốc (hợp tác với VEC), một số hạng mục thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (hợp tác với ACV và Vietnam Airlines), nhà ga hàng hóa (hợp tác với VNR)...,
Đặc biệt, SCIC đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương tái cơ cấu thành công tại CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung (VTM).
Chủ tịch HĐTV SCIC Nguyễn Chí Thành cho biết thêm, hiện nay SCIC đã hoàn thành dự thảo Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đó, thời gian tới SCIC định hướng chuyển đổi sang mô hình Quỹ đầu tư chính phủ với nhiệm vụ trọng tâm chuyển dần từ tiếp nhận, quản trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang nhiệm vụ đầu tư kinh doanh vốn. Trong vai trò là một nhà đầu tư chính phủ, SCIC sẽ cung cấp "vốn mồi" để tăng cường, thu hút vốn của các định chế tài chính lớn, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt có tính chất lan tỏa trong nền kinh tế như các lĩnh vực hạ tầng giao thông quan trọng (cảng biển, đường cao tốc); các dự án trong ngành năng lượng, viễn thông…
Nhịp sống kinh tế