Công ty ở giữa cánh đồng thống trị ngành bán dẫn toàn cầu: TSMC, Nvidia, Intel phụ thuộc, Mỹ và Trung Quốc đều thèm khát
Các gã khổng lồ hàng chip đầu thế giới sẽ không thể sản xuất chip và chúng ta sẽ không thể sử dụng smartphone, máy tính cùng nhiều thiết bị khác nếu không có công ty này.
Cách Amsterdam khoảng hai giờ đi tàu, trụ sở của ASML là tòa nhà cao nhất ở thị trấn nông nghiệp Veldhoven ở miền nam Hà Lan. Được bao quanh bởi những cánh đồng ngô và lúa mì, trụ sở có tầm nhìn ra một trang trại điện gió rộng lớn gần biên giới với Bỉ.
Tuy không được quá nhiều người biết đến nhưng ASML lại là doanh nghiệp đang thống trị ngành bán dẫn toàn cầu. Theo Nikkei, đây là công ty thiết bị bán dẫn có giá trị nhất thế giới, với vốn hóa thị trường hơn 200 tỷ USD. Công ty có hơn 14.000 nhân viên nghiên cứu và phát triển (R&D) và tổng số 37.643 nhân viên trên toàn cầu tính đến cuối năm 2022.
ASML hiện là công ty duy nhất trên thế giới sở hữu công nghệ chế tạo máy in thạch bản cực tím EUV – loại thiết bị in thạch bản tiên tiến nhất để tạo ra mọi chip xử lý hiện nay, từ chip trong smartphone, máy tính, máy bay, ô tô, tủ lạnh cho đến vũ khí và thiết bị y tế. Thậm chí, những con chip này còn là nền tảng cho nhiều công nghệ mới nổi, gồm trí tuệ nhân tạo (AI), robot và Internet vạn vật (IoT).
Những gã khổng lồ hàng đầu thế giới như TSMC, Nvidia hay Intel sẽ không thể sản xuất chip nếu không có công nghệ EUV của ASML. Ngoài ra, máy móc mà các nhà sản xuất chip này sử dụng để cắt các đĩa bán dẫn làm bằng silicon cũng được tạo ra bởi ASML.
Mỗi hệ thống EUV được ASML bán với giá khoảng 200 triệu USD và tất cả các nhà sản xuất chip lớn, bao gồm Intel, Nvidia hay TSMC đều phải mua những máy này để thực hiện hoạt động sản xuất cốt lõi của họ.
Trong ngành, Nikon và Canon của Nhật Bản và Shanghai Micro Electronics Equipment của Trung Quốc là những đối thủ cạnh tranh của ASML nhưng ASML vẫn là đơn vị áp đảo khi chiếm tới 62% thị trường. Trong khi đó, Mỹ đến nay vẫn chưa có nhà sản xuất thiết bị in thạch bản chip nào như vậy.
R&D và hợp tác trong ngành đã đóng vai trò quan trọng trong việc ASML vươn lên thống trị thị trường và vượt qua các đối thủ cạnh tranh chính là Nikon và Canon.
Được thành lập năm 1984 với tư cách là liên doanh giữa các công ty Hà Lan gồm Advanced Semiconductor Materials International và Philips, ASML đã tiếp tục mở rộng thông qua hợp tác với các công ty trong toàn bộ chuỗi cung ứng, đáng chú ý nhất là các nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Trên thực tế, hệ thống EUV của ASML phải mất hơn 15 năm để phát triển, với sự hỗ trợ tài chính từ Intel, TSMC và Samsung. Mỗi cỗ máy bao gồm hơn 100.000 bộ phận, được cung cấp bởi khoảng 5.000 nhà cung cấp trên khắp thế giới. Theo một chuyên gia, ASML là công ty duy nhất có thể tích hợp các thành phần này vào một hệ thống hoạt động đầy đủ.
Các nước phương Tây, chủ yếu là Mỹ đã cố gắng áp đặt nhiều quy định và cấm vận thương mại đối với các nước như Nhật Bản và Hà Lan, chủ yếu để Trung Quốc không tiếp cận được với ngành sản xuất chip EUV.
Đây cũng là lý do khiến Mỹ ra sức thuyết phục Hà Lan áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ASML và ngăn họ giao dịch với Trung Quốc. Theo ASML, họ đã tạm dừng giao dịch với Trung Quốc và không bán hệ thống EUV mà chỉ bán hệ thống DUV (in thạch bản nhúng) cũ và kém hiệu quả hơn cho quốc gia này. Tuy nhiên, phía Hà Lan cũng thể hiện quan điểm sẽ không nghe theo mọi yêu cầu của Mỹ trong việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc.
Thời điểm hiện tại, ASML đang nghiên cứu thế hệ máy in thạch bản mới là High-NA-EUV với giá 300 triệu USD, cho phép các nhà sản xuất tạo ra chip 2 nanomet – cột mốc quan trọng tiếp theo trong lĩnh vực này.
Nhịp sống thị trường