Công ty thu phí tự động không dừng VETC: Lỗ 476 tỷ đồng trong 4 năm dẫn đến âm vốn chủ, sắp được công ty mẹ Tasco rót vốn thêm 500 tỷ đồng
VETC được thành lập nhằm triển khai và vận hành hệ thống thu phí tự động ETC (Electronic Toll Collection) tại Việt Nam từ năm 2015.
Hội đồng quản trị CTCP Tasco (HUT) vừa ra nghị quyết chào bán 80 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư trong năm 2021 (phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2021 thông qua).
Danh sách mua gồm 6 nhà đầu tư cá nhân trong nước (nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp), mỗi người mua 13,35 triệu cổ phiếu. Lượng cổ phiếu bị hạn chế giao dịch trong vòng một năm.
Phương án sử dụng vốn cho biết: 500 tỷ đồng sẽ được dùng góp vốn vào CTCP VETC (là công ty con); 300 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động của Tasco.
VETC là cái tên đáng chú ý, Tasco sở hữu gần 98% công ty này.
Đây là công ty được thành lập nhằm triển khai và vận hành hệ thống thu phí tự động ETC (Electronic Toll Collection) tại Việt Nam.
Năm 2015, VETC bắt đầu thử nghiệm hệ thống thu phí tự động đường bộ tại 3 trạm: Tasco Quảng Bình, Hoàng Mai (Nghệ An) và Toàn Mỹ (Đăk Nông).
Cho đến nay, đã có 38 tuyến/trạm thu phí được vận hành thu phí tự động VETC như: trạm Tân Đệ (Thái Bình); Mỹ Lộc (Nam Định); Hà Nội – Bắc Giang (Bắc Ninh); Hoàng Mai (Nghệ An); Quán Hàu, Tasco Quảng Bình (Quảng Bình); Đông Hà (Quảng Trị); Phú Bài, Bắc Hải Vân (Huế); Hòa Phước, Tam Kỳ (Quảng Nam); Tư Nghĩa (Quảng Ngãi); Toàn Mỹ 14 (Đăk Nông); Đức Long 1, Đức Long 2 (Gia Lai), Bến Thủy 1&2 (Nghệ An), Cam Thịnh (Khánh Hòa), Bình THuận, Cầu Đồng Nai, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cần Thơ Phụng Hiệp.
Theo Quyết định 19/2020/QĐ-TTg quy định về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, chậm nhất đến ngày 31/12/2020, các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng. Với các trạm thu phí do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý, tiến độ hoàn thành sẽ do Bộ Giao thông Vận tải và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.
Bản thân VETC đã chứng kiến doanh thu tăng trưởng gấp đôi trong năm 2020 nhờ quy định bắt buộc từ Chính phủ, đạt 131 tỷ đồng. Tuy vậy, kể từ thời điểm đi vào hoạt động, công ty con của Tasco lỗ ngày càng nặng. Năm ngoái VETC lỗ 284 tỷ đồng khiến âm vốn chủ 198 tỷ đồng. Số liệu cho thấy, VETC đã lỗ tổng cộng 476 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020.
Đây có thể là nguyên nhân khiến Tasco triển khai tăng vốn cho VETC thêm 500 tỷ đồng để tránh tình trạng tiếp tục âm vốn, chưa kể kết quả kinh doanh năm nay khả năng tiếp tục thua lỗ.
Trung tuần tháng 7/2021, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án BOT; Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam; Công ty TNHH thu phí tự động VETC; Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; các Cục Quản lý đường bộ I, II, III, IV về việc tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Thời gian tạm dừng thu phí từ 0 giờ 00 phút ngày 20/7/2021 đến khi địa phương công bố dỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đồng nghĩa với hoạt động thu phí đường bộ sẽ không có nguồn thu.