MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công và tội của mạng xã hội trong vụ xả súng ở Munich

25-07-2016 - 10:34 AM | Tài chính quốc tế

Trong vụ thảm sát kinh hoàng vừa xảy ra ở Munich, theo AFP, các mạng xã hội cũng đang bị lên án.

Dĩ nhiên mặt tích cực của các mạng này là sử dụng như công cụ thông tin và hỗ trợ điều tra, nhưng mặt khác chúng cũng đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho những tin đồn thất thiệt và cho phép hung thủ gài bẫy nạn nhân.

Ngay trong vụ Munich, cảnh sát đã dùng mạng xã hội để thông báo cho dân chúng về tình hình thực tế đang xảy ra để giúp người dân đảm bảo an toàn cá nhân và thậm chí có những lời kêu gọi hỗ trợ những người đang bơ vơ ngoài phố khi các phương tiện giao thông công cộng tạm dừng hoạt động.

Nhưng cũng trên mạng xã hội vào lúc đó cũng lan truyền đủ thứ thông tin thất thiệt về chuyện xảy ra tấn công cùng lúc ở nhiều nơi, về chuyện có nhiều hung thủ rồi thì là hung thủ đã bỏ trốn trên xe hơi...

Chính các thông tin thiếu trách nhiệm này cũng khiến cảnh sát hụt hơi trong việc xác minh và lo sợ đến khả năng xảy ra khủng bố có tổ chức, ông Hubertus Andrä (cảnh sát trưởng Munich) thừa nhận.

Cũng trong vụ Munich, cảnh sát thành phố phải viết trên Twitter yêu cầu người dân không nên chia sẻ lại hình ảnh của nạn nhân để tránh gây hoang mang và không tiết lộ vị trí của cảnh sát vì có thể sẽ giúp cho hung thủ đối phó!

Bộ trưởng nội vụ Đức Thomas de Maizière trong cuộc họp báo hôm 23-7 cũng thừa nhận: “Trong thời đại mạng xã hội ngày nay, cảnh sát không còn có thể kiểm soát số lượng lẫn thời gian công bố thông tin, mà chính là người dân làm việc đó".

Có thể nhìn thấy những lợi ích của mạng xã hội đối với quá trình điều tra qua sự thành công của các cuộc điều tra nhờ vào hình ảnh và video clip của người dân ghi lại được. Nhưng cũng phải thấy rằng khi tin đồn thất thiệt lan truyền thì điều đó lại không giúp đánh giá chính xác tình hình đang diễn ra.

Liên quan nhân thân hung thủ Ali David Sonboly, kẻ đã nổ súng làm thiệt mạng 9 người và làm bị thương 16 người, cảnh sát Đức khẳng định hung thủ 18 tuổi này sinh ra và lớn lên tại ngay chính thành phố Munich, chưa hề có tiền án cũng như bất cứ liên hệ nào với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Cha mẹ hắn là người Iran đến Đức xin tị nạn vào cuối những năm 1990.

Cảnh sát trưởng Munich cho biết hung thủ có vấn đề về thần kinh, đã phải điều trị bệnh này trong nhiều năm.

Khi khám xét nơi Sonboly cư ngụ, nhà chức trách đã tìm thấy nhiều tài liệu cho thấy hắn quan tâm khá nhiều tới các vụ xả súng do các thiếu niên thực hiện tại các trường học, mê game chiến tranh và bạo lực.

Các công tố viên mô tả cuộc tấn công của Sonboly là một “hành động kinh điển của những kẻ loạn trí”.

Các nhà điều tra cũng tìm thấy tài liệu cho thấy Sonboly đặc biệt lưu tâm vụ tên Anders Behring Breivik thảm sát 77 người tại Na Uy và làm bị thương 151 người khác.

Sonboly đã chọn đúng ngày 
22-7, tức đúng năm năm sau khi Breivik ra tay và sử dụng cùng loại súng như của Breivik!

Theo Duy Linh - Tú Anh

Tuổi trẻ

Trở lên trên