Công việc 10 ngày, làm xong trong 3 ngày: Hành động tưởng chừng như tài năng này có thể hủy hoại bạn trong phút chốc!
Trong xã hội, người ta thường có câu "người không biết không có tội." Nhưng ở nơi công sở, dù bạn có vô tình làm sai, chỉ cần khiến lợi ích của người khác bị ảnh hưởng, vậy họ nhất định sẽ xem bạn là "tội nhân". Muốn ổn định ở nơi làm việc, bạn cần luôn giữ suy nghĩ sáng suốt và một cách làm việc đúng đắn.
Tại nơi làm việc, rất nhiều người vì muốn lãnh đạo thấy được tài năng của mình, mà cố gắng làm việc thật chăm chỉ, hoàn thành xong công việc càng sớm càng tốt.
Nhưng tôi muốn nói với bạn một điều: Liều mạng nâng cao năng suất là một loại phương thức làm việc vô cùng sai lầm, không chỉ thiệt thân, còn khiến đồng nghiệp gặp vài rắc rối.
Công ty là một môi trường làm việc lớn, không chỉ có bạn, còn có nhiều người khác. Thế nên, làm bất cứ việc gì cũng không nên chỉ nghĩ cho riêng mình, mà còn cần suy nghĩ cho người khác.
Nếu bạn nghĩ nội dung cơ bản của công việc là thước đo năng lực của mình. Vậy thì chẳng lẽ thời gian để bạn xử lý công việc sẽ quyết định sự sống còn của bạn ở nơi làm việc hay sao?
Tiếp theo, tôi sẽ phân tích lý do của việc này từ 3 góc độ để bạn thấy rõ:
1. Đứng từ góc độ cấp trên
Ngày xưa, bất cứ ai có "công cao chấn chủ" đều phải chết. Dù nhà họ có là trung thần ba đời đi nữa, cũng khó tránh khỏi kiếp nạn này.
Thời nay, rất nhiều vị trí, đòi hỏi nhân viên phải báo cáo theo một "chuỗi nối tiếp", mà không phải chỉ cần báo cáo cho một đối tượng duy nhất là hoàn thành công việc.
Ví dụ, vị trí trợ lý giám đốc thuộc về bộ phận hành chính. Đối tượng báo cáo của họ là tổng giám đốc, nhưng đôi lúc, họ cần phải thông qua giám đốc hành chính bàn luận về sự việc, sau đó giám đốc hành chính mới báo cáo việc này cho tổng giám đốc.
Nếu bạn là một trợ lý, làm xong lượng công việc của 10 ngày chỉ trong vòng 3 ngày, tổng giám đốc sẽ nghĩ gì? Giám đốc hành chính sẽ nghĩ gì?
Tổng giám đốc nghĩ mình cần giám đốc hành chính làm gì? Để bạn trực tiếp giao nộp kết quả không phải nhanh hơn sao?
Còn giám đốc hành chính thì nghĩ người trợ lý này có phải giỏi hơn mình rồi không?
Anh ta cố gắng làm nhanh như vậy có phải muốn vượt cấp mình hay không?
Thế là mỗi ngày giám đốc hành chính đều đề phòng vị trí của mình bị cấp dưới thay thế.
Chỉ cần bạn có một sai sót hoặc lỗi lầm nhỏ. Anh ta đều có thể phóng đại nó ra và chê trách, phê bình hay kỉ luật bạn!
2. Đứng từ góc độ đồng nghiệp
Khi bạn nỗ lực tối đa để mang lại hiệu quả tốt nhất cho công việc. Vậy thời gian bạn dùng để hoàn thành công việc sẽ trở thành tiêu chuẩn cơ bản trong lòng lãnh đạo. Sau này, đồng nghiệp của bạn cũng sẽ bị yêu cầu phải làm được nhanh và chuẩn như vậy.
Vì để làm xong trong vòng 3 ngày như bạn, họ chỉ còn cách phải tăng ca, làm thêm giờ.
Bạn nghĩ xem, ai mà có thể thích được một người đã gián tiếp hại mình phải tăng ca thêm trong nhiều ngày?
Nếu họ không tăng ca, căn cứ theo tốc độ bình thường, thì 10 ngày sau mới hoàn thành.
Như vậy, sếp cũng sẽ hỏi bọn họ: "Tại sao người ta chỉ cần 3 ngày là làm xong, trong khi mấy người lại làm chậm hơn?"
Đồng nghiệp bị phê bình thì chắc chắn trong lòng sẽ "oán" bạn, trách bạn: "Nếu không phải do anh ta, mình cũng sẽ không bị sếp la!"
Trong vô hình, bạn đã đắc tội rất nhiều đồng nghiệp, mà họ có thể vì chuyện này cô lập bạn. Sau này, có dự án nào họ cũng không muốn hợp tác với bạn, chuyện nào khó cũng đùn đẩy trách nhiệm cho bạn. Bạn có đủ can đảm tiếp tục bước tiếp ở đây nữa không?
3. Đứng từ góc độ ông chủ
Ông chủ tất nhiên sẽ thích những nhân viên ưu tú, có năng lực làm việc mạnh mẽ. Nếu bạn càng giỏi, họ còn thích.
Nhưng khi công nhận tài năng của bạn, họ đồng thời cũng sẽ gia tăng lượng công việc và độ khó của dự án.
"Nếu anh ta có thể hoàn thành công việc chỉ trong 3 ngày, vậy 7 ngày sau anh ta đến công ty làm gì, chờ lãnh lương thôi ư? Vậy thà giao cho anh ta nhiều công việc hơn, như vậy mới công bằng với người khác!" – Đây là lời độc thoại nội tâm của rất nhiều ông chủ.
Ông chủ tăng lượng công việc cho mình? Vậy nhất định sẽ được thăng chức, tăng lương có đúng không?
Dĩ nhiên, dù bạn không được thăng chức, nhưng tăng lương chắc chắn được.
Nhưng mà bạn nghĩ xem, bạn có thể được tăng thêm bao nhiêu tiền? Trong khi lượng công việc gấp 3, gấp 4 lần lúc trước?
Ông chủ cho bạn công việc của 10 ngày, bạn làm xong trong 3 ngày, tức là 7 ngày sau bạn có thời gian rảnh.
Mà đứng trên cương vị của ông chủ, bạn sẽ không thể thoát khỏi số phận làm việc. Do đó, ông ấy nhất định sắp xếp thêm công việc khác cho bạn làm.
Tức là khối lượng công việc của bạn sẽ nhiều gấp ba lần bình thường.
Nhưng lương của bạn có thể tăng gấp ba hay không?
Mọi người đều cho rằng tăng 50% lương đã là tối đa, nhưng như vậy làm sao công bằng với công sức bạn đã bỏ ra.
Hơn nữa, trong những trường hợp bình thường, mỗi năm mức lương đã được quy định sẽ tăng thêm 10% đến 15%.
Đến cuối cùng, ông chủ nhất định sẽ lựa chọn sa thải một, hai người, tăng lương 50% cho bạn, để bạn làm luôn phần việc ba người.
Bạn nghĩ chuyện này có thể xảy ra không? Đừng quên, ông chủ của bạn là một doanh nhân, chứ không phải một nhà từ thiện xã hội.
Nói như vậy không phải để khuyên bạn luôn trì hoãn công việc hay làm việc nửa vời. Mà cái tôi muốn nhắc nhở bạn, đó là cách làm việc.
Muốn nổi bật ở nơi làm việc, có nhiều cách để chứng minh năng lực của bạn.
Công việc 10 ngày, 3 ngày hoàn thành. Khoan vội, đừng giao nộp sớm. Hãy kiểm tra nó một cách toàn diện. Sau đó, cố gắng tìm ra cách hoàn thiện nó một cách hoàn hảo nhất.
Đến ngày thứ tám, thứ chín, khi mọi thứ đã được kiểm duyệt cẩn thận và chọn lọc, lúc này mới giao nộp kết quả cũng không muộn.
Nếu bạn là ông chủ, việc bạn làm nhanh, kết thúc nhanh cũng là điều dễ hiểu, bởi vì bạn phải dẫn dắt toàn bộ nhân viên và cả công ty tiến về phía trước, tốc độ và chất lượng là điều không thể thiếu.
Nhưng ngược lại, nếu bạn chỉ đang là một nhân viên bình thường và không muốn có quá nhiều mâu thuẫn với mọi người trong công ty, vậy muốn kết quả thế nào, bạn cần phải suy nghĩ thật cẩn thận về cách làm việc của mình.
Trí thức trẻ