MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Công việc không lương" quyết định thành tựu một đời người: Giáo dục con cái

30-10-2020 - 10:35 AM | Sống

Bố mẹ vất vả lăn lộn cả một đời cũng chỉ mong được cho con một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng liệu bố mẹ có bao giờ nghĩ con vốn không cần tất cả những thứ đó?

Quá trình trưởng thành của con giống như dòng thời gian không thể ngưng lại. Nếu như bố mẹ đã lỡ mất thì sẽ không bao giờ tìm lại được. Giáo dục con cái là sự đầu tư "thông minh" nhất của mỗi bậc làm cha làm mẹ.

Thầy cô dạy con chữ - Cha mẹ dạy làm người

Trường học chỉ là nơi để học. Đối với thành tích hay hạnh kiểm của con trẻ, trách nhiệm của thầy cô chỉ là phụ, còn trách nhiệm của phụ huynh mới là chính. Nhiệm vụ của thầy cô là truyền đạt kiến thức. Giáo dục con trẻ là trách nhiệm của cha mẹ.

Trong phim Next Gen (2018), Mai là một cô bé cô đơn, hay bị bắt nạt và ít bạn bè. Cho dù Mai sống cùng với mẹ, nhưng mẹ Mai lại quá mê mẩn người máy mà không đoái hoài gì đến con gái. Cứ như thế, Mai trở thành một cô bé ngỗ ngược và bất trị.

Khi cùng với mẹ đi xem buổi ra mắt các sản phẩm mới, Mai bị thu hút bởi bóng đá. Vì vậy, cô bé đã bất chấp đối đầu với những cảnh sát người máy. Cô bé còn quậy phá "tưng bừng" tại trung tâm nghiên cứu. Nhưng mẹ cô bé lại chẳng hề để ý đến những việc mà con gái đang làm.

Mai hay quậy phá, làm việc riêng trong lớp và trốn học. Mai luôn gây gổ, đánh nhau với các bạn học. Vì thế, Mai bị tẩy chay ở trường. Đây được coi là những hành vi sai trái của một đứa trẻ. Nhưng mẹ Mai không những chưa từng lo lắng cho Mai mà còn phó mặc toàn bộ trách nhiệm cho các thầy cô giáo. Cô bé Mai trở nên bất trị và bướng bỉnh như vậy cũng chỉ vì thiếu thốn tình cảm gia đình.

Hiện nay, rất nhiều trẻ em do thiếu tình yêu thương và chăm sóc của bố mẹ nên đã gặp phải các vấn đề về tâm lý. Alfred Alder từng nói: "Đứa trẻ hạnh phúc sẽ dùng tuổi thơ để chữa lành mọi vết thương trong đời. Đứa trẻ bất hạnh sẽ dùng cả đời để hàn gắn những tổn thương của thời thơ ấu."

Những vấn đề con trẻ gặp phải khi lớn lên đều có mối liên hệ mật thiết với quan hệ giữa con và bố mẹ. Vì vậy, nếu con có vấn đề gì thì cha mẹ cũng nên tự xem xét lại bản thân mình.

Thông qua hành vi và tính nết của con trẻ khi còn bé, ta có thể đoán được sau này nó sẽ trở thành người ra sao. Bạn muốn con bạn trở thành người như thế nào. Trước tiên, bạn cần phải trở thành người như thế ấy để làm gương cho con. Trong công cuộc giáo dục con trẻ, thầy cô chỉ là người hỗ trợ cho cha mẹ. Vì vậy, muốn giáo dục con trẻ cho tốt, cha mẹ nhất định phải biết lấy mình làm gương để cho con noi theo.

 Công việc không lương quyết định thành tựu một đời người: Giáo dục con cái  - Ảnh 1.

Thế nào là đứa trẻ hạnh phúc? 

Chúng ta sống trên đời cốt cũng chỉ là để đi tìm giá trị của bản thân, để hiểu được mình quan trọng như thế nào đối với mọi người xung quanh. Vì đó là khi ta cảm nhận được tình yêu và niềm hạnh phúc. Trẻ em luôn cần sự công nhận từ phía gia đình. Điều này đòi hỏi bố mẹ phải thực sự đồng hành với con và trao cho con tình yêu thương vô điều kiện.

"Điện thoại mới là bố mẹ của con." Một cậu bé nói rằng bố mẹ mình rất thích chơi điện thoại, mặc cho những lời khẩn cầu tha thiết mong bố mẹ có thể bỏ điện thoại xuống và chơi với con. Khi còn nhỏ, cậu bé luôn nhìn thấy bố mẹ dán mắt vào điện thoại mà bỏ mặc mình. Cậu bé tự hỏi trong chiếc điện thoại có cái gì hấp dẫn đến mức làm bố mẹ quên luôn cả con. Thậm chí, bố mẹ còn chủ động đưa điện thoại cho con chơi để con không nghịch ngợm.

Khoảng cách xa nhất trên Trái Đất chính là khi con cần bố mẹ nhưng bố mẹ lại bận rộn với chiếc điện thoại của mình. Mang tiếng là chơi với con, nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn luôn kè kè cầm chiếc điện thoại trên tay. Hãy bỏ điện thoại xuống và thực sự đồng hành với con!

Cựu tổng thống Mỹ Obama tự hào nói: "Tôi có thể chưa là một vị tổng thống tốt nhưng tôi nhất định là một người cha tốt. Trong suốt 21 tháng đi tranh cử, tôi chưa từng bỏ lỡ bất cứ buổi họp phụ huynh nào của con gái."

Dù có bận rộn ra sao, ông đều cố gắng sắp xếp thời gian để ăn tối cùng các con. Ông luôn kiên nhẫn lắng nghe và trả lời từng câu hỏi của con. Ông cũng chưa từng vắng mặt trong bất cứ ngày quan trọng nào của hai cô con gái. Trong quỹ thời gian eo hẹp của mình, ông luôn dành cho con một sự đồng hành chất lượng. Hai ái nữ của nhà Obama luôn nhận được tình yêu thương và sự trân trọng từ phía cha mẹ. Đây chính là nền tảng vững chắc giúp họ trở nên ưu tú như ngày hôm nay.

Nhà tâm lý học David Enlkin từng nói: "Điều con cần biết chính là con luôn vô cùng quan trọng với bố mẹ. Bố mẹ mãi mãi yêu thương con. Đứa trẻ được lớn lên trong tình yêu thương thường có một cuộc đời êm ấm và hạnh phúc hơn." Sự đồng hành chất lượng của cha mẹ không chỉ tạo nên sức mạnh một đời cho con mà còn là hành động tuyệt vời nhất để thể hiện tình yêu với con.

Tiền kiếm mãi không hết, nhưng tuổi thơ con chỉ có một mà thôi

Khi con còn nhỏ, bạn chọn kiếm tiền thay vì dạy con. Khi con trưởng thành, số tiền bạn kiếm cả đời cũng sẽ chẳng thấm vào đâu so với những lần ăn chơi trác táng của con. Sự nghiệp cá nhân có thành công đến đâu cũng chẳng xoa dịu được nỗi đau của việc thất bại trong giáo dục con cái.

Chị Hoa là con người của công việc. Chị làm việc cho đến tận khi gần sinh. Sau sinh một tháng, chị ngay lập tức quay trở lại với công việc. Chị khởi nghiệp được 11 năm thì con trai chị cũng được 11 tuổi.

Sự nỗ lực miệt mài đó đã đem đến cho chị một sự nghiệp thành công và tiếng tăm trong nghề. Nhưng chị lại hoàn toàn bất lực trong việc giáo dục con cái. Ngày thường, chị rất ít khi có thời gian cho con trai. Con trai chị là do một tay bà ngoại nuôi lớn. Có lẽ do bà đã quá chiều chuộng nên con trai chị đã sinh hư trở nên bướng bỉnh. Nếu như không được chơi điện tử, con sẽ thẳng tay đánh bà và mắng bà không hiểu tiếng người.

Chị biết vậy nên đã đăng ký cho con tham gia chương trình kỹ năng sống với hi vọng mong con có thể thay đổi. "Gia đình giống như một chiếc máy photocopy. Cha mẹ là bản gốc, con cái là bản sao. Nếu như bản sao có vấn đề, thì chúng ta nhất định phải xem lại bản gốc." Con chị từng nói: "Cháu bướng bỉnh như vậy cũng chỉ là muốn mẹ cháu chú ý đến cháu thôi."

Chị Hoa thừa nhận do mình đã mải mê kiếm tiền nên mới để con ra nông nỗi này. Chị cũng hối hận vì đã bỏ lỡ những giây phút bên con khi con khôn lớn. Chị nợ con quá nhiều. Chị chỉ còn biết tự trách mình vì đã không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ.

Tiền kiếm bao nhiêu không hết. Nhưng tuổi thơ con chỉ có một. Bố mẹ bỏ lỡ rồi thì sẽ không thể quay lại được. Hãy đồng hành với con trong những tháng năm tuổi thơ. Rồi con sẽ luôn kề bên bạn trong những năm tháng tuổi già. Sự quan tâm và đồng hành của cha mẹ là vô giá và không gì có thể thay thế được. Đừng để con phải mất một đời để xoa dịu những tổn thương của thời thơ ấu.

Lời kết

Làm cha làm mẹ của một đứa trẻ còn khó khăn hơn nhiều so với việc phải trải qua những kỳ thi khi còn đi học. Chúng ta cần phải học cách trở thành một người cha tốt, một người mẹ tốt. Nuôi con và dạy con được coi là một phần quan trọng trong quá trình tu dưỡng của mỗi người. Khi được cha mẹ yêu thương, những đứa trẻ sẽ có sức mạnh để đối mặt tất cả. Hãy cùng con lớn lên, cùng con trưởng thành. Khi ấy, con sẽ thực sự cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ. Nuôi dạy con cái là sự nghiệp cả đời của cha mẹ.


Theo Đình Trọng

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên