Công viên bãi giữa sông Hồng: Ưu tiên sinh thái hay thương mại?
Bãi giữa và bãi bồi ven sông Hồng sẽ trở thành công viên văn hóa đa chức năng hay khu bảo tồn sinh thái, là vấn đề được đặt ra tại cuộc tọa đàm nhân phát động cuộc thi ý tưởng quy hoạch khu vực này.
- 05-05-2024Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng: Hà Nội là trung tâm kinh tế của khu vực phía Bắc và cả nước, Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại
- 19-04-2024Hà Nội chi gần 400 tỷ đồng cải tạo đê sông Hồng qua đoạn huyện Phú Xuyên
- 08-04-2024Toàn cảnh khu vực được quy hoạch xây cầu vượt sông Hồng, xung quanh là 3 siêu đô thị trị giá 13 tỷ USD lớn bậc nhất phía Bắc
Ốc đảo cuối cùng
Sông Hồng chảy qua khu vực Hà Nội là nơi có số lượng bãi bồi nhiều nhất, trải dài 120 km qua 7 quận, huyện, thị xã. TS. Nguyễn Mạnh Hà (đại diện nhóm vì một Hà Nội đáng sống) khẳng định, đây là một trong những ốc đảo tự nhiên cuối cùng của vùng châu thổ sông Hồng với những giá trị tự nhiên nguyên bản.
Theo các nhà nghiên cứu, diện tích đất nông nghiệp tại khu vực chiếm 70%. Vùng xanh tự nhiên còn khoảng 173 ha, còn lại đất trống, vùng nước bán ngập với thực vật biến đổi theo mùa.
Ít nhất 290 loài động vật được ghi nhận có mặt trên bãi sông Hồng. Các nhà khoa học sau khi nghiên cứu chi tiết khẳng định, đây là hệ sinh thái có sự đa dạng rất cao. Đặc biệt, bãi giữa sông Hồng là một “ga chim” trọng tâm trên đường bay của chim di cư thuộc tuyến Đông Á và Úc châu .
Ba năm gần đây, ít nhất có 230 loài chim thường xuyên đến sinh sống tại bãi sông Hồng, trong đó có những loài đặc hữu như vịt mỏ nhọn , sẻ đồng ngực vàng. Người ta phát hiện 2-4 cá thể hạc đen được coi là biểu tượng của đồng bằng sông Hồng, vì gần như không ghi nhận được ở đâu khác.
Thạc sĩ Lê Quang Bình (đại diện nhóm vì một Hà Nội đáng sống) chia những cư dân của bãi giữa ra làm 6 nhóm: Nhóm canh tác nông nghiệp, chăn nuôi đã ở đây tầm 20 năm trước, có cuộc sống sinh kế khá bền vững; nhóm kinh doanh nhỏ ra đây làm thương mại du lịch nhà hàng, thủ công mỹ nghệ; mấy chục hộ gia đình ở phố ra “mua đất” kiểu trao tay để làm nơi nghỉ dưỡng; xóm Phao gồm hơn 40 hộ sinh sống trên những con thuyền trên sông, sống dựa vào thu gom phế thải, phục vụ nhà hàng khách sạn trong phố.
Ông Bình nhấn mạnh: “Đây là nhóm cần đặc biệt lưu ý về đối xử trong quá trình quy hoạch”. Tiếp theo là nhóm kết nối thiên nhiên mà hoạt động nổi bật là “tắm tiên” gồm khoảng 300 người. Có tiềm năng nhất là nhóm du khách tự phát bao gồm nhiều người nước ngoài.
Nên chăng rừng trong phố?
Tại cuộc tọa đàm để giải đáp các thắc mắc xung quanh cuộc thi, nhiều người quan tâm tới việc công viên sẽ ưu tiên văn hóa hay sinh thái. Có người cho rằng, nên tích hợp các yếu tố văn hóa đồng bằng sông Hồng, chứ không chỉ riêng Hà Nội vào chủ đề đồ án dự thi.
Theo một chuyên gia về sinh thái môi trường, cần đặt vấn đề ưu tiên bảo tồn sinh thái và đa dạng sinh học khu vực bãi giữa như một vùng dự trữ sinh quyển của Hà Nội.
Trước câu hỏi có được xây dựng công trình kiên cố tại bãi giữa, đại diện BTC giải đáp, việc xây dựng các công trình tại bãi giữa trước đây là không thể. Vì theo quyết định 257/QĐ-TTg, nơi này nằm trong vùng thoát lũ. Nhưng theo quy định điều chỉnh bổ sung 419, có 5 khu vực được nghiên cứu để phát triển đô thị. Những chỗ còn lại được nghiên cứu các hoạt động kinh tế-xã hội mà không được xây dựng công trình nhà ở. Tuy nhiên, những hoạt động này không được gây cản trở dòng chảy. Khi làm quy hoạch chi tiết 1/500 phải kết hợp với bên Bộ NN&PTNT để bám sát quy định cụ thể hơn.
Đối với đề nghị nên định nghĩa rõ công viên cho mọi người tiếp cận miễn phí hoặc chuyển đổi công năng mang tính tư nhân, KTS. Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch hội KTS Cảnh quan (thành viên Hội đồng giám khảo) cho biết: “Công viên bản chất là không gian công cộng mở ai cũng tiếp cận được. Nhưng đây là công viên văn hóa, chưa kể di sản cầu Long Biên cần bảo tồn phát huy.
Nghĩa là tổ chức không gian sẽ theo hướng có thương mại, nhưng không có nghĩa quây lại thu tiền mà sẽ có các dịch vụ bên trong tạo các nguồn thu khác”.
Đại diện BTC cho biết, trong định hướng quy hoạch phân khu sông Hồng, khu bãi giữa có 2 chức năng cây xanh đô thị là công viên mở. Tuy nhiên, công viên chuyên đề có định hướng xây dựng các khu vui chơi giải trí văn hóa hình thức tư nhân kinh doanh đều phù hợp.
Chi tiền tỷ tìm ý tưởng quy hoạch công viên bãi giữa sông Hồng
Cuộc thi tìm Ý tưởng quy hoạch cho công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng bắt đầu nhận bài thi. Lễ trao giải và công bố kết quả diễn ra vào tháng 10. Tổng giá trị giải thưởng 1 ,1 tỷ đồng bao gồm 1 giải Nhất (600 triệu đồng), 1 giải Nhì (300 triệu đồng) và 1 giải Ba (200 triệu đồng).
Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo, chất lượng cao về một công viên đa chức năng xứng tầm nằm trên toàn bộ khu vực bãi giữa và bãi bồi ven sông Hồng thuộc địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên.
Bài thi cần phát huy những nét đặc thù riêng của từng quận, góp phần thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, hướng tới hình thành các không gian xanh, an toàn, tiện ích, các không gian nền tảng tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Hà Nội sẽ mở hai tuyến đường 6-8 làn xe chạy dọc ven sông Hồng, từ đó có cầu kết nối ra bãi giữa, ưu tiên phương tiện công cộng, xe điện, hạn chế xe cơ giới cá nhân ra khu vực công viên. Cũng sẽ có các bến tàu kết nối để khu bãi giữa trở thành điểm đến trong tuyến du lịch dọc sông Hồng.
Kiến trúc sư Nguyễn Lân Ngọc (nguyên KTS trưởng làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam) cho rằng, định danh công viên văn hóa đa chức năng vẫn chưa sát lắm: “Tôi nghĩ tất nhiên rất chủ quan gọi là công viên sinh thái vì cái đó quá cần cho Hà Nội và cũng thể hiện sự văn minh”.
Thành viên Hội đồng giám khảo, KTS Emmanuel Cerise (Pháp) cho biết, Paris cũng có “bãi giữa” giống Hà Nội, nhưng ông cũng kiến nghị không nên quá lệ thuộc vào các mô hình đã có của các nước.
Ông đề xuất, với quy mô và tính chất của bãi giữa sông Hồng , nên quy hoạch hướng đến một không gian sinh thái có quy mô lớn trong thành phố giống một số khu rừng ven đô Paris. “Trong đó chủ yếu duy trì dạng các tồn tại thiên nhiên hoang dã dành cho hoạt động trải nghiệm, dã ngoại khác với công viên thông thường. Chúng ta không nên đi theo hướng công viên nội đô. Hãy cho nó chức năng khu rừng đô thị,” ông nhấn mạnh.
TS. KTS Nguyễn Việt Huy - người điều phối tọa đàm - đặt vấn đề sinh thái cũng có thể là một thành tố của văn hóa: “Do cách tiếp cận của mỗi người, không nên chủ quan khép lại ở một góc nào. Như nhóm Vì một Hà Nội đáng sống tiếp cận theo hướng phải giữ sinh quyển cho chim di cư đến… Nhưng có thể người khác lại không theo hướng đó. Sau khi tiếp cận các ý tưởng, góc nhìn, BTC sẽ đưa ra lời giải hài hòa nhất”.
Tiền phong