Công viên nước Thanh Hà xây không phép: Phó Chủ tịch phường từ chối trả lời 'vì sao đến giờ mới cưỡng chế'
Khi PV đặt câu hỏi về việc địa phương phát hiện công trình xây từ khi nào, tại sao đến giờ mới thực hiện tháo dỡ, ông Dương Ngọc Thỏa từ chối trả lời với lý do không quản lĩnh vực xây dựng.
- 24-09-2019Luật sư: Cần khởi tố vụ án để điều tra về 2 trường hợp trẻ đuối nước tại công viên nước Thanh Hà
- 15-06-2019Phía công viên nước Thanh Hà có thể bị xử lý hình sự sau vụ bé trai 3 tuổi đuối nước tử vong?
- 13-06-2019Vụ bé trai 3 tuổi đuối nước: Công viên nước Thanh Hà vi phạm lỗi nhân viên cứu hộ, cơ sở y tế
Công trình xây dựng không phép
Hôm 15/1, hàng chục cảnh sát, dân phòng căng dây ngăn phương tiện ở hai đường dẫn vào cổng Công viên nước Thanh Hà , nằm trên địa bàn phường Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội) để máy xúc lần lượt phá dỡ các hạng mục của công viên bao gồm: cầu trượt nước, bể tạo sóng, đài phun nước, nhà điều hành, cổng chính.
Trao đổi với PV, ông Dương Ngọc Thỏa, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương cho biết, Công viên nước Thanh Hà chưa được cấp phép xây dựng, việc phá dỡ được lực lượng cơ sở thực hiện theo chỉ đạo của quận Hà Đông với hai Quyết định liên quan đến việc cưỡng chế, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo ông Thỏa, hai quyết định đã được gửi tới chủ đầu tư, trong thông báo, UBND phường yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ, tuy nhiên sau một thời gian dài họ không chịu thực hiện nên phường phải cưỡng chế.
"Chủ đầu tư nhận thức được nên chúng tôi cũng không gặp khó khăn, vướng mắc gì khi thực hiện. Việc cưỡng chế cũng có một phần liên quan đến vụ 2 cháu nhỏ chết đuối khi đến vui chơi tại công viên", ông Thỏa nói.
Khi PV đặt câu hỏi về việc địa phương phát hiện công trình xây từ khi nào, tại sao đến giờ mới thực hiện tháo dỡ, thì ông Thỏa từ chối trả lời với lý do không quản lĩnh vực xây dựng.
Hình ảnh công viên Thanh Hà khi mở cửa đón khách.
Cần xem xét trách nhiệm quản lý xây dựng
Trao đổi với PV liên quan đến diễn biến cưỡng chế nói trên của phường Phú Lương, GS Nguyễn Văn Liên (nguyên Phó Chủ tịch tổng Hội Xây dựng Việt Nam) khẳng định, nếu doanh nghiệp xây không đúng thì phải phá bỏ, thiệt hại họ tự chịu dù việc này gây thất thoát, lãng phí.
Tuy vậy, ông Liên bày tỏ băn khoăn không hiểu tại sao một công trình không phép lớn như vậy có thể "qua mắt" được cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện, đi vào hoạt động.
"Nếu không có phép thì phải cho dừng ngay từ đầu. Anh quản lý nhà nước để công trình không phép như vậy mọc lên rồi bảo không biết thì không đúng, mà biết sai phạm bây giờ mới cưỡng chế là có vấn đề", ông Liên nêu quan điểm.
Còn luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) nói, một công trình không phép xây dựng lớn như vậy phải cương quyết xử lý, phá bỏ để làm gương chứ không thể xử phạt cho tồn tại, rồi hoàn thiện thủ tục giấy phép sau. Làm như vậy là tạo tiền lệ xấu cho doanh nghiệp, nhiều công trình sai phạm khác sẽ mọc tiếp.
Theo luật sư, dù lãng phí, thiệt hại bao nhiêu đi nữa thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, bởi đó là hành vi coi thường pháp luật.
Cơ quan chức năng cũng phải xem xét đến trách nhiệm của cán bộ làm cấp phép, quản lý xây dựng trên địa bàn. Để một công trình hoàn thiện đi vào hoạt động như thế cho thấy chính quyền quá buông lỏng quản lý, những cán bộ sai phạm khi được làm rõ sẽ bị xử lý, kỷ luật theo Luật cán bộ công chức", luật sư Giáp phân tích.
Xây dựng trên lô đất A2.2 thuộc khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5, công viên nước Thanh Hà rộng 3 ha với 11 công trình phục vụ vui chơi, 8 công trình phụ trợ. Công trình do Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5, làm chủ đầu tư.
Công viên khai trương ngày 10/6/2019, ba ngày sau bé trai 2 tuổi bị đuối nước, tử vong tại sông nhân tạo. Đến ngày 23/9 công viên mở cửa trở lại và lại xảy ra tai nạn đuối nước.
Trí Thức Trẻ