MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công viên Tuổi trẻ bị bỏ hoang đến bao giờ?

21-12-2017 - 08:28 AM | Bất động sản

Được đầu tư xây dựng với số tiền nhiều chục tỷ đồng, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được kỳ vọng trở thành trung tâm sinh hoạt của thanh thiếu niên Hà Nội, phục vụ các hoạt động sinh hoạt công cộng của đông đảo người dân các quận. Tuy nhiên, nhiều năm qua, khu vui chơi dưới nước lại rơi vào cảnh hoang tàn, nhiều diện tích quy hoạch cây xanh bị “xẻ thịt” thành những công trình kiên cố để kinh doanh.

Khu vui chơi bỏ hoang, đất cây xanh thành nhà hàng

Dự án công viên Tuổi trẻ Thủ đô có tổng diện tích khoảng 26,43ha được thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào năm 2000. Dự án được giao cho Cty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội làm chủ đầu tư. Đến năm 2010, dự án tiếp tục được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Công viên được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ các hoạt động sinh hoạt công cộng của thanh thiếu niên, cùng đông đảo người dân sinh sống trong khu vực.

Tuy nhiên, từ năm 2010 - 2012, hàng loạt công trình vi phạm “khủng” vô tư mọc trên các ô đất vốn được phê duyệt quy hoạch làm khu vườn hoa, cây xanh, sân tập thể thao công cộng nhưng không bị xử lý kiên quyết gây bức xúc ở nhiều kỳ họp HĐND.

Từ năm 2012, Sở QH&KT đã ban hành Văn bản số 2800/QHKT-P2, P7 gửi UBND quận Hai Bà Trưng và Sở Xây dựng “điểm mặt” các công trình vi phạm “khủng”, với vị trí vi phạm và quy mô vi phạm rõ ràng. Những công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) bị Sở QH&KT “điểm mặt” bao gồm: Sân tennis quy hoạch chi tiết được điều chỉnh xác định chỉ có 4 sân tennis ngoài trời thuộc ô số 43 phù hợp, nhưng hiện có 4 sân có mái che và 8 sân không mái che. Trong đó, 8 sân tennis thuộc ô số 46 xây dựng không phép trên vị trí được phê duyệt quy hoạch vườn cây xanh chủ đề. Ô đất số 17 được điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 là đất cây xanh.

Tuy nhiên, hiện diện trên đó lại là nhà hàng Queen Bee. Tương tự, ô số 37 được phê duyệt là Khu nhà văn hóa, Ban quản lý dự án và các hoạt động, hiện có nhà 2 tầng làm văn phòng Cty và Văn phòng Trung tâm xuất khẩu lao động. Tầng hầm khu sân tennis có mái che, theo quy hoạch được sử dụng làm chỗ đỗ xe, không sử dụng kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, hiện tầng hầm khu sân tennis có mái che đang được Siêu thị FiviMart và Nhà hàng Vạn Tuế sử dụng kinh doanh. 3 sân bóng mini được xây dựng trên ô số 37, được thành phố phê duyệt quy hoạch làm Khu nhà văn hóa, Ban quản lý dự án và các hoạt động khác; Khu đất giáp đường Võ Thị Sáu hiện có 17 hộ gia đình tái lấn chiếm diện tích mặt bằng đã bàn giao phục vụ dự án; 3 bãi trông giữ xe ôtô nằm trên diện tích quận Hai Bà Trưng đã GPMB được phê duyệt quy hoạch đất cây xanh, thảm cỏ.

Có mặt tại công viên Tuổi trẻ Thủ đô, dễ dàng nhận thấy khu giải trí dưới nước của công viên rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát. Phần hàng rào ngăn cách đã bị gỉ sét, hồ nước đã gần cạn, đầy cặn bẩn. Những hạng mục phụ trợ cho khu vui chơi dưới nước cũng bị hư hỏng nặng. Có chiếc thang bằng sắt đã mục ruỗng, các máng trượt đã mốc xanh. Nhiều người dân cho biết, từ ngày xây dựng đến nay, hầu như các hạng mục này không đưa vào sử dụng, để phơi nắng, phơi mưa gây lãng phí lớn. Theo thông tin từ UBND phường Thanh Nhàn, khu giải trí dưới nước đã ngừng hoạt động từ năm 2014, còn công trình vòng quay chưa từng đưa vào sử dụng do chủ đầu tư thiếu kinh phí bảo trì, bảo dưỡng.

Quyết liệt chỉ thể hiện trên giấy

Sau nhiều lần được nêu ra tại các kỳ họp HĐND thành phố, năm 2015, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Thế Thảo đã có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương xử lý các công trình vi phạm. Văn bản chỉ đạo yêu cầu, việc xử lý hoàn thành trong tháng 8/2015. Cũng trong tháng 8/2015, Sở Xây dựng tổ chức cuộc họp kiểm điểm tiến độ đối với các hạng mục vi phạm tại công viên Tuổi trẻ Thủ đô với sự tham dự của Công an Thành phố, UBND quận Hai Bà Trưng, UBND phường Thanh Nhàn, các phòng, ban chức năng. Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng chỉ đạo phường Thanh Nhàn tổ chức cưỡng chế phá dỡ triệt để và bàn giao mặt bằng đối với các hạng mục vi phạm.

Những sai phạm tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô nhiều lần được UBND thành phố và các cơ quan chỉ ra rõ ràng về quy mô, lẫn mức độ vi phạm. Tuy nhiên, vẫn giống như mọi lần, sự quyết liệt dường như chỉ thể hiện “trên giấy”. Sau hơn 2 năm, kể từ khi người đứng đầu UBND thành phố trực tiếp yêu cầu xử lý, đến nay công trình vi phạm vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, tiếp tục hoạt động công khai từ năm này qua năm khác gây bức xúc dư luận.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Triệu Như Long, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn cho biết, hiện phường mới xử lý được một số hạng mục như sân bóng đá mini, nhà dịch vụ kinh doanh giải khát bên hồ, sân tennis ngoài trời, tháo dỡ một phần hạng mục nhà dịch vụ sân tennis có mái che.

Theo ông Long, để phá dỡ các công trình xây dựng vi phạm kiên cố quy mô lớn phải có nguồn kinh phí, trong khi đơn vị quản lý là Cty TNHH MTV Đầu tư Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội, và hiện nay là Cty Công viên cây xanh lại chưa rõ ràng về trách nhiệm khiến việc xử lý gặp khó khăn, nhiều việc vượt quá thẩm quyền của chính quyền địa phương nên trước mắt phường tiếp tục vận động chủ đầu tư tự phá dỡ.

Theo Hà Thành

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên