Công viên và cao ốc
Mấy ngày qua, báo chí phản ánh buýt nhanh BRT chạy thử ở Hà Nội chỉ bằng buýt thường.
Cũng dễ hiểu một khi những chiếc buýt nhanh lọt thỏm giữa rừng xe ken dày không một chỗ trống trên đường Lê Văn Lương, đường dành riêng cũng trở nên vô hiệu!
So với đường nội đô ở các thành phố lớn trên thế giới, đường Lê Văn Lương không hề nhỏ, thậm chí còn thuộc diện lớn. Ai cũng nhận ra, chúng thường xuyên bị tắc nghẽn là do mật độ cao ốc dày đặc hai bên con đường này dẫn đến sự quá tải về mọi phương diện.
Kết luận hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 29/12, liên quan tới tình trạng tắc nghẽn ngày càng nghiêm trọng tại thủ đô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ : “Trẻ con, người dân cần nhiều công viên, vườn hoa, không gian công cộng... mà cứ xây chung cư cao tầng trong nội đô thì không ai ra ngoại thành, khu đô thị vệ tinh để định cư.
Có khu 2.800 căn hộ, mỗi nhà giàu có 2 ôtô thì đi đường nào? Tôi đề nghị ngày 15 báo cáo lên đây nhưng đến nay chưa thấy. Mảnh đất nào trống chúng ta cấp phép xây cao tầng hết thì Hà Nội sẽ ra sao?”. Thủ tướng nhấn mạnh : “Các đồng chí phải hiểu rằng không vì lợi ích trước mắt, lợi ích nhóm mà quên lợi ích cộng đồng! Nếu không sớm khắc phục thì sau này ngân sách Nhà nước đổ vào không đủ để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng để chống ùn tắc giao thông”.
Trước thực trạng trên, không ít chuyên gia lo ngại rằng, liệu quy hoạch đô thị Hà Nội có chạy theo các dự án tư nhân ? Riêng tôi tin rằng sẽ không ai được quyền cho phép và không thể có chuyện đó xảy ra ! Bởi như Thủ tướng đã cảnh báo và khẳng định : “Không vì lợi ích trước mắt, lợi ích nhóm mà quên lợi ích cộng đồng!”.
Đầu tháng 12 vừa qua, đoàn nhà báo Việt Nam vừa được dịp mục sở thị dự án đô thị sinh thái Clichy-Batignolles nằm giữa quận 17 ở Paris, do chính quyền thành phố Paris làm chủ đầu tư, dự án khởi động từ năm 2002 và sẽ kết thúc vào năm 2020.
Gọi là sinh thái bởi đô thị này sẽ không phát thải khí các-bon, bởi toàn bộ năng lượng tiêu thụ đều dùng điện mặt trời và địa nhiệt. Trên mảnh đất 54 ha, việc đầu tiên là họ xây công viên 10ha, sau đó đến trường học, nhà trẻ, nhà dưỡng lão và các công trình công cộng khác, sau đó mới đến nhà ở và văn phòng làm việc.
Đặc biệt, không có chuyện “chia lô, bán nền” như ở ta, một nửa số căn hộ tại đây được dành cho nhà ở xã hội với tiêu chuẩn y chang các căn hộ còn lại. Phía bạn tự hào giới thiệu, đây là dự án thể hiện hoài bão và tầm nhìn của Tòa thị chính Paris về sự phát triển bền vững cho thủ đô.
Nhắc lại chuyện này để thấy, để có một đô thị đẹp như Paris, chính quyền thành phố không chỉ làm chủ quy hoạch mà còn có vai trò dẫn dắt xu hướng kiến trúc cho đô thị trong tương lai.
Để có những đô thị xanh bền vững và mẫu mực như Clichy-Batignolles, chỉ có nhà nước mới có đủ sự khách quan và trách nhiệm để cân bằng mọi lợi ích, giai tầng trong xã hội. Bằng không, nếu phó thác việc phát triển các khu đô thị mới, nhất là những mô hình mang tính định hướng cho tư nhân, đương nhiên vai trò cân bằng lợi ích và dẫn dắt xu thế phát triển bền vững của nhà nước sẽ bị lu mờ.
Và chuyện xây nhà trước, thậm chí không có vườn hoa, công viên, hay trường học như ở ta cũng là điều dễ hiểu.