Coolmate góp 250 triệu đồng giúp Thỏ Bảy Màu lội ngược dòng ngoạn mục: Trở thành phim hoạt hình Việt Nam đầu tiên gọi vốn cộng đồng thành công
Ekip sản xuất phim hoạt hình Thỏ Bảy Màu đã tính tới phương án trả lại tiền cho người hâm mộ khi hết thời gian kêu gọi vốn không đạt mục tiêu đề ra khi cách 14 ngày trước khi kết thúc dự án, số tiền ủng hộ cho dự án mới tương đương 50% kế hoạch.
- 21-02-2023Loạt công ty đối thủ nhanh tay "giải cứu" học viên Apax Leaders của Shark Thủy: Tiếp nhận miễn phí, cho đến khi "không còn ai là nạn nhân"
- 21-02-2023Shein - startup thời trang đáng sợ nhất thời điểm hiện tại: Đã có lãi 4 năm liên tiếp, dự báo 2 năm nữa sẽ đạt mức doanh thu vượt Zara, H&M cộng lại
- 21-02-2023“Ông bầu” gốc Việt đã lăng xê thành công 60 DN lên sàn Mỹ: SPAC không hẳn là phương án tốt nhất cho các kỳ lân Việt nếu muốn IPO ở Mỹ
Với mục đích muốn sản xuất những bộ phim hoạt hình Việt Nam chất lượng cho người Việt Nam, tác giả Huỳnh Thái Ngọc và ekip của Sun Wolf Animation Studio đã bắt tay vào thực hiện dự án sản xuất phim hoạt hình dài tập Thỏ Bảy Màu với nguồn kinh phí từ huy động vốn cộng đồng, một hình thức không phải mới nhưng trước đó chưa có đơn vị nào ở Việt Nam thành công đạt được con số tiền tỷ.
Việc gọi vốn được bắt đầu từ ngày 15/11/2022 kéo dài đến 22/02/2023, nhằm huy động kinh phí 1,2 tỷ đồng để sản xuất 3 tập đầu tiên của loạt phim hoạt hình. Dự kiến loạt phim dài 10 tập với thời lượng hơn 120 phút.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Tiến Sơn - nhà sản xuất dự án phim hoạt hình con Thỏ kể lại câu chuyện lội ngược dòng của sự việc huy động vốn cộng đồng lần này.
Cho đến ngày 7/2/2023, cách 14 ngày trước khi kết thúc dự án, số tiền ủng hộ Thỏ Bảy Màu nhận được mới tương đương 50% kế hoạch. Team sản xuất đã tính đến phương án xấu nhất và thông báo đưa ra 2 lựa chọn cho những người đã donate (góp vốn):
- Một là trả lại số tiền đã ủng hộ.
- Hai là nếu mọi người vẫn tiếp tục ủng hộ, dựa trên số tiền sau khi đã hoàn trả lại cho những người muốn nhận lại tiền, team Thỏ sẽ tính toán về kinh phí quà tặng (cho những người đã donate) và sản xuất số tập phim dựa trên số tiền có được (dự trù kinh phí: 400 triệu đồng/tập phim).
Đội ngũ sản xuất phim hoạt hình Thỏ cũng thể hiện quyết tâm, dù không đủ tiền sản xuất nguyên series nhưng sẽ cố gắng tìm phương án khác để ra mắt được phim như kế hoạch đề ra.
Ngày 17/02/2023, cách đích 5 ngày, số tiền ủng hộ đội ngũ nhận được mới bằng 65% so với kế hoạch đề ra.
" Lúc này, hoạt hình vẫn ở rất xa ", Tiến Sơn nói.
Ngày 20/02/2023, lượng tiền donate đột nhiên tăng tốc mạnh. Đặc biệt, có 2 mạnh thường quân với khoản đóng góp lớn lên tới 250 triệu đồng và 100 triệu đồng là phía nhãn hàng Coolmate của Công ty TNHH Fastech Asia và W2WCartoon - một kênh Youtube chuyên review phim hoạt hình đã tương trợ cho dự án phim Thỏ khi deadline cận kề.
"Đây hoàn toàn là tiền donate từ phía nhãn hàng không đi kèm bất cứ yêu cầu quảng cáo nào trong 3 tập phim Thỏ Bảy Màu sản xuất tới đây ", Tiến Sơn cho biết thêm.
Cùng với đó là sự ủng hộ của rất nhiều Fan nhà Thỏ, nhờ vậy, tính đến 4 giờ 20 phút chiều ngày 21/02/2023, team Thỏ đã nhận được ủng hộ của 4.955 người ủng hộ với số tiền lên tới 1,374 tỷ đồng (làm tròn), tương đương hoàn thành 114% mục tiêu và chính thức ngừng nhận tài trợ trước thời hạn gần 10 giờ đồng hồ.
" Bọn mình rất vui và muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả những người đã yêu quý và ủng hộ Thỏ Bảy Màu cùng giấc mơ sản xuất phim hoạt hình Việt Nam cho người Việt Nam. Giờ thì bắt tay vào sản xuất 3 tập phim đầu tiên theo kế hoạch thôi ", Nguyễn Tiến Sơn, đại diện team sản xuất của Thỏ Bảy Màu chia sẻ.
Đây cũng là lần đầu tiên có một phim hoạt hình gọi vốn cộng đồng thành công ở Việt Nam.
Khi được hỏi về kế hoạch của 7 tập phim còn lại trong dự kiến series 10 tập phim, Tiến Sơn cho biết, anh và đội ngũ sản xuất của Thỏ Bảy Màu sẽ tìm những phương án khác để có vốn làm phim. Chẳng hạn như kêu gọi tài trợ từ các nhãn hàng, tìm kiếm các nhà đầu tư hoặc "lấy ngắn nuôi dài" bằng cách sản xuất các sản phẩm thương mại, quảng cáo để lấy tiền nuôi mơ ước làm phim hoạt hình.
Nhịp sống thị trường