Cột mốc tỷ đô - Mục tiêu không còn xa vời của các doanh nghiệp Việt
Trong phạm vi khu vực Đông Nam Á, việc một doanh nghiệp có vốn hóa 1 tỷ USD (~ 22.400 tỷ đồng) chỉ có quy mô “thường thường bậc trung”. Tuy nhiên, đối với phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, 1 tỷ USD vốn hóa vẫn là cột mốc mà rất nhiều doanh nghiệp khao khát.
Cái tên mới nhất gia nhập danh sách này là Habeco. Cổ phiếu này tăng kịch trần trong cả 5 phiên đầu tiên giao dịch trên sàn và chốt ngày 3/11 tại mức giá 95.300 đồng/cp – tương ứng giá trị công ty đạt hơn 22.000 tỷ đồng. Với cơ cấu cổ đông cô đặc cùng kỳ vọng vào đợt thoái vốn nhà nước sắp tới, nhiều khả năng giá trị của Habeco sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Việc có thêm Habeco đã đưa số doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam lên con số 13 – con số kỷ lục trong hơn 16 năm hoạt động.
Danh sách này chắc sẽ còn mở rộng trong thời gian tới khi mà một loạt doanh nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như Sabeco, Tổng Công ty Cảng hàng không – ACV, Vietnam Airlines… sẽ lên sàn theo yêu cầu của Chính phủ.
Mặc dù phần lớn các doanh nghiệp tỷ đô hiện hữu là những doanh nghiệp do nhà nước nắm cổ phần đa số nhưng số doanh nghiệp tư nhân đạt cột mốc tỷ đô vốn hóa cũng không còn quá hiếm. Điển hình là Vingroup, Masan Group, Hòa Phát, Thế giới Di động hay Faros. Novaland Group – một cái tên đình đám trong ngành bất động sản được dự báo sẽ gia nhập nhóm tỷ đô khi niêm yết trong thời gian tới.
Doanh thu tỷ đô, tài sản tỷ đô
Bên cạnh tiêu chí về vốn hóa dành riêng cho các công ty niêm yết, các doanh nghiệp Việt đạt được cột mốc tỷ đô về doanh thu, tài sản, vốn chủ sở hữu… cũng ngày càng nhiều lên.
Chỉ có tiêu chí lợi nhuận tỷ đô là cột mốc “khó nhằn” mà hiện cả nước mới chỉ có 3 tập đoàn lớn đạt được là PVN, Viettel và Samsung Electronics Vietnam.
Giống như tiêu chí lợi nhuận thì tiêu chí vốn chủ sở hữu tỷ đô cũng là một cột mốc tương đối khó khăn để đạt được, đặc biệt là với một số doanh nghiệp có truyền thống trả cổ tức cao như Vinamilk.
Với tiêu chí doanh thu, theo thống kê sơ bộ của CafeF, có khoảng gần 50 doanh nghiệp tại Việt Nam đạt được doanh thu trên 1 tỷ USD, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và FDI.
Tính riêng trong nhóm các doanh nghiệp tư nhân, có khoảng gần chục doanh nghiệp đạt doanh thu trên 1 tỷ USD gồm FPT, Vingroup, Ô tô Trường Hải – Thaco, Thế giới Di động, Masan Group, Intimex Group, Hòa Phát Group, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji và ngân hàng SCB.
Số doanh nghiệp đạt doanh thu tỷ đô chắc chắn sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới khi mà quy mô của nền kinh tế ngày một lớn hơn, nhiều dự án đầu tư mở rộng quy mô lớn được các doanh nghiệp triển khai cũng như hoạt động M&A được đẩy mạnh.
Với các ngân hàng và những doanh nghiệp nhà nước nắm giữ các lĩnh vực trọng yếu của đất nước thì tài sản tỷ đô chỉ là chuyện nhỏ. Còn với các doanh nghiệp tư nhân mới chỉ có một nhóm nhỏ đạt được như Hòa Phát, FPT, Hoàng Anh Gia Lai, Masan Group, Vingroup, Novaland, Him Lam Group…
Trong số các doanh nghiệp tư nhân, hiện chỉ có Vingroup đạt được cả 4 tiêu chí tỷ đô gồm doanh thu, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu và vốn hóa thị trường.
Trí Thức Trẻ