MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

COVID-19 có thể ảnh hưởng đến thận: Những ai nên chú ý?

27-06-2021 - 22:37 PM | Sống

2 sẽ gây tổn thương trực tiếp làm hoại tử tế bào ở thận hoặc gián tiếp thông qua các đáp ứng viêm, tổn thương nội mạc mạch máu, tình trạng tăng đông, thiếu oxy cho mô, thiếu nước…

Gần đây, số ca nhiễm COVID-19 (SARS-CoV-2) tại Việt Nam chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong đó có nhiều ca nhiễm mới tại TP.HCM.

Đặc biệt dịch bệnh cũng đã tấn công vào hệ thống đầu não đang điều trị bệnh COVID-19, đó là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Nỗi ám ảnh về những trường hợp mắc COVID-19 tử vong ở những người bệnh thận mạn tại Bệnh viện Đà Nẵng cách đây 1 năm vẫn làm day dứt bao người.

Điện thoại bác sĩ kêu liên tục với những cuộc gọi của người mắc bệnh thận: Tôi có nên đi khám bệnh không? Tôi phải làm như thế nào đây khi không thể lên thành phố khám bệnh? Tôi phải làm sao để tránh bị lây nhiễm? Tôi có nên chích ngừa không?...

Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ COVID-19 ảnh hưởng đến thận như thế nào và làm sao để người bệnh thận mạn tính vẫn sống an toàn, vui khỏe vượt qua đại dịch mà vẫn điều trị bệnh được tối ưu và đầy đủ.

Bệnh thận mạn là gì?

Người mắc bệnh thận mạn là người bị giảm chức năng thận mạn tính với độ lọc cầu thận ước đoán nhỏ hơn 60 mL/phút/1,73m2 da, đồng thời gây tổn thương thận như tiểu albumin, cặn lắng nước tiểu bất thường, bất thường về cấu trúc thận kéo dài trên 3 tháng và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Tần suất người mắc bệnh thận mạn từ 10 - 15% dân số, ước tính có khoảng 850 triệu người trên thế giới đang mắc bệnh thận mạn.

Khi thận bị suy chức năng tiến triển, người bệnh sẽ mệt mỏi, kém tập trung, ăn kém, nôn ói, thiếu máu, tăng huyết áp, thậm chí hôn mê, co giật. Một khi tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối, người bệnh sẽ tử vong nếu không áp dụng các biện pháp điều trị thay thế thận như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận.

COVID-19 có thể ảnh hưởng đến thận: Những ai nên chú ý? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

COVID-19 ảnh hưởng đến thận như thế nào?

COVID-19 là bệnh lý đường hô hấp nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến thận. Virus SARS-CoV-2 sẽ gây tổn thương trực tiếp làm hoại tử tế bào ở thận hoặc gián tiếp thông qua các đáp ứng viêm, tổn thương nội mạc mạch máu, tình trạng tăng đông, thiếu oxy cho mô, thiếu nước…

Tất cả các yếu tố này gây nên tình trạng tổn thương thận cấp với nguy cơ 30% - 50% ở các trường hợp bệnh nhân hồi sức tích cực, làm tăng tỉ lệ tử vong lên tới 40% - 60%.

Một số người bệnh sống sót được cũng có thể dẫn tới suy thận mạn giai đoạn cuối, phải điều trị thay thế thận lâu dài. Nếu người mắc COVID-19 trước đó mắc bệnh thận mạn, virus sẽ phát triển nhanh chóng. Thực ra bản thân bệnh thận mạn không làm tăng nguy cơ nhiễm virus. Tuy nhiên, người bệnh có thể dễ mắc bệnh hơn nếu hệ miễn dịch bị suy yếu do uống thuốc chống thải ghép khi ghép thận, chạy thận nhân tạo, suy thận mạn giai đoạn cuối.

Nếu nhiễm COVID-19, người bệnh thận mạn dễ bị bệnh nặng hơn người bình thường, chức năng thận càng bị sụt giảm nhiều hơn. Bệnh thận càng nặng, hậu quả của COVID-19 càng nặng nề hơn, nguy cơ nhập viện và tử vong cao hơn rất nhiều.

Nguy cơ này thậm chí còn cao hơn nếu có các bệnh đi kèm như: đái tháo đường, bệnh tim mạch, béo phì hay bệnh phổi. Một nghiên cứu trên 3.285 người bệnh chạy thận nhân tạo tại Anh Quốc cho thấy, nguy cơ tử vong do COVID-19 trên nhóm này gấp 21 lần so với người bình thường.

Triệu chứng của COVID-19 là gì?

Triệu chứng của COVID-19 thường biểu hiện sau 2-14 ngày sau tiếp xúc với virus. Các triệu chứng có thể bao gồm: sốt, ớn lạnh, đau nhức toàn thân, đau đầu, ho, đau họng, khó thở, mệt mỏi, mất vị giác, khướu giác, nghẹt mũi, chảy mũi, rối loạn tiêu hóa.

Nếu bạn có các triệu chứng trên và nghi ngờ rằng mình đã tiếp xúc virus thì nên liên lạc với cơ sở y tế để được xét nghiệm COVID-19. Cần đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu bạn có các dấu hiệu sau: khó thở, đau ngực, rối loạn tri giác, lơ mơ, tím môi, tím mặt.

COVID-19 có thể ảnh hưởng đến thận: Những ai nên chú ý? - Ảnh 2.

Bác sĩ Thảo đang khám cho bệnh nhân suy thận mạn.

Người mắc bệnh thận mạn cần làm gì trong thời đại dịch COVID-19, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội?

1. Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm

Người bệnh mắc bệnh thận mạn có nguy cơ diễn tiến nặng nếu nhiễm COVID-19. Vì vậy, cần áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm như:

- Tránh tiếp xúc, giữ khoảng cách trên 2 mét.

- Mang khẩu trang có chất lượng và kín, có thể mang hai khẩu trang ở nơi công cộng.

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch.

- Luôn mang theo dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Chú ý sát khuẩn tay sau khi sờ vào bất cứ vật gì ở nơi công cộng như khóa vòi nước, nút bấm ở máy rút tiền tự động, tay vịn cầu thang…

- Tránh sờ vào mắt, mũi và miệng nếu chưa rửa tay.

- Lau sạch và sát khuẩn thường xuyên những vật dụng mà bạn thường sử dụng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, điện thoại…

2. Tuân thủ chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ

Điều trị bệnh thận mạn là một phần trong cuộc sống người bệnh, không thể nào bỏ qua được dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Người bệnh cần tuân thủ chế độ điều trị, chế độ ăn kiêng đảm bảo đầy đủ năng lượng và chất dinh dưỡng theo bác sĩ hướng dẫn.

Nếu không thể đến bệnh viện tái khám do đang trong thời gian giãn cách, hoặc đang cư trú trong khu vực bị phong tỏa, người bệnh phải liên hệ với bác sĩ để thông báo về tình hình sức khỏe và tìm giải pháp để duy trì thuốc đang uống, đặc biệt đối với những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như ghép thận hoặc mắc bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống.

Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ bằng các phương tiện như điện thoại, email, zalo, viber, messenger…

3. Dự trữ các thực phẩm, thuốc, vật dụng cần thiết

Nếu có thể, cần mua dự trữ những thức ăn kiêng mà người suy thận thường sử dụng cùng các gia vị, đồ gia dụng cần thiết. Người bệnh cần lên danh sách và lập kế hoạch mua dự trữ những thứ này. Nên có sẵn thuốc uống trong 30 ngày. Hiện nay, Bảo hiểm y tế có thể cho phép cấp thuốc trong 90 ngày nếu tình trạng bệnh lý cho phép.

4. Duy trì chạy thận nhân tạo

Nếu người bệnh đang chạy thận nhân tạo, điều quan trọng là phải tiếp tục chế độ điều trị đang có, không được bỏ cữ chạy thận nào. Được lọc máu đầy đủ sẽ giúp cho hệ miễn dịch mạnh mẽ và ít nguy cơ lây nhiễm virus hơn.

Mặt khác, việc bỏ các cữ chạy thận có thể dẫn đến các biến chứng như phù phổi cấp, tăng kali máu làm nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh hoặc làm cho người bệnh phải nhập viện cấp cứu, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh tại bệnh viện, làm tăng gánh nặng cho nhân viên y tế.

Hiện nay, tất cả các cơ sở chạy thận nhân tạo cũng áp dụng các biện pháp phòng tránh lây lan virus. Bạn cần áp dụng triệt để khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để bảo vệ bản thân, tránh lây nhiễm.

Nếu người bệnh có dấu hiệu nghi nhiễm COVID-19, tiếp xúc gần với người nghi nhiễm, hoặc ở trong khu cách ly, phong tỏa, cần gọi điện thoại báo trước cho cơ sở chạy thận nhân tạo để được hướng dẫn, được giới thiệu đến nơi chạy thận an toàn tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

5. Chọn phương pháp lọc màng bụng

Lọc màng bụng là biện pháp điều trị thay thế thận thích hợp trong mùa dịch COVID-19 và được Bộ Y tế khuyến cáo ưu tiên áp dụng nếu không có chống chỉ định. Với phương pháp này, người bệnh có thể tự làm tại nhà, ít nguy cơ tiếp xúc với người bệnh khác, nhân viên y tế trong bệnh viện, không phải di chuyển từ nhà đến bệnh viện 3 lần/tuần, không phải phụ thuộc vào máy móc của trung tâm thận nhân tạo nên đặc biệt thích hợp trong thời gian giãn cách xã hội.

Người bệnh có thể thăm khám bệnh từ xa, trao đổi với bác sĩ qua điện thoại.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Khoa Nội thận – Thận nhân tạo đã thành lập Câu lạc bộ người bệnh dưới hình thức nhóm trên Zalo. Bác sĩ sẽ gửi lên nhóm các video hướng dẫn cách chăm sóc, chế độ ăn, chế độ sinh hoạt phù hợp cho người bệnh.

Đây còn là nơi trao đổi tình cảm, tâm tư giữa các người bệnh với nhau để vơi bớt những lo lắng về bệnh tật, giải tỏa căng thẳng trong những ngày giãn cách xã hội.

6. Điều trị chống thải ghép

Điều trị chống thải ghép sau khi được ghép thận là hết sức quan trọng, không thể bỏ qua. Tuy nhiên, các thuốc này có tác dụng ức chế hệ miễn dịch, làm cho cơ thể mất sức đề kháng nên dễ bị nhiễm trùng và nhiễm virus hơn. Các thuốc này rất quan trọng, quyết định phần lớn đến hiệu quả điều trị nên người bệnh phải duy trì đều đặn theo hướng dẫn.

Trong trường hợp có những thắc mắc về việc sử dụng thuốc, người bệnh cần liên hệ ngay với Bác sĩ để được giải đáp.

7. Sống khỏe về thể chất và tinh thần

Cần xây dựng những thói quen lành mạnh về thể chất cũng như tinh thần. Không lo lắng thái quá, hoặc hoang mang sẽ làm cho tình trạng sức khỏe suy yếu, cũng dễ nhiễm bệnh hơn. Ngoài ra, các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch cũng là những yếu tố nguy cơ làm cho bệnh COVID-19 nặng lên nên không thể bỏ qua việc điều trị các bệnh lý này.

Những biện pháp giữ gìn sức khỏe

- Đi khám đúng hẹn, hoặc có thể khám từ xa qua điện thoại, qua hệ thống internet

- Ăn uống lành mạnh, tập thể dục hàng ngày, ngủ đủ giấc

- Theo dõi các khuyến cáo của nhân viên y tế để phòng bệnh tốt

Trao đổi với bác sĩ về các cuộc mổ hoặc các thủ thuật có thể làm sắp tới và các mối băn khoăn về COVID-19. Vì COVID-19 diễn tiến rất nhanh, nên thông báo ngay cho bác sĩ các triệu chứng ngay cả khi mình nghĩ không quan trọng.

Nếu tôi mắc bệnh thận mạn, tôi có nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay không?

Những người bị suy giảm miễn dịch không nên chích vaccine sống làm giảm độc lực. Tốt nhất nên chích loại vaccine chứa mRNA. Các vaccine này có thể giúp cơ thể nhận ra và chống lại virus, nên bạn sẽ ít khả năng mắc bệnh hơn. Hoặc nếu có nhiễm virus sẽ ít bị bệnh nặng hơn và tỉ lệ nhập viện hoặc tỉ lệ tử vong thấp hơn, hồi phục sớm hơn. CDC khuyến cáo người mắc bệnh thận mạn là đối tượng ưu tiên chích ngừa COVID-19.

Tóm lại, người bệnh thận mạn vẫn có thể sống an nhiên vượt qua đại dịch COVID-19 nếu biết tuân thủ các biện pháp phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm, duy trì liên tục các biện pháp điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan và chủ động trang bị các kiến thức cho bản thân để kiểm soát tốt sức khỏe của bản thân, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cũng như đảm bảo an toàn cho bản thân trong mùa dịch.

ThS BS. Huỳnh Ngọc Phương Thảo - Trưởng khoa Nội thận – Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM

Theo ThS BS. Huỳnh Ngọc Phương Thảo

Doanh nghiệp & Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên