Covid-19 kéo giảm mạnh giá trị của hàng loạt đồng tiền châu Á
Trước tình hình đại dịch virus Covid-19, đồng tiền của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải gánh chịu những tác động nặng nề khi chuỗi cung ứng bị phá vỡ và lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc sụt giảm mạnh.
- 15-02-2020Covid-19 và kinh tế toàn cầu: Những biến số chưa từng xuất hiện!
- 13-02-2020Các chủ nhà máy Trung Quốc: "Covid-19 còn đáng sợ hơn chiến tranh thương mại. Thương chiến chỉ khiến lợi nhuận sụt giảm, còn bây giờ chúng tôi không kiếm được tiền!"
- 05-02-2020Thái Lan giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế do tác động của virus Corona
Tiền tệ trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng cao vào cuối năm ngoái nhờ những tín hiệu "hạ nhiệt" trong quan hệ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu do virus Covid-19 gây ra đã phá hủy đà tăng đó.
Sau một giai đoạn "phục hồi" trở lại gần 4% vào tháng 12 năm ngoái, đồng đô la Úc đã "vấp ngã" vào tuần trước đến mức yếu nhất trong gần một thập kỷ qua. Đồng tiền của Thái Lan và Singapore cũng đã giảm giá sau khi Ngân hàng Trung ương hai nước này cảnh báo về rủi ro của nền kinh tế khi chuỗi cung ứng bị phá vỡ và lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc sụt giảm mạnh.
Christy Tan, người đứng đầu về nghiên cứu chiến lược thị trường châu Á tại ngân hàng NAB của Úc có trụ sở tại Melbourne, cho biết, về cơ bản mọi người đều kỳ vọng về sự ổn định của thị trường và các hoạt động kinh tế sẽ được cải thiện sau khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận ngừng thương chiến vào tháng 12. Nhưng lúc này, thị trường lại đang cho thấy một sự tăng trưởng chậm lại đáng kể.
Từ cuộc chiến thương mại đến cuộc chiến chống lại virus, đó là cú sốc đối với thị trường tài chính và đối với tình hình tăng trưởng toàn cầu. Đồng đô la Úc đang là đồng tiền hoạt động kém nhất trong khu vực, mặc dù Ngân hàng Trung ương đang cố gắng hạn chế tác động của sự bùng phát virus. Đồng tiền này đã mất giá 4,3% so với đồng đô la Mỹ trong năm nay.
Sự sụt giảm xuất hiện vào thời điểm tồi tệ nhất với các nhà đầu tư và thương nhân, những người đang cảm thấy "hứng thú" với đồng đô la Úc. Theo báo cáo từ Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ, tỷ lệ đặt cược vào đồng đô la Úc tại thị trường tương lai đã giảm một nửa trong khoảng thời gian từ 17/12 đến 21/1, đạt mức thấp nhất trong 20 tháng qua. Điều này thể hiện sự lo ngại về triển vọng tăng trưởng ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Mansoor Mohi-uddin, chiến lược gia cao cấp tại NatWest Markets, cho biết những ảnh hưởng đến hoạt động và phản ứng tức thời từ một số Ngân hàng Trung ương là nguyên nhân dẫn đến những lo ngại, vì chúng phản ánh các nền kinh tế dễ bị tổn thương đến mức nào.
Sau khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan bất ngờ cắt giảm lãi suất vào hôm 5/2, đồng Baht của nước này đã mất giá 4% trong năm nay, sau khi tăng 10% trong năm 2019. Khách du lịch, đặc biệt là du khách Trung Quốc (chiếm tới hơn 1/4 trong tổng số 38 triệu khách du lịch tại Thái Lan vào năm ngoái) đã giảm đi đáng kể do việc hạn chế đi lại từ khi dịch bệnh bùng phát.
Prakash Sakpal, chuyên gia kinh tế tại ING Bank cho biết, "Đồng Baht suy yếu là một mối lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến điều này đến từ tác động tiêu cực mà dịch bệnh gây ra cho ngành du lịch lại không phải là một điều tốt."
Các nhà phân tích dự đoán rằng virus Covid-19 sẽ gây tổn hại đến ngành giải trí và du lịch trong nhiều tháng tới, như cách mà dịch SARS đã làm vào năm 2003. "Nếu mọi thứ diễn biến giống như tại thời điểm bùng phát dịch SARS, dịch bệnh lần này sẽ gây ảnh hưởng trong khoảng thời gian từ 1 - 2 quý," theo Suchart Techposal, giám đốc nghiên cứu tại CLSA Securities.
Trường hợp tương tự cũng đang xảy ra ở Hàn Quốc và Singapore. Đồng won đã giảm 2% trong năm nay, trong khi đồng đô la Singapore đã giảm 2,8% so với đồng bạc xanh. Hầu hết những sự sụt giảm giá trị tiền tệ này đều xảy ra ngay sau khi Trung Quốc bắt đầu ghi nhận về sự gia tăng của các trường hợp nhiễm virus Covid-19 từ giữa tháng một năm nay.
Việc bán tháo tiền tệ đã giảm mạnh vào tuần trước sau khi Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) cho biết họ có đủ các công cụ phòng vệ phù hợp với chính sách nới lỏng tỷ giá hối đoái của đồng đô la Singapore, phản ánh sự suy yếu kinh tế do virus Covid-19 gây ra. Tuy nhiên theo Margaret Yang, một nhà phân tích thị trường, tuyên bố của MAS đã đẩy nhanh sự sụt giảm giá trị của đồng đô la Singapore, thêm vào đó nó vẫn sẽ còn phải chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi áp lực kinh tế đi xuống là khá rõ ràng.
Ngân hàng lớn nhất của Singapore - DBS đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội năm 2020 của Singapore xuống 0,9%, từ mức 1,4% trước đó, với lý do giảm 1 triệu lượt khách du lịch sau ba tháng Singapore cấm nhập cảnh đối với người mang hộ chiếu Trung Quốc.
Bất chấp "hiệu ứng domino" về sự sụt giảm giá trị các đồng tiền trong khu vực, tỷ giá của đồng Nhân dân tệ Trung Quốc so với đồng đô la Mỹ được quy định chặt chẽ và chỉ suy giảm ở mức thấp, 0,4% trong năm nay. Các chuyên gia nhận định các động thái của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nhằm hỗ trợ nền kinh tế của nước này, bao gồm cả việc bơm tiền vào thị trường vay ngắn hạn, đã giúp ngăn chặn sự sụt giảm mạnh hơn. Tuy nhiên nhiều dự báo chỉ ra rằng các nhà đầu tư sẽ tiếp tục đặt cược vào việc đồng Nhân dân tệ mất giá và có xu hướng nhắm mục tiêu vào các loại tiền tệ khác trong khu vực cho đến khi tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc được cải thiện.
Tham khảo: Financial Times