MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Covid-19: Kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh nhất từ Đại khủng hoảng, tồi tệ hơn nhiều năm 2008

19-05-2020 - 17:36 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều nước trên thế giới phải dùng biện pháp phong tỏa chống Covid-19, đồng nghĩa hàng triệu người ở nhà, các doanh nghiệp đóng cửa và gần như tất cả hoạt động kinh tế ngưng trệ.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm hơn 3% vào năm 2020 - mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930.

Hiện tại, khi một số quốc gia dỡ bỏ các hạn chế và dần dần tái khởi động nền kinh tế, hãy xem đại dịch đã ảnh hưởng thế nào đến các quốc gia và cách ứng phó.

Nền kinh tế đã bị ảnh hưởng như thế nào?

Đại dịch đã đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái, có nghĩa là nền kinh tế bắt đầu thu hẹp và tăng trưởng dừng lại.

Tại Mỹ, sự gián đoạn liên quan đến Covid-19 đã dẫn đến việc hàng triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Chỉ riêng trong tháng 4, con số đã ở mức 20,5 triệu người và dự kiến sẽ tăng lên khi tác động của đại dịch trên thị trường lao động Mỹ trở nên tồi tệ hơn.

Theo báo cáo của Reuters, kể từ ngày 21/3, hơn 36 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, chiếm gần một phần tư dân số trong độ tuổi lao động.

Hơn nữa, một phân tích ban đầu của IMF cho thấy rằng sản lượng sản xuất ở nhiều quốc gia đã giảm, điều này phản ánh sự sụt giảm nhu cầu cả bên ngoài và trong nước.

Covid-19 và tăng trưởng toàn cầu

Theo ước tính của IMF, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng ở mức âm 3% vào năm 2020 là kết quả tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Các nền kinh tế như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng âm trong năm nay lần lượt là -5,9; -5,2; -6,5; -7; -7,2; -9,1 và -8%.

Các nền kinh tế tiên tiến đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn và dự kiến sẽ tăng trưởng âm 6% vào năm 2020. Các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ tăng trưởng âm 1%.

GDP của Trung Quốc đã giảm 36,6% trong quý đầu tiên của năm 2020, trong khi sản lượng của Hàn Quốc giảm 5,5%, do nước này không áp dụng phong tỏa nhưng lại thực hiện chiến lược kiểm tra, truy vết và kiểm dịch mạnh mẽ.

Tại châu Âu, GDP của Pháp, Tây Ban Nha và Ý đã giảm lần lượt 21,3; 19,2 và 17,5%.

Dầu và khí tự nhiên

Do du lịch giảm, hoạt động công nghiệp toàn cầu đã bị ảnh hưởng. Giá dầu giảm hơn nữa trong tháng 3 do nhu cầu ngành vận tải giảm, chỉ chiếm 60% nhu cầu về dầu.

Không chỉ dầu, đầu năm nay tại Trung Quốc, do các biện pháp ngăn chặn liên quan đến Covid-19, nhu cầu khí đốt tự nhiên đã giảm.

Kim loại công nghiệp

Do lệnh phong tỏa ở Trung Quốc, tiếp theo là ở Mỹ và châu Âu, nhu cầu về kim loại công nghiệp giảm xuống khi các nhà máy đóng cửa.

Theo IMF, Trung Quốc chiếm khoảng một nửa nhu cầu toàn cầu về kim loại công nghiệp.

Thực phẩm và đồ uống

IMF dự báo giá lương thực giảm 2,6% vào năm 2020 do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, sự chậm trễ tại khu vực biên giới, mối lo ngại về an ninh lương thực ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và hạn chế xuất khẩu.

Trong thời gian phong tỏa, trong khi giá ngũ cốc, cam, hải sản và cà phê arabica đã tăng lên, giá trà, thịt, len và bông đã giảm. Hơn nữa, sự sụt giảm giá dầu đã gây áp lực làm giảm giá dầu cọ, dầu đậu nành, đường và ngô.

Covid-19: Kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh nhất từ Đại khủng hoảng, tồi tệ hơn nhiều năm 2008 - Ảnh 1.

(Ảnh: EPA)

Các nước đã đối phó như thế nào?

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất quan trọng để duy trì việc làm và ổn định tài chính.

Tại Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman đã công bố một số chi tiết về gói Atmanirbhar Bharat Abhiyan, nhằm cung cấp cứu trợ cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs) dưới hình thức tăng bảo lãnh tín dụng.

Nhiều nền kinh tế tiên tiến trên thế giới đã tung ra các gói hỗ trợ. Trong khi gói kích thích kinh tế của Ấn Độ là 10% GDP, thì Nhật Bản là 21,1%, tiếp theo là Mỹ (13%), Thụy Điển (12%), Đức (10,7%), Pháp (9,3%), Tây Ban Nha (7,3%) và Ý (5,7%).

Tuy nhiên, WEF cũng lưu ý có thể lo ngại rằng quy mô của các gói kích thích kinh tế có thể không đủ trong thời gian xảy ra khủng hoảng; việc giải ngân có thể chậm hơn mức cần thiết; không phải tất cả các công ty có nhu cầu sẽ được nằm trong mục tiêu hỗ trợ; và các chương trình như vậy có thể phụ thuộc quá nhiều vào tài chính nợ.

Ở châu Á, các quốc gia bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc chiếm khoảng 85% trong tổng số các trường hợp nhiễm Covid-19 trên toàn châu lục.

Vì các hoạt động kinh doanh và kinh tế chưa hoàn toàn dừng lại, nền kinh tế của Hàn Quốc không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trung Quốc gần đây đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa và từ đó đã dần mở cửa trở lại nền kinh tế mà không có làn sóng lây nhiễm thứ hai mạnh mẽ cho đến nay.

Hơn nữa, ngay cả khi hoạt động kinh tế dần dần tiếp tục, sẽ mất thời gian để bình thường hóa tình hình, vì hành vi của người tiêu dùng thay đổi do sự giãn cách xã hội vẫn tiếp diễn và sự không chắc chắn về cách thức đại dịch sẽ tiến triển.

Ví dụ, trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới năm 2020, IMF đề cập rằng các công ty có thể bắt đầu tuyển dụng nhiều người hơn và chỉ mở rộng biên chế, vì họ có thể không rõ ràng về nhu cầu cho đầu ra.

Do đó, cùng với truyền thông rõ ràng và hiệu quả, các gói kích thích tài chính và tiền tệ với quy mô rộng rãi sẽ được yêu cầu phối hợp trên phạm vi quốc tế để có tác động tối đa và có hiệu quả nhất để tăng chi tiêu trong giai đoạn phục hồi.

Covid-19: Kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh nhất từ Đại khủng hoảng, tồi tệ hơn nhiều năm 2008 - Ảnh 2.

Theo PV

Trí thức trẻ

Trở lên trên