MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Covid-19 làm tăng mạnh nhu cầu đồ dùng làm việc tại nhà

20-08-2020 - 12:50 PM | Thị trường

Dịch Covid-19 đã gây thiếu hụt nhiều mặt hàng, trong đó có bàn, ghế và một số đồ dùng làm việc khác, do người dân phải thực hiện giãn cách xã hội nên làm việc/học tập ở nhà nhiều hơn.

Lúc mới xảy ra đại dịch Covid-19 ở Mỹ, hồi tháng 4/2020, 52% người Mỹ có việc làm cho biết, họ phải chuyển sang làm việc thường xuyên ở nhà để tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi 18% cho biết họ thỉnh thoảng làm việc ở nhà, theo kết quả khảo sát của Gallup. Nhưng kết quả khảo sát sau đó cho thấy, một nửa trong số những người có việc làm cho biết, họ muốn tiếp tục làm việc thường xuyên kiểu này kể cả khi dịch bệnh kết thúc, trong đó 27% nói rằng họ thích làm việc từ xa và sợ hãi về dịch Covid-19. Ở các nước khác, tình hình cũng tương tự.

Ngay tại ở Việt Nam, dịch bệnh bùng phát cũng dẫn tới nhu cầu gia tăng đối với bàn ghế. Như hồi tháng 4 vừa qua, hơn 23,5 triệu học sinh, sinh viên học trực tuyến tại nhà cùng hàng triệu nhân viên văn phòng chuyển sang chế độ làm việc tại nhà tạo ra thị trường vô cùng lớn cho các doanh nghiệp nội thất, ngành hàng chăm sóc nhà cửa trong mùa Covid-19. Theo đó, một số gia đình đầu tư hẳn không gian văn phòng làm việc ở nhà vì có thể thói quen mới này sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng. Không những mua sắm nội thất văn phòng cho nhu cầu làm việc tại nhà, nhiều gia đình cũng bắt đầu chăm chút hơn cho không gian sống. Từ ghế thư giãn, đèn đọc sách đến các thiết bị điện tử phục vụ giải trí ở nhà cũng được nhiều người mạnh tay chi tiền phục vụ cho khoảng thời gian cách ly xã hội. Những mặt hàng được săn mua nhiều như bàn làm việc có thể gấp xếp gọn, kệ sách, máy in, bàn máy tính, đồ dùng văn phòng phẩm...

Các nhà sản xuất đồ nội thất văn phòng Mỹ đang tận dụng cơ hội này để tăng cường sản xuất, giữa bối cảnh các ngành kinh doanh khác trì trệ.

Trong nhiều thập kỷ qua, những hãng nội thất như Herman Miller Inc MLHR.O và Steelcase Inc SCS.N (của Mỹ) chỉ tập trung bán hàng qua các đại lý chính của họ, các đại lý này bán sản phẩm cho các khách hàng (chủ yếu là các công ty) bằng cách dùng xe tải đưa hàng và đội kỹ thuật đến tận nơi rồi lắp đặt và bàn giao cho khách. Tuy nhiên, chưa có một doanh nghiệp hay đại lý đồ nội thất nào chuẩn bị sẵn sàng phương án cho việc có một lượng lớn đơn đặt hàng mua bàn làm việc đứng điều chỉnh chiều cao (single adjustable desk) từ số lượng khách hàng tăng đột biến – những người phải làm việc ở nhà – thường xuyên phải thực hiện các cuộc họp từ xa, ngay tại những căn phòng ngủ "trống rỗng đồ nội thất".

Trong khi nhu cầu tăng cao thì hầu như các cửa hàng bán đồ nội thất phương Tây đều khan hiếm nguồn hàng. Nguyên nhân vì bên cạnh nhu cầu mua mạnh thì các nhà sản xuất bàn ghế còn rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng do thiếu công nhân và các cơ sở sản xuất cũng như vật liệu trong thời gian qua đều được ưu tiên cho sản xuất trang thiết bị y tế. Do đó, giá các mặt hàng này đã tăng rất nhanh.

Mặt khác, không phải đồ nội thất nào cũng rơi vào tình trạng khan hiếm. Thứ đang khan hiếm là những đồ nội thất để làm việc ở nhà. Mặt khác, giá cao và việc vận chuyển khó khăn cũng thách thức các doanh nghiệp.

Khách hàng muốn mua bàn ghế để làm việc ở nhà thường muốn món đồ đó có thể được gửi bằng dịch vụ giao hàng bằng cách đóng gói chỉ trong 1 chiếc thùng, và hàng đó có thể dễ dàng lắp ráp để họ tự lắp được ở nhà mà không cần có dụng cụ đặc biệt.

Giá cả cũng là một yếu tố rất quan trọng. Giá một chiếc ghế Aeron – thiết kế kiểu cổ điển của Herman Miller, có một số mẫu có thể lên tới 1.000 USD. Đồ nội thất văn phòng có thể còn có giá đắt hơn nữa, tuỳ thuộc vào mức độ phức tạp và các tính năng của sản phẩm, chẳng hạn như bàn đặt laptop có thể điều chỉnh hay "cánh tay tích hợp" để giữ máy tính. Những người làm việc ở nhà ít có khả năng chi khoản tiền lớn cho những lựa chọn đắt tiền đó, một phần nữa là nhiều người không muốn chi quá nhiều tiền cho một vài thứ đồ dùng tạm ở nhà.

Dù sao thì Covid-19 cũng đang tạo ra một thị trường những sản phẩm văn phòng mới mẻ với những tính năng mới và giá cả phù hợp. Các nhà sản xuất đồ nội thất nên tận dụng cơ hội này vì dịch Covid-19 chưa biết đến khi nào mới kết thúc, và sẽ không ai biết sau Covid-19 có dịch bệnh nào buộc người có việc làm phải làm việc ở nhà nữa hay không.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam, sau giai đoạn khó khăn khi dịch Covid-19 mới bùng phát, xuất khẩu các sản phẩm này trong tháng 7/2020 đã tăng trở lại do nhiều thị trường nhập khẩu mặt hàng này đã dần gỡ bỏ các hạn chế giãn cách. Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2020 đạt 1,05 tỷ USD, tăng 20,7% so với tháng 7/2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 832 triệu USD, tăng 28,8% so với tháng 7/2019. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2020 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 6,09 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,44 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Sự thay đổi nhu cầu đồ gỗ trên thế giới vào lúc này do ảnh hưởng của Covid-19 đòi hỏi ngành đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam cần nắm bắt nhanh xu hướng thị trường để tận dụng những thời điểm nhu cầu một số dòng sản phẩm tăng rất mạnh trong khi nguồn cung không bắt kịp vì nhiều lý do.

Ngành chế biến gỗ đang là ngành kinh tế mới nổi của kinh tế Việt Nam, với vị thế xuất khẩu đứng đầu khu vực Đông - Nam Á, thứ hai châu Á và thứ năm thế giới. Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…là những thị trường xuất khẩu đồ gỗ trọng điểm của Việt Nam.

Vân Chi

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên