Covid-19: Lời khẩn cầu dồn nén 4 từ 'KHÔNG ĐÚNG' vì nạn tin giả khủng khiếp về Italy
Cộng đồng mạng chia sẻ về câu chuyện được lược dịch từ bài viết gốc của bác sĩ Macchini ở Ý. Câu chuyện cho thầy sự khốc liệt của dịch Covid -19 ở nước này.
Lời thỉnh cầu của bác sĩ người Italy: Đừng tin fake news!
Chị Jenny Hanh là nhiếp ảnh gia Sardinia – Italy. Khi bệnh dịch hoành hoành Italy, có rất nhiều thông tin thất thiệt về tình trạng quá tải, bỏ mặc bệnh nhân cao tuổi và có bệnh nền ở đây khiến cho cộng đồng người Việt ở Italy rất hoang mang.
Chị J. Hanh tìm kiếm và cuối cùng cũng có được thông tin chính thống. Buổi tối cùng ngày bác sĩ Roberto Fumagalli Trưởng khoa Gây mê và Hồi sức của Bệnh viện Niguarda (Milan), giảng viên của Đại học Bicocca Milano đã có video trả lời báo chí và người Italy.
Chị đã huy động admins Hội phụ nữ Việt tại Italy dịch lời của bác sĩ và muốn gửi thông điệp về Việt Nam để mọi người hiểu hơn về tình hình dịch tại Italy và các bác sĩ ở đây không phải "vô cảm" như nhiều thông tin đã đăng tải trước đó.
Theo chị Jenny Hanh, người ta đang đánh đồng một nguyên tắc trong ngành y là cứu người có khả năng sống sót cao hơn trước với việc "bác sĩ Ý phải lựa chọn cứu người trẻ hơn" "cứu người 40 tuổi trước, người 60 tuổi" gây hoang mang cho cộng đồng.
Dịch Covid - 19 ở Italy tăng cao
Dưới đây là nguyên văn lời xác nhận của BS Roberto Fumagalli về tình hình dịch tại Italy được Admin Hội phụ nữ Việt tại Italy chuyển ngữ:
LỜI THỈNH CẦU CỦA BÁC SĨ ROBERTO FUMAGALLI (Trưởng khoa Gây mê và Hồi sức của Bệnh viện Niguarda (Milan): Chúng tôi đang chiến đấu, mọi người đừng tin vào fake news!
"Chúng tôi đang chiến đấu từ ngày 24 tháng 2 , 7 ngày mỗi tuần, 24 giờ mỗi ngày để tổ chức lại hoạt động của khoa. Bệnh nhân được chuyển từ khoa Cấp cứu nhập viện vào các khoa tương ứng với tình trạng bệnh, đến khi tình trạng bệnh nặng sẽ chuyển qua khoa chăm sóc đặc biệt (ICU). Chúng tôi đã xây dựng một hệ thống đảm bảo sẽ cung cấp sự điều trị tối đa cho mỗi bệnh nhân.
Mỗi ngày đội ngũ bác sĩ, y tá, kĩ thuật viên điều trị các bệnh nhân với tất cả tâm huyết và rất nhiều thận trọng. Trên khuôn mặt của họ vẫn chưa có sự mệt mỏi mà chỉ có mong muốn vượt qua được căn bệnh này.
Đáng tiếc bất chấp sự cố gắng to lớn của chúng tôi trong những ngày qua đang lan truyền những thông tin báo động giả (fake news) về một tình trạng không có thật.
Chúng tôi để bệnh nhân tự chết là KHÔNG ĐÚNG
Chúng tôi không đặt ống thở cho bệnh nhân cao tuổi là KHÔNG ĐÚNG
Chúng tôi cứu chữa dựa trên độ tuổi của bệnh nhân là KHÔNG ĐÚNG
Khoa chăm sóc đặc biệt đầy các bệnh nhân trẻ tuổi là KHÔNG ĐÚNG
Số bệnh nhân trẻ tuổi điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt là rất thấp.
Chúng tôi thỉnh cầu các bạn không góp phần phát tán những thông tin giả này. Hãy chỉ tin vào những nguồn tin có kiểm chứng".
Sự thật ở Italy không phải như nhiều người nghĩ
Sự thật về dịch bệnh ở Italy dưới góc nhìn của người ở tâm dịch
Từ tâm dịch Covid-19 tại Itali, chị J. Hanh cung cấp góc nhìn của mình về tình hình dịch bệnh nơi đây. Chị cho rằng những thông tin về dịch bệnh ở Italy cần được nhìn nhận đúng. Không nên kịch tính hoá những câu chuyện về dịch Covid – 19 ở Italy để gây hoang mang.
1. Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Italy chiếm tỷ lệ cao vì dân số của Italy là dân số già. Italy có dân số già nhất châu Âu và đứng thứ 2 trên thế giới. Đa số người chết dịch ở Ý là tầm 80-90 tuổi, đã có sẵn bệnh nền.
2. Dịch bệnh tại Italy không phải do chủ quan. 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Italy được phát hiện ngày 30/01/2020, là 2 khách du lịch người Trung Quốc, qua đêm ở khách sạn Palatino ngay trung tâm Rome.
Ngay lập tức người Italy lo lắng và hàng loạt quán xá Trung Quốc phải đóng cửa, tiến hành cách ly mọi người trở về từ Vũ Hán. Đây là nước đầu tiên ở châu Âu cấm các chuyến bay tới Trung Quốc Ngày
Ngày 20/02/2020, sau 20 ngày, Italy xuất hiện ca thứ 3 ở thành phố Codogno tỉnh Lombardy, miền Bắc Italy. Đây là một người không du lịch tới Trung Quốc, Chính phủ không tìm ra người truyền bệnh đầu tiên - bệnh nhân số không.
Các quan chức y tế Italy cho rằng trước khi ca này được phát hiện đã có nhiều ca khác bị SARS-CoV-2 nhưng không biết, vì một bệnh viện thành phố đó đã ghi nhận rất nhiều ca viêm phổi ngay trước đó. Cũng đúng vào thời kỳ cúm và viêm phổi hàng năm nên có thể nhiều người đã bị mà không biết đó là Covid -19. Người bệnh có thời kỳ ủ dịch và nhiều người đi lại phát tán mà không biết và không được test, nên số ca bệnh tăng lên vùn vụt ngay sau ngày 20/ 02.
3. Italy cũng là nước châu Âu làm test Covid 19 nhiều nhất (42.000 test tới 7.03). 10.000 que thử ban đầu chính phủ test trên diện rộng và không cần người nghi nhiễm có biểu hiện nên số ca được phát hiện sớm tăng rất nhanh. Sau đó chính phủ đã điều chỉnh lại tiêu chuẩn như các quốc gia khác chỉ test khi người bệnh có các biểu hiện của Covid-19.
4. Do yếu tố văn hóa giao tiếp, khi gặp nhau người ta thường ôm và hôn má, người lạ mới quen thì bắt tay. Người thành phố chủ yếu di chuyển hàng ngày bằng phương tiện công cộng như bus, tàu điện nên khả năng lây lan rất nhanh. Thêm yếu tố khí hậu giao mùa , nhiệt độ lý tưởng cho virus bùng phát.
5. Nhiều ý kiến chê trách người Italy chủ quan không đeo khẩu trang. Nhưng thực tế, tại đây không có đủ khẩu trang y tế mua đeo từ trước khi có dịch. Khẩu trang và nước rửa tay khô được một một số người Châu Á tích trữ để tuồn hàng về Việt Nam hoặc khu vực Châu Á.
Người dân Italy gặp khó khăn trong việc mua khẩu trang vì tất cả các nhà thuốc đều dán thông báo hết hàng. Họ làm đúng khuyến cáo của chính phủ và của WHO là đeo khi có bệnh và trong những trường hợp cần thiết, còn để dành khẩu trang cho nhân viên y tế.
6. Hiện nay đã có lệnh phong tỏa toàn quốc, các điểm mua bán đều tổ chức trật tự, dân chúng không náo loạn, tuân thủ khoảng cách hơn 1 m với nhau, không mua tích trữ ồ ạt. Người Italy trong lúc khó khăn đã thể hiện sự đồng lòng với chính phủ. Trên các nhóm group FB, mọi người cùng động viên an ủi nhau với khẩu hiệu " io resto a casa" ( Tôi ở nhà ) để bảo vệ cộng đồng và giảm thiểu sự lây lan nguy hiểm cho người già.
Trí thức trẻ