COVID-19: Nguyên nhân sâu xa khiến Thụy Điển không từ bỏ "miễn dịch cộng đồng", đi ngược lại cả thế giới
Thay vì coi COVID-19 là tình trạng khẩn cấp quốc gia hoặc một cuộc chiến chống lại "kẻ thù vô hình", người dân có xu hướng chỉ coi virus corona là một vấn đề y tế nghiêm trọng.
- 13-05-2020Điều Thụy Điển sợ hơn cả chết vì Covid-19 và bí mật sau niềm tin tuyệt đối để chống dịch kiểu "thả rông"
- 01-05-2020Covid-19: Tỷ lệ tử vong gấp đôi Mỹ, lý do Thụy Điển vẫn một mình một kiểu và thủ tướng được tín nhiệm chưa từng thấy
- 20-04-2020Cách chống dịch khác biệt gây nhiều tranh cãi của Thụy Điển: Không phong toả, không bắt buộc người dân hạn chế ra ngoài, kinh tế có thể hồi phục tốt hơn so với các nước châu Âu
Tình hình bệnh dịch phức tạp
Gần đây, Thụy Điển đã nhận được nhiều sự chú ý của truyền thông thế giới. Theo số liệu được công bố, Thụy Điển là quốc gia có tỉ lệ người tử vong do COVID-19 trên đầu người cao nhất thế giới, với mức trung bình 6,08 ca tử vong/1 triệu người dân trong giai đoạn giữa ngày 13-20/5. Tới ngày 22/5, Thụy Điển có 32.172 ca xác nhận dương tính và 3.871 ca tử vong do COVID-19.
Những con số này thấp hơn nhiều so với Italy hay Anh, tuy nhiên cao hơn so với Bồ Đào Nha và Hy Lạp, hai quốc gia có dân số tương đương với Thụy Điển. Ngoài ra, dịch bệnh ở nước này cũng cao hơn các nước láng giềng khác, ví dụ như Đan Mạch có 11.182 ca nhiễm và 561 ca tử vong, Na Uy có 8.309 ca nhiễm và 235 ca tử vong, hoặc Phần Lan với 6.537 ca nhiễm và 306 ca tử vong.
Các nhà phê bình và các nhà quan sát quốc tế cho rằng tình hình đại dịch ở Thụy Điển là hậu quả của chiến lược chống dịch gây tranh cãi. Không giống như những nước châu Âu khác, Thụy Điển không áp dụng lệnh phong tỏa hoặc thực hiện xét nghiệm diện rộng và chỉ làm chậm sự lây lan của COVID-19 thông qua việc khuyến khích người dân thực hiện giãn cách cộng đồng tự nguyện.
Người dân Thụy Điển tại công viên ngày 8/5. Ảnh: IBL/REX/Shutterstock
Một số hạn chế đã được áp dụng, ví dụ như cấm tụ tập hơn 50 người, và quy định đồ uống sẽ chỉ được phục vụ tại các bàn riêng lẻ thay vì ở các quầy bar. Cuộc sống thường ngày ở Thụy Điển cũng không còn như trước. Người dân ít tới các trung tâm mua sắm và hạn chế đi phương tiện công cộng.
Một số người lao động có thể làm việc tại nhà nếu điều kiện cho phép. Tuy nhiên, người dân vẫn tiếp tục các hoạt động ngoài trời thoải mái; trường tiểu học, tiệm cắt tóc và trung tâm thương mại vẫn mở cửa.
Tuy số ca tử vong cao, khoảng 70% người Thụy Điển vẫn ủng hộ quan điểm của chính phủ. Trên thực tế, số ca tử vong đã khiến nhiều người dân ngạc nhiên, đặc biệt tỉ lệ cao ở một số nhóm người cao tuổi, những người dân nhập cư và dân lao động phổ thông. Hay nói cách khác, nguyên nhân gây tử vong được cho là tới từ những yếu tố về cấu trúc xã hội, kinh tế hoặc vấn đề khác - chứ không phải do chiến lược phòng dịch.
Nguyên nhân sâu xa
Theo The Guardian, một trong những điểm lí giải cho quan điểm chống dịch ở Thụy Điển là người dân có độ tín nhiệm cao đối với chính phủ, do đó ít có sự hoài nghi từ dân chúng đối với chính sách đối phó với COVID-19.
Thứ hai, tỉ lệ tử vong ở Thụy Điển cao nhất tập trung ở những nhóm người nhập cư nghèo, ví dụ như cộng đồng người Somali. Tờ Guardian cho rằng tiếng nói của những cộng đồng này không đủ lớn và không được truyền thông Thụy Điển đăng tải rộng rãi bởi việc đó sẽ làm ảnh hưởng tới hình ảnh một xã hội minh bạch và có độ tín nhiệm cao ở nước này.
Một lí giải khác là người Thụy Điển có cách nhìn nhận đại dịch khác biệt. Thay vì coi đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia hoặc một cuộc chiến chống lại "kẻ thù vô hình", người dân có xu hướng chỉ coi virus corona là một vấn đề y tế nghiêm trọng.
Một điều khiến Thụy Điển đặc biệt có lẽ một phần nằm ở nguyên nhân lịch sử. Quốc gia này đã không trải qua một cuộc khủng hoảng hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia nào trong hơn 100 năm qua.
Từ cuộc đại đình công năm 1909, nước này không có mâu thuẫn xã hội nào lớn, ví dụ như cuộc đình công của thợ mỏ ở Anh, hay cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha và Phần Lan.
Bất kì người nước ngoài nào sống ở Thụy Điển cũng sẽ thấy rằng người dân ở đây thường có xu hướng tránh các cuộc xung đột. Hơn thế nữa, Thụy Điển cũng không có một cuộc khủng hoảng vũ trang nào từ những năm 1810, trái ngược với Đan Mạch và Na Uy, vốn bị Đức chiếm trong Thế chiến 2.
Sự thiếu hụt kinh nghiệm trong đối phó với khủng hoảng phần nào giải thích cho cách chống dịch "đủng đỉnh" của Thụy Điển với COVID-19 và lí do y tế nước này vẫn ủng hộ chiến lược "miễn dịch cộng đồng".
Dù các nước khác coi đó là một cuộc thí nghiệm nguy hiểm ở quy mô quốc gia, Thụy Điển lại coi chiến lược này giống như 1 "phương thuốc" trị bệnh. Thụy Điển sẽ kéo dài chiến lược này trong bao lâu vẫn là điều chưa thể biết, nhưng với tình hình hiện tại, rất khó có khả năng sẽ có một sự biến chuyển tích cực - tờ Guardian nhận xét.
Tổ quốc