Covid-19: Nhật Bản bối rối vì số ca nhiễm giảm chạm đáy
Các nhà khoa học đang bối rối khi chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản giảm dần, trái ngược với các nước khác ở châu Á.
- 07-12-2021Hàn Quốc - đất nước vô địch về dịch vụ 'phố đèn đỏ': Thu hơn 20 tỷ USD/năm, đến ngành phim cấp 3 Nhật Bản cũng chịu thua
- 30-11-2021Bí quyết tồn tại suốt 1.400 năm của một nhà thầu Nhật Bản: Chuyên xây chùa chiền, đạt doanh thu 38 triệu USD/năm chỉ với 110 người lao động
- 28-11-2021Câu chuyện 'Nhật hóa' kinh điển của Kitkat: Là hàng ngoại nhưng đánh bại được bánh gạo, ung dung trở thành đặc sản Nhật Bản
Reuters ngày 9-12 đưa tin các ca mắc mới mỗi ngày tại Nhật Bản đã giảm xuống thấp hơn 1 ca/1 triệu người, ít nhất trong số các nền kinh tế lớn trừ Trung Quốc, và ca tử vong cũng giảm xuống 0 trong những ngày gần đây.
Ngược lại, tại Hàn Quốc, nơi có tỉ lệ tiêm chủng tương đương Nhật Bản, số ca nhiễm đang tăng kỷ lục. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Singapore và Úc khi các chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với việc di chuyển.
Một giả thuyết mới để giải thích sự khác biệt là loại virus Covid-19 chiếm ưu thế ở Nhật Bản đã tiến hóa theo cách làm giảm khả năng tái tạo của nó. Ông Ituro Inoue, giáo sư tại Viện Di truyền Quốc gia Nhật Bản, nói một biến thể phụ của Delta, được gọi là AY.29, có thể mang lại một số khả năng miễn dịch cho cộng đồng. "Tôi nghĩ AY.29 đang bảo vệ chúng ta khỏi các chủng khác. Nhưng tôi không tự tin 100% về điều này" - trích lời ông Inoue.
Số ca nhiễm tại Nhật Bản giảm mạnh, còn gần 1 ca/1 triệu người. Ảnh: Reuters
Ông Paul Griffin, giáo sư tại trường ĐH Queensland (Úc), nhận định sự khác biệt về số ca nhiễm ở các nước là do sự kết hợp phức tạp giữa các yếu tố thời tiết, mật độ dân số và các chiến lược khác nhau để chống lại đại dịch.
"Một số nước đang sử dụng các chiến lược ngoài tiêm chủng để kiểm soát sự lây lan, cho dù đó là các biện pháp đơn giản như rửa tay, giãn cách xã hội và sử dụng khẩu trang, cho dù là bắt buộc hay tự nguyện" - ông Griffin nói.
Nhật Bản chưa bao giờ phong tỏa theo cách nhiều nước khác từng áp dụng nhưng họ cũng không bỏ qua các sắc lệnh hành vi và giới hạn biên giới trước khi có vắc-xin. "Đeo khẩu trang và giữ vệ sinh cá nhân vẫn quan trọng. Vắc-xin là khía cạnh quan trọng của việc phòng ngừa nhưng không phải là viên đạn bạc" - nhà nghiên cứu Kazuaki Jindai của trường ĐH Tohoku nói.
Ngay cả khi tính đến vắc-xin và khẩu trang, một số người cho rằng tốc độ giảm các ca bệnh ở Nhật Bản là vấn đề thời gian. Việc Nhật Bản bắt đầu tiêm phòng muộn có nghĩa là hiệu lực của các mũi tiêm vẫn còn mạnh. Ngoài ra, một số người chỉ ra rằng cứ mỗi 2 tháng, virus có xu hướng đạt đỉnh rồi giảm dần.
Vào tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã ra lệnh đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể Omicron. Tính đến nay, nước này đã phát hiện 4 ca nhiễm biến thể Omicron.
Cho dù nguyên nhân dẫn đến việc giảm các ca nhiễm ở Nhật Bản là gì, ông Kishida nói việc quan trọng là chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Chương trình tiêm vắc-xin tăng cường đã bắt đầu từ tuần trước và chính phủ cũng tăng công suất bệnh viện lên hơn 30% sau khi một số bệnh nhân tử vong tại nhà trong đợt dịch thứ 5 vào tháng 8, đợt tồi tệ nhất cho đến nay.
Tiến sĩ Jindai tán thành sự chuẩn bị này nhưng lo lắng về cách chúng sẽ được thực hiện và liệu Nhật Bản có thể tăng cường quản lý dữ liệu chăm sóc y tế hay không. Đây vốn là một điểm yếu của nước này.
Người lao động