MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Covid-19, tòa văn phòng giá chỉ bằng 1/5 và câu chuyện "trong nguy có cơ" của Shark Phú: Trong khủng hoảng, ai nắm trước cơ hội mới sẽ là người dẫn dắt thị trường trong tương lai!

18-03-2020 - 11:14 AM | Doanh nghiệp

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 kéo theo sự khủng hoảng của nhiều doanh nghiệp. Tài sản trở nên rất rẻ. Ngôi nhà của Shark Phú mua với giá chỉ bằng 1/3 giá người em gái mua trước đó 2 năm. Tòa văn phòng của Sunhouse hiện tại giá chỉ bằng 1/5 bây giờ. "Trong nguy có cơ", ông chủ Sunhouse đúc rút. "Trong khủng hoảng, ai nắm trước cơ hội mới sẽ là người dẫn dắt thị trường trong tương lai!"

100 ngày đối mặt với bão Covid-19

Chừng 100 ngày đối mặt với dịch Covid-19, Sunhouse đã phải cho dừng một số dây chuyền sản xuất. Sản xuất là một trong những ngành được nhận định sẽ ảnh hưởng lớn bởi Covid-19 do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, bên cạnh ngành du lịch và hàng không.

Covid-19, tòa văn phòng giá chỉ bằng 1/5 và câu chuyện trong nguy có cơ của Shark Phú: Trong khủng hoảng, ai nắm trước cơ hội mới sẽ là người dẫn dắt thị trường trong tương lai! - Ảnh 1.

Báo cáo Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết dịch Covid-19 tác động đến các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng tại Việt Nam ở hai khía cạnh: Thiếu nguồn cung đầu vào cũng như xuất khẩu đầu ra bị nghẽn, bị giảm; đồng thời Thiếu lực lượng lao động do lệnh phong tỏa, cách ly hoặc hạn chế đi lại đối với nhân công, chuyên gia từ vùng dịch.

Không tỏ ra quan ngại về cầu tiêu dùng, Chủ tịch HĐQT Sunhouse Nguyễn Xuân Phú (thường được gọi là Shark Phú sau khi ngồi ghế nóng hai mùa chương trình Shark Tank Việt Nam – Thương vụ Bạc tỷ) phân tích: Trong dịch bệnh, mọi người sẽ có nhu cầu ở nhà nấu nướng nhiều, cầu về đồ gia dụng vì thế sẽ tăng. Nhưng nguồn cung, tức khả năng sản xuất đáp ứng cầu của thị trường gặp khó.

"Trong tháng 3, hàng hóa của doanh nghiệp sẽ thiếu hụt 10 - 15% so với kế hoạch, Tháng 4 thiếu hụt 20%, với điều kiện dịch được dập trong Tháng 4. Còn nếu dịch bệnh kéo dài hơn, thiệt hại sẽ tăng thêm", Shark Phú cho biết.

Trước thiệt hại này, ông Phú hai lần dùng từ "May mắn".

"Rất may mắn! Với mảng sản xuất đồ gia dụng, chúng tôi tự chủ đến 90% linh, phụ kiện để sản xuất tại nhà máy, nên thiệt hại mới được ở mức như vậy. Với những doanh nghiệp không tự chủ được nhiều linh, phụ kiện thì thiệt hại còn lớn hơn".

"Đặc biệt doanh nghiệp phải có phương pháp tồn kho dự phòng. Những loại vật tư nhập khẩu có lead-time (thời gian nhập hàng) dài phải dự trù lượng tồn kho theo một hệ số nhất định. Những công ty có cách quản lý như vậy sẽ đỡ thiệt hại hơn", Shark Phú phân tích.

Hai góc nhìn NGUY – CƠ trong khủng hoảng

Covid-19, tòa văn phòng giá chỉ bằng 1/5 và câu chuyện trong nguy có cơ của Shark Phú: Trong khủng hoảng, ai nắm trước cơ hội mới sẽ là người dẫn dắt thị trường trong tương lai! - Ảnh 2.

"Trong NGUY có CƠ", Shark Phú chiêm nghiệm.

Điều hành Sunhouse 20 năm, ông cho rằng điều đầu tiên, phải nhìn nhận Covid-19 cũng như các rủi ro trong kinh doanh, vốn liên tục hiện diện mà không ai có thể đoán trước.

Và đã không thể đoán trước, mọi doanh nghiệp đều cần phải xây nên những công thức, những phương án đề phòng rủi ro.

"Trong gia đình có khi chồng cũng phải cất tiền riêng phòng khi có tình huống cần đến", ông Phú cười ví von.

Trong nguy có cơ. Trong khủng hoảng nếu anh có dự phòng tốt, có tiền mặt, có thể có rất nhiều cơ hội mua được những tài sản rẻ mà bình thường không bao giờ mua được

"May mắn là Sunhouse đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng. Mỗi cuộc khủng hoảng lại giúp cho mình thêm kinh nghiệm, kiến thức để đưa ra phương án dự phòng, phân loại từng tình huống, các loại nguồn lực... Mỗi cuộc khủng hoảng làm cho con người ta "khôn" lên, và cứ thế giúp hoàn thiện dần tư duy dự phòng và dần giảm thiểu tác động khi rủi ro ập đến".

Ở góc nhìn thứ 2, ông Phú cho rằng mỗi rủi ro (dịch bệnh, các cuộc khủng hoảng...) sẽ tạo ra cơ hội mới, mà từ đó những công việc mới, ngành nghề mới được sinh ra.

"Nếu mau chóng nắm bắt được ngành nghề mới để thì nước ta sẽ là "người đi trước" so với các quốc gia khác. Nếu ai nắm trước cơ hội mới sẽ là người dẫn dắt thị trường trong tương lai. Trong nguy có cơ, ai là người nắm bắt cơ hội đó thì đó sẽ là người chiến thắng", ông Phú nhấn mạnh.

Một ví dụ vượt khủng hoảng của ông chủ Sunhouse là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007, nhiều doanh nghiệp gặp khủng hoảng. Tài sản trở nên rất rẻ. Ngôi nhà của Shark Phú mua với giá chỉ bằng 1/3 giá người em gái mua trước đó 2 năm. Tòa văn phòng của Sunhouse hiện tại giá chỉ bằng 1/5 bây giờ.

"Trong nguy có cơ. Trong khủng hoảng nếu anh có dự phòng tốt, có tiền mặt, lúc đó có thể có rất nhiều cơ hội mua được những tài sản rẻ mà bình thường anh không bao giờ mua được".

"Hay như trong dịch bệnh này, những đơn hàng từ những quốc gia phát triển đổ vào mình, mà trong giai đoạn bình thường không bao giờ chúng ta có được đơn hàng với những điều kiện dễ như vậy. Trước đây, họ có rất nhiều cơ hội lựa chọn thì đưa ra một loạt điều kiện phải thế này, thế kia, giá thì rẻ, chất lượng phải rất tốt, thời gian đáp ứng phải rất nhanh... Nhưng chính giai đoạn này lại là cơ hội", ông Phú nói.

Bản thân Sunhouse những ngày gần đây cũng nhận được rất nhiều đơn hàng từ các nước Đức, Mỹ, với thời hạn hoàn thành rất gấp. Ông Phú cho biết chính những lúc này, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ bỏ bớt các rào cản kỹ thuật, do nguồn cung thiếu hụt ở Trung Quốc mà có thể nhanh chóng chấp nhận đơn hàng từ doanh nghiệp Việt Nam với mức giá tốt hơn trước.

"Đây chính là cơ hội, vấn đề là chúng ta có nắm được cơ hội ấy hay không. Tôi rất hy vọng trong giai đoạn hiện nay làm sao doanh nghiệp chúng ta biết đâu là nguy để hạn chế những thiệt hại và nhanh chóng tìm cách đón cơ hội mới".

"Sau khi kết thúc khủng hoảng, cơ hội sẽ đến. Khi kết thúc dịch bệnh, thì những nhu cầu, bao gồm cả du lịch sẽ quay lại rất nhanh. Lúc ấy, nếu không chuẩn bị sẵn sàng đón nhận sẽ vỡ trận, vì tích tụ. Cũng giống như bất động sản những năm 2012 - 2014 gần như đóng băng, nhưng đến 2015 - 2016 thì bùng nổ, giá cả tăng vọt. Các doanh nghiệp nếu không có sự chuẩn bị thì không thể đáp ứng được nhu cầu bùng nổ khi dịch bệnh qua đi", Shark Phú nhìn nhận.

Theo Bảo Bảo

Trí thức trẻ

Trở lên trên