"CPI 2017 chắc chắn hoàn thành mục tiêu", lạm phát trong tầm kiểm soát
Bình quân CPI 11 tháng chỉ đạt 3,61%, năm 2017 gần như chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu 4% của cả năm...
- 06-12-2017Tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến sản xuất, CPI, hộ nghèo?
- 29-11-2017CPI bình quân 11 tháng tăng 3,61%
- 29-10-201711 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá đẩy CPI tháng 10 lên cao
Chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) năm 2017 gần như chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu 4% của cả năm. Cùng với động thái tăng giá điện đầu tháng 12 năm nay, xu thế tăng giá hàng hóa dịp Tết Nguyên đán dự kiến sẽ đẩy CPI tháng 1 và cả quý đầu tiên của năm 2018.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, CPI thường tăng cao trong các tháng cuối năm. Xu hướng này không lặp lại ở năm nay khi CPI tháng 10 và tháng 11 đều ở mức khá thấp. Bình quân CPI 11 tháng chỉ đạt 3,61%, nghĩa là dư địa đến con số mục tiêu 4% vẫn còn khá lớn.
Trong tháng 12, lực đẩy đáng chú ý nhất là việc tăng giá điện song mức tác động không lớn, thay vào đó, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến tháng đầu năm sau. Do đó, vị chuyên gia này khẳng định, CPI năm nay chắc chắn hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.
Về nguyên nhân giúp CPI cả năm nay ở mức khá thấp, ông Long cho rằng là nhờ việc kiềm chế giá cả khá chặt chẽ và lực đẩy chủ yếu là mức tăng giá các dịch vụ thiết yếu.
Bình luận về chỉ tiêu lạm phát 2018 được Quốc hội đề ra, ông Long cho rằng, điều quan trọng nhất là xem xét giải pháp thực thi để có chính sách điều hành phù hợp. Đáng chú ý nhất là động thái điều chỉnh tiền lương từ 1/7/2018 và tác động trực tiếp và gián tiếp từ giá điện.
"Cần chú ý hiện tượng tát nước theo mưa, tăng giá điện dẫn đến tăng giá các mặt hàng khác. Đặc biệt, không chỉ phí chính thức mà các khoản phí phi chính thức có thể vẫn làm mưa làm gió gây khó cho nỗ lực kiềm giảm chi phí sản xuất - kinh doanh từ đó giảm giá hàng hóa của doanh nghiệp", ông Long bình luận.
"Theo tôi, nút thắt lớn nhất là thể chế và tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời, điểm nghẽn về cải thiện năng suất, chất lượng sản xuất - kinh doanh, môi trường kinh doanh là thách thức không nhỏ. Cần nhận dạng để có hướng xử lý bởi đây là những yếu tố tiềm ẩn có thể tác động lớn đến lạm phát".
Khá tương đồng với nhận xét của ông Long, báo cáo theo dõi lạm phát vừa được SSI Retail Research công bố nêu quan điểm: "CPI thực phẩm, giao thông và nhà ở với yếu tố giá điện tăng 6,08% từ 1/12, sẽ kéo CPI tháng 12 tăng. Mặc dù vẫn nằm trong ngưỡng kiểm soát 4%, nhưng CPI cả năm rất có thể sẽ vượt ngưỡng 3%", SSI Retail Research lưu ý.
Báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam của HSBC dự báo lạm phát sẽ ở mức khoảng 3,7% năm 2018 - cao hơn mức 3,5% mà tổ chức này dự báo cho năm nay.
Khối nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC nhận định, cụm từ "tăng trưởng cao, lạm phát thấp" mà mọi người thường dùng để nói về kinh tế toàn cầu năm 2017 có thể sẽ chuyển thành "tăng trưởng ổn định, lạm phát cao hơn" ở Việt Nam trong năm 2018.
Lý do được đưa ra là bởi trong khi chi phí y tế tăng vẫn là động lực chính của lạm phát thì giá dầu và lương thực cao hơn sẽ khiến lạm phát cao hơn.
Giá dầu cũng có thể theo một quỹ đạo tương tự, qua đó có thể kéo lạm phát lên mức mục tiêu 4% vào giữa năm.
Trong trường hợp lạm phát tăng như vậy, thì nguy cơ là Ngân hàng Nhà nước có thể phải tăng lãi suất, trong bối cảnh vẫn phải hỗ trợ tăng trưởng GDP ở mức mục tiêu 6,5% - 6,7%.
Điều này có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách theo hướng thận trọng, tránh nới lỏng không cần thiết để vừa tránh lạm phát và tăng trưởng tín dụng tăng cao trong khi cũng không thắt chặt quá nhằm tránh sự suy giảm của nền kinh tế.
Vneconomy