CPI Trung Quốc tăng nhanh hơn dự báo
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã tăng cao hơn dự báo trong tháng 7, mang lại hy vọng về sự phục hồi nhu cầu nội địa.
- 09-08-2024Buồn của người giàu tại ‘Thuỵ Sĩ của phương Đông’ khi có tiền nhưng không dám mua bất động sản xa xỉ lẫn xe sang: Vì đâu nên nỗi?
- 09-08-2024Được Nga cung cấp hàng tỷ mét khối khí đốt qua Ukraine, các nước EU sẽ ra sao nếu đường ống này đột ngột ngừng hoạt động?
- 09-08-2024Tăng vọt chi phí R&D, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ 2 trong lĩnh vực xe điện sau Mỹ
Theo các số liệu vừa được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào sáng nay, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã tăng cao hơn dự báo trong tháng 7, mang lại hy vọng về sự phục hồi nhu cầu nội địa - yếu tố đã kìm hãm đà tăng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay.
Các số liệu thống kê mới công bố cho thấy, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Trung Quốc đã tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua và vượt mức dự báo của các chuyên gia kinh tế.
Động lực lớn nhất thúc đẩy chỉ số CPI là sự gia tăng của giá rau và thịt lợn, trong đó, giá thịt lợn tăng vọt 20,4%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2022. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ có một số tín hiệu cải thiện, lạm phát có thể tăng cao hơn trong những tháng tới, dù không quá nhiều.
Một kế hoạch hành động gồm 20 bước sẽ được triển khai để thúc đẩy người dân chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ
Ông Alex Muscatelli - Chuyên gia phân tích, Fitch Ratings cho biết: "Nhu cầu nội địa đã có một số dấu hiệu phục hồi, điều này cũng đã được phản ánh qua các số liệu trước đó về nhập khẩu. Lạm phát của Trung Quốc đã ở mức thấp trong một thời gian dài và chúng tôi kỳ vọng sẽ có một số sự gia tăng trong năm nay, khi nền kinh tế phục hồi và đạt được tốc độ tăng trưởng tốt hơn. Tuy nhiên, tôi không nghĩ lạm phát sẽ tăng quá nhanh. Fitch vẫn đang kỳ vọng về mức tăng lạm phát 0,8% vào cuối năm".
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 7 đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, bằng với mức của tháng 6. Lạm phát chi phí đầu vào giảm, sự cạnh tranh trên thị trường và những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, đã khiến các nhà sản xuất phải hạ giá bán trong tháng thứ 22 liên tiếp.
Tuy nhiên, kết quả này vẫn tốt hơn so với mức dự báo giảm 0,9% và là mức giảm thấp nhất kể từ tháng 1. Triển vọng xuất khẩu vẫn khá tích cực đã hạn chế đà giảm giá.
Ông Alex Muscatelli - Chuyên gia phân tích, Fitch Ratings chia sẻ: "Mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhưng về khối lượng vẫn khá mạnh. Không có dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu từ các đối tác thương mại chính của Trung Quốc suy giảm. Danh mục các sản phẩm có nhu cầu xuất khẩu cao vẫn duy trì giống như trước đây, như máy móc, xe ô tô… Nhu cầu từ Mỹ vẫn khá mạnh mẽ".
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay, giới chức Trung Quốc cam kết sẽ tiến hành thêm các biện pháp kích thích cần thiết, trong đó nhắm nhiều vào việc thúc đẩy nhu cầu chi tiêu tiêu dùng nội địa. Một kế hoạch hành động gồm 20 bước sẽ được triển khai để thúc đẩy người dân chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ, từ ăn uống, nhà ở, cho tới chăm sóc người cao tuổi.
VTV