MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Credit Suisse sau 1 tuần đầy trắc trở: Khách hàng giàu có sợ hãi đòi rút tiền, các đối thủ 'thừa nước đục thả câu'

08-10-2022 - 19:10 PM | Tài chính quốc tế

Credit Suisse sau 1 tuần đầy trắc trở: Khách hàng giàu có sợ hãi đòi rút tiền, các đối thủ 'thừa nước đục thả câu'

Những bất ổn đã khiến khách hàng giàu có của Credit Suisse hoảng sợ. Một số gia đình giàu ở Trung Đông và châu Á đã rút về hàng trăm triệu USD, nguồn tin thân cận tiết lộ.

Dù đối diện với những lời đồn thổi không mấy tích cực, thực chất tuần vừa qua lại là 1 tuần khởi sắc với cổ phiếu Credit Suisse khi ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 2 năm.

Tuy nhiên, tin tốt lành này lại không thể làm lu mờ những tác động từ việc chi phí bảo hiểm phá sản cho các khoản nợ tăng kỷ lục do thị trường đồn đoán về việc ngân hàng này làm thế nào để tài trợ cho kế hoạch tái cơ cấu đã có từ lâu. Những bất ổn đã khiến khách hàng giàu có của Credit Suisse hoảng sợ. Một số gia đình giàu có ở Trung Đông và châu Á đã rút về hàng trăm triệu USD, nguồn tin thân cận tiết lộ.

Nguồn tin giấu tên cho biết thêm, còn ở Credit Suisse, các giám đốc đã phải tìm cách thuyết phục khách hàng bình tĩnh, trong khi các đối thủ lại tìm cách thổi phồng thêm những suy đoán về sức khoẻ tài chính của ngân hàng 166 năm tuổi này. Cuối cùng, nhà băng Thuỵ Sĩ đã phải mua 3 tỷ USD trái phiếu để trấn an thị trường.

Trong bối cảnh này, CEO Ulrich Koerner cần phải nhanh chóng hoàn tất kế hoạch tái cơ cấu. Koerner đang tìm cách cắt giảm triệt để những bộ phận thua lỗ trong mảng ngân hàng đầu tư, bao gồm cả việc loại bỏ những bộ phận lớn để tránh làm ảnh hưởng đến mảng quản lý tài sản cho nhà giàu. Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng được đặt ra là, Credit Suisse làm thế nào để tài trợ cho quá trình này.

Nguồn tin tiết lộ, trong khi các chủ ngân hàng đầu tư bên ngoài đưa ra ý tưởng về cách thức tăng vốn cho kế hoạch tái cơ cấu nếu cần, thì các giám đốc điều hành của Credit Suisse lại không muốn phát hành cổ phiếu khi giá đang mức thấp gần kỷ lục. Tuy nhiên, khi các nhà phân tích ước tính quá trình tái cơ cấu có thể tiêu tốn ít nhất 4 tỷ USD, thì ngân hàng này đang phải tìm một số lựa chọn khác.

Theo Bloomberg, câu trả lời chính là thu hút nhà đầu tư bên ngoài để tách bộ phận tư vấn và kinh doanh thị trường vốn của ngân hàng đầu tư khỏi thương hiệu First Boston. Credit Suisse cho biết, họ cân nhắc đến việc bán ít nhất một phần của bộ phận thương mại, các sản phẩm được chứng khoán hoá (SPG) và xem xét việc bán các loại tài sản khác. Pimco và một nhóm đầu tư bao gồm Centerbridge Partners nằm trong danh sách các bên tiềm năng muốn mua bộ phận SPG của Credit Suisse.

Các nhà phân tích cho biết, một bộ phận sinh lợi của Credit Suisse thực hiện IPO hoặc bán bộ phận quản lý tài sản là một cách thức khác để ngân hàng này huy động tiền mặt. Tuy nhiên, đây lại được đánh giá là những lựa chọn không mấy hấp dẫn.

Đối thủ tận dụng cơ hội

Trong khi các nhà đầu tư chờ đợi thêm thông tin về kế hoạch của CEO Koerner, thì việc cổ phiếu và trái phiếu của Credit Suisse biến động dữ dội lại trở thành cơ hội để các công ty đối thủ thu hút khách hàng giàu có. Cổ phiếu của nhà băng này đã giảm tới 12% vào đầu tuần và tăng 15% vào cuối tuần. Tuy nhiên nó đã mất hơn 1 nửa giá trị so với thời điểm đầu năm và giao dịch ở mức thấp gần kỷ lục.

Theo nguồn tin thân cận, các nhân viên từ những công ty đối thủ - một trong số đó là cựu nhân viên của Credit Suisse, đã nắm bắt được biến động trong tuần này, tung ra những thông tin tiêu cực và thêu dệt câu chuyện về CDS của ngân hàng Thuỵ Sĩ cho khách hàng giàu có. Ngành quản lý tài sản đã có những cuộc tranh luận kéo dài về việc liệu những chiến thuật như vậy có thực sự công bằng hay không.

Credit Suisse quản lý 763 tỷ franc (768 tỷ USD) tài sản cho các khách hàng giàu có tính đến ngày 30/6. Con số này giảm so với 856 tỷ france vào đầu năm do ảnh hưởng của thị trường chứng khoán sụt giảm và việc ngân hàng ngừng giao dịch với khách hàng Nga. Đầu năm nay, Credit Suisse đã tiếp nhận thêm tiền của khách hàng ở châu Á và Mỹ.

Tại Singapore và Trung Đông, một số khách hàng đã yêu cầu rút tiền mặt hoặc chuyển tài sản trị giá hàng chục triệu USD. Một nguồn tin khác cho biết, một khách hàng là văn phòng gia đình châu Á yêu cầu rút tiền nhưng được Credit Suisse thông báo rằng họ đang phải xử lý rất nhiều giao dịch nên tạm thời chưa thể giải quyết.

Trong khi đó, các nhân viên ở ngân hàng tư nhân đang trấn an khách hàng về khả năng thanh toán, cũng như sức khoẻ tài chính vững chắc của ngân hàng. Họ cũng đề xuất các giải pháp như chuyển tài sản sang các công ty con của bên thứ 3 và đầu tư vào trái phiếu Kho bạc Mỹ có thời hạn ngắn để hạn chế mọi rủi ro.

Tỷ lệ vốn cổ phần phổ thông cấp 1 (CET1 capital ratio) của Credit Suisse là 13,5% tính đến 30/6, cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn tối thiểu của quốc tế là 8% và Thuỵ Sĩ là 10%. Tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản (LCR) cũng cao nhất nhì trong số các ngân hàng châu Âu và Mỹ. Ngay cả trong trường hợp Credit Suisse gặp vấn đề nghiêm trọng hơn, chính phủ Thuỵ Sĩ vẫn hỗ trợ theo đạo luật mới nhằm cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng có mức độ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hệ thống.

Tham khảo Bloomberg 

Chi Lan

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên