CTCK nhận định thị trường 13/12: Đà giảm đang được hãm lại
Tuần giao dịch này, mốc 650 điểm sẽ là mục tiêu mà thị trường test lần nữa. Tuy nhiên, nếu như không có quá nhiều áp lực thì bán giai đoạn này đã là quá muộn, trong khi với nhà đầu tư có tiền, cơ hội mua đang trở lên rõ ràng hơn.
- 13-12-2016Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 13/12
- 13-12-2016KLF, STG, HAH, PNJ, TFC, PIV, SDA, VOC, SGS: Thông tin giao dịch lượng lớn cổ phiếu
- 12-12-2016Khối ngoại trở lại mua ròng VNM trong ngày SCIC đấu giá
CTCK VCSC
Thị trường đã giảm 0,5% vào phiên hôm nay sau 3 phiên liên tiếp tăng điểm. VNM (-1,6%) giảm sau khi chỉ có một NĐT duy nhất (tập đoàn F&N của Sigapore) tham gia phiên đấu giá công khai 9% cổ phần công ty sữa này vào hôm nay.
Các mã tài chính (-1,1%) chịu áp lực sau khi tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng do thông tin cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á bị bắt giữ cuối tuần qua do vi phạm các quy định hoạt động ngân hàng. CTG (-2,6%) và BID (-1%) giảm xuống mức thấp nhất gần hai năm qua trong khi BVH (-2,2%) giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng qua. Trong khi đó, PNJ giảm điểm (-4,9%) vì nhà đầu tư lo ngại sự việc trên có thể ảnh hưởng đến công ty này.
Theo quan điểm của chúng tôi, các giá trị cơ bản của công ty sẽ không bị ảnh hưởng. KBC (-6,9%) giảm sàn sau khi Van Eck cho biết sẽ không đưa mã BĐS này vào danh mục trong đợt tái cơ cấu danh mục quý này. Một số mã giúp thị trường không bị giảm sâu hơn bao gồm SAB (+7%) khi mã này tăng trần phiên thứ năm liên tiếp, và các mã năng lượng như PVD (+2,3%) và PVS (+2,4%), được hỗ trờ nhờ giá dầu thế giới tăng mạnh.
CTCK BSC
Diễn biến thị trường cũng như tâm lý giao dịch có thể sẽ chịu thêm những áp lực trước hoạt động cơ cấu của cả hai quỹ ETF trong những phiên cuối tuần, đồng thời đứng trước thông tin FED có thể tăng lãi suất trong kỳ họp sẽ diễn ra vào ngày 13-14/12 tới đây khiến thị trường trở nên biến động hơn và rủi ro điều chỉnh tăng cao. Khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế việc tham gia thị trường ở những vùng giá chiết khấu thấp hơn trong những phiên tới, khi mà dòng tiền thị trường chưa thực sự khả quan và ổn định trở lại.
CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS
Cổ phiếu SAB đã tăng sát ngưỡng giá giao dịch OTC trước khi niêm yết và lượng cầu mua đã giảm dần, nhưng khối lượng giao dịch khớp lệnh chiếm phần lớn thuộc về khối ngoại, nên khả năng tăng giá của SAB sắp tới hạn và điều này có thể sẽ tác động đến VN-Index.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu lớn vẫn chịu những áp lực và tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định. Nhiều cỏ phiếu cơ bản mất thanh khoản trong khoảng thời gian đầu hoặc thanh khoản đã rơi về mức thấp nhất. Điều này đang báo hiệu khả năng đà giảm đang được hãm lại và đó là tín hiệu đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, với những diễn biến hiện tại, trong khi thông tn hỗ trợ chưa xuất hiện thì nhà đầu tư tiếp tục chịu thử thách. Theo đó, tuần giao dịch này, mốc 650 điểm sẽ là mục tiêu mà thị trường test lần nữa. Tuy nhiên, nếu như không có quá nhiều áp lực thì bán giai đoạn này đã là quá muộn, trong khi với nhà đầu tư có tiền, cơ hội mua đang trở lên rõ ràng hơn.
CTCK MB - MBS
Áp lực bán tăng mạnh ở các cổ phiếu lớn, khiến cả 2 chỉ số lùi xuống dưới các ngưỡng hỗ trợ mạnh 660 điểm với VN-Index và 79-80 điểm với HNX-Index. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức dưới trung bình 20 phiên gần nhất cho thấy, dòng tiền vẫn có sự thận trọng nhất định. Điểm tích cực khi khối ngoại trở lại mua ròng sau nhiều phiên bán ròng liên tiếp.
Trong phiên 13/12, khả năng các chỉ số sẽ dao động sideway trong biên độ hẹp, ngưỡng hỗ trợ gần nhất đối với VN-Index là 650 điểm và HNX-Index là 78 điểm. Nhà đầu tư giữ tỷ trọng danh mục an toàn với tỷ trong tiền mặt cao, đồng thời quan sát diễn biến thị trường tại các ngưỡng hỗ trợ để có hành động phù hợp.
CTCK Rồng Việt
Thị trường bắt đầu tuần mới trong sắc đỏ. Trên cả 2 sàn, độ rộng rất hẹp với chỉ 109 mã tăng so với 344 mã giảm. VN-Index có SAB đỡ nên chỉ giảm 0,51% xuống 659,7 điểm, trong khi HNX-Index giảm mạnh 1,03% còn 78,79 điểm. Trong một ngày mà thị trường không tốt, cả NĐTNN lẫn trong nước đều rút tiền ra khỏi các cổ phiếu đầu cơ khiến cho những FLC, KBC, FIT, ITA, HHS giảm mạnh. Ở chiều ngược lại, NĐTNN mua vào các mã cơ bản như PC1, CTD, CII, HBC, PAC, GIL. Tổng mua ròng của khối ngoại trên cả 2 sàn là 133 tỷ.
Phiên đấu giá VNM kết thúc với việc không có NĐT nào khác ngoài 2 quỹ F&N mua thêm 5,4% trong tổng số 9% cổ phần (tương ứng 78,4 triệu cổ phiếu). Giá chào bán cao được cho là nguyên nhân dẫn đến việc VNM bị “ế” như vậy. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng gần 1 triệu cổ phiếu VNM bên ngoài với giá chỉ hơn 133.000 đồng.
Tâm lý thị trường vẫn còn đang yếu, trong khi rất khó để chỉ ra những điểm sáng trong giai đoạn này. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên tiếp tục theo dõi diễn biến trong những phiên sắp tới hoặc thử giải ngân với tỉ trọng thấp.