CTCK nhận định thị trường 16/04: Tin tốt "ngoại cảnh" bắt đầu xuất hiện trở lại
Trong giai đoạn yếu tố tâm lý đang tỏ ra "lấn át" để dẫn dắt thị trường thì việc tìm kiếm cổ phiếu "bottom-up" sẽ giúp nhà đầu tư có sự chuẩn bị tốt nhất khi nhận thấy cổ phiếu giảm về vùng giá hợp lý để quay trở lại thị trường.
CTCK Rồng Việt: Tìm kiếm cổ phiếu "bottom-up" sẽ giúp nhà đầu tư có sự chuẩn bị tốt nhất
Chỉ số VNIndex kiểm định ngưỡng kháng cự 1.180 – 1.182 điểm ngay trong thời gian đầu phiên giao dịch. Bên mua khá dè dặt do quan ngại khả năng bulltrap ngay trong phiên. Thực vậy, sau quãng thời gian ngắn ngủi neo giữ ở sắc xanh, chỉ số VNIndex yếu dần và bắt đầu giảm từ nửa sau phiên sáng. Thanh khoản trong phiên sáng rất thấp, giảm gần 50% so với mức trung bình/phiên kể từ đầu năm 2018 đến nay. Chỉ số không có dấu hiệu cải thiện và giảm sâu hơn vào phiên trưa. Hết ngày giao dịch, chỉ số VNIndex giảm 1,35% về mốc 1.157 điểm. Chỉ số HNXIndex diễn biến cũng khá kém khi đóng cửa giảm 1,69%.
Các cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thời gian qua đã chịu áp lực bán nhiều nhất trong vài phiên trở lại đây. Lực bán cũng lan tỏa ra nhiều cổ phiếu large-cap khác. Bên cạnh đó, thanh khoản đột ngột tăng vào phiên chiều, khi thị trường giảm ngày một mạnh cho thấy áp lực bán giá thấp đang gia tăng. Đây là tín hiệu không tốt cho thị trường.
Thị trường trong những ngày này đang chịu tác động bởi yếu tố bên ngoài, tiêu biểu như căng thẳng giữa My và Nga. Tình hình vẫn chưa có dấu hiệu leo thang nên đây cũng tạm gọi là "ổn" cho thị trường chung. Ngoài ra, tin tốt "ngoại cảnh" cũng đã bắt đầu xuất hiện trở lại: Mỹ xem xét tham gia đàm phán lại TPP. Những biến động ngắn hạn của thị trường đang bị ảnh hưởng nhiều từ các yếu tố như vậy.
Còn về dài hạn, yếu tố nội tại như vĩ mô Việt Nam, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết vẫn sẽ dẫn dắt thị trường. Trong giai đoạn yếu tố tâm lý đang tỏ ra "lấn át" để dẫn dắt thị trường thì việc tìm kiếm cổ phiếu "bottom-up" sẽ giúp nhà đầu tư có sự chuẩn bị tốt nhất khi nhận thấy cổ phiếu giảm về vùng giá hợp lý để quay trở lại thị trường.
CTCK Bản Việt: Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại
Tín hiệu kỹ thuật hiện tại vẫn được duy trì ở mức Tiêu cực, tuy nhiên chưa cho thấy tiến triển xấu hơn do các ngưỡng hỗ trợ phía dưới, dù không phải hỗ trợ mạnh nhưng vẫn chưa bị vi phạm. Tuy vậy, các ngưỡng hỗ trợ này nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị thử thách vào đầu tuần tới.
Trong khả năng bị phá vỡ (theo chúng tôi là với xác suất cao), các chỉ số chứng khoán sẽ phải tìm đến các ngưỡng hỗ trợ trung hạn. Đó là đường MA50 ngày đang nằm tại 1125 điểm đối với VN-Index và 1110 điểm đối với VN30; 1120 điểm đối với VNMidcap và 128,5 điểm đối với HNX-Index. Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại.
CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS: VN-Index có thể sẽ có nhịp hồi phục với vùng kháng cự trong khoảng 1.170-1.200 điểm
Các tin tức xấu từ tình hình thế giới đã như một chất xúc tác thúc đẩy các nhà đầu tư mạnh tay chốt lời trong phiên 11/4.
Một phiên hồi phục kỹ thuật sau đó là không đủ để lôi kéo dòng tiền tham gia lại vào thị trường đã khiến lực bán tiếp tục tăng trong đưa VN-Index về gần ngưỡng tâm lý 1.150 điểm.
Thị trường hiện tại đang khá mong manh với mức rủi ro cao; tuy nhiên, những nhịp hồi phục sẽ vẫn diễn ra.
Trong tuần giao dịch tiếp theo, VN-Index có thể sẽ có nhịp hồi phục với vùng kháng cự trong khoảng 1.170-1.200 điểm.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nhịp phục hồi này của thị trường sẽ khó bền vững và những phiên tăng điểm sẽ là cơ hội để nhà đầu tư ngắn hạn giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục về mức an toàn.
Nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt, có triển vọng tăng trưởng tích cực và tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường.
CTCK VPBS: Trụ mất sức, ngân hàng giảm sâu, thị trường đối diện áp lực giảm sâu
Áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh trên diện rộng bao gồm cả các trụ và nhóm dẫn dắt khiến sự tiêu cực càng gia tăng khi điểm tựa tâm lý dần bị phá vỡ. Sức cầu yếu trong những đợt hồi phục không đủ sức hấp thụ hết lượng cung ngày càng nhiều được đẩy ra thị trường khiến mặt bằng giá tiếp tục sụt giảm trên diện rộng. Trước bối cảnh thế giới vẫn trong trạng thái bất ổn và thị trường trong nước thiếu vắng thông tin hỗ trợ trước thềm báo cáo quý 1. Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ còn vận động điều chỉnh trong tuần tới.
CTCK BSC: Tâm lý e dè tiếp tục gia tăng khiến thị trường sẽ diễn biến khó lường
Những nỗ lực hồi phục điểm của ngày hôm trước đã bị triệt tiêu bởi áp lực bán mạnh tại nhiều cổ phiếu trụ mà đặc biệt là ngành Ngân hàng (VCB, MBB) và Dầu khí (PVS, PVC), khi chỉ số VN-Index ngày cuối tuần giảm 15,88 điểm. Thị trường đầu phiên sáng có dấu hiệu phục hồi từ tin tích cực về tình hình hoãn binh của chính trị thế giới, nhưng sự thận trọng của nhà đầu tư cũng trở lại nhanh chóng. Dòng tiền đổ quay lại vào các cổ phiếu mảng Bất động sản, cụ thể cuối phiên ROS ghi nhận giá trần, VIC, NVL vẫn giữ sắc xanh dù áp lực bán cũng không nhỏ.
BSC nhận định, tâm lý e dè tiếp tục gia tăng khiến thị trường sẽ diễn biến khó lường trong những phiên giao dịch tới, nhà đầu tư nên thận trọng quan sát và hạn chế mở mới các vị thế ngắn hạn.